Góp ý của ĐBQH Phùng Khắc Đăng – Sơn La đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:27 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Sau khi nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các tài liệu liên quan, tôi cơ bản nhất trí. Trước hết, tôi xin khẳng định tôi đồng ý với tiêu đề đã đưa ra. Hiến pháp được coi là đạo luật gốc hay còn gọi là đạo luật cơ bản. Đúng. Vì nó đã chi phối các luật khác.

Tuy nhiên, dù quan niệm nó là gốc hay cơ bản thì Hiến pháp cũng không phải là một đạo luật bất biến, mà tùy theo hoàn cảnh, lịch sử, những yêu cầu chính trị để có những điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Như vậy mới biện chứng của sự phát triển.

Tôi thấy bản dự thảo lần này đã tiếp thu được những tinh túy của các bản Hiến pháp trước đó, như việc khẳng định độc lập, chủ quyền về mặt lãnh thổ, chế độ chính trị, quyền và nghĩa vụ công dân, những quan điểm, tư tưởng lớn về chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, v.v.,

Mặt khác, trong quá trình thực hiện thì cũng thấy rõ một điều là có sự đổi mới, chỉ xét về mặt hình thức thôi thì chúng ta đã thấy có tới 108 điều sửa đổi và hàng chục điều viết mới trên 127 điều. Tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi của bản Hiến pháp vấn được giữ vững, cho nên tôi hoàn toàn đồng ý với tiêu đề đã được nêu trên.

Về những vấn đề cụ thể. Tôi xin có những ý kiến như sau:

Một, về các quy định của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các thành viên của mặt trận.

Nội dung của Điều 9 Hiến pháp dự thảo có viết thì chúng tôi thấy qua các lần thảo luận, những ý kiến phát biểu của các đại biểu đã được Ban soạn thảo tiếp thu và đưa vào một số các từ ngữ thì tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, để bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận họat động có hiệu quả, tôi thấy quy định ở Điểm 3 Điều 9 sửa đổi Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động có hiệu quả thì viết như thế này là chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa khắc phục được những bất cập trong hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên.

Điểm 4, Mục 3, Phần 4 trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung phát triển năm 2011 để sửa đổi, bổ sung đoạn này và cụ thể chúng tôi đề nghị nên sửa lại như sau: nhà nước luôn tôn trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của mặt trận và các thành viên của mặt trận, có cơ chế chính sách tạo điều kiện để mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả trong thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Thứ hai, việc thể hiện vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong Hiến pháp trước tôi đã có đại biểu Đặng Thị Kim Chi - Phú Yên đề cập đến vấn đề này, nhưng tôi xin được nói là trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay có 5 hệ thống chính trị xã hội đó là công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, những tổ chức này đều là thành viên có vị trí có vai trò trong hệ thống chính trị của nước ta. Song trong Hiến pháp năm 1992 có tổ chức công đoàn được ghi nhận trong Điều 10 đã xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, các tổ chức chính trị xã hội khác không được xác định cụ thể như vậy bỏ sót vị trí vai trò của các tổ chức chính trị xã hội khác.

Tôi cho rằng ghi các tổ chức này chỉ càng khẳng định rõ lực lượng chính trị kiên trung theo Đảng và nhà nước và đồng thời đề cao trách nhiệm của họ mà thôi. Do đó tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 10 theo hướng quy định về vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của 5 tổ chức chính trị xã hội hiện nay gồm công đoàn, hộ nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và hội cựu chiến binh. Nếu không ghi cụ thể thì chỉ cần ghi rõ mặt trận tổ quốc Việt Nam và các thành viên của mặt trận là đủ.

Thứ ba, về quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như sau.

Điều 15 cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng xác định con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển. Do vậy, đề nghị bổ sung Điều 15 của dự thảo như sau: ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển, quyền con người, quyền công dân được nhà nước và xã hội thừa nhận tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Ở Điều 32: Theo quy định của nhiều văn bản pháp luật hiện hành, người bị thiệt hại được quyền bồi thường về vật chất, được phục hồi về danh dự. Tuy nhiên tại Khoản 3, Điều 32 của dự thảo quy định: Người bị thiệt hại được bồi thường về vật chất và danh dự theo quy định của pháp luật. Theo tôi viết từ này có lẽ chưa chuẩn xác vì danh dự của con người chỉ có thể được phục hồi không thể được bồi thường, đề nghị nên sửa đổi, bổ sung vào Khoản 3, Điều 32 như sau: Người bị thiệt hại được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, thưa Quốc hội, tôi quan niệm Hiến pháp đây là một vấn đề rất lớn và trọng đại, cho nên cần có sự nghiên cứu một cách nghiêm túc, cần lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân để tập trung trí tuệ, giúp cho Quốc hội của chúng ta có đủ điều kiện quyết định và như vậy tôi ủng hộ việc lấy ý kiến của nhân dân. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan