Góp ý của ĐBQH Nguyễn Văn Tiên – Tiền Giang đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:26 26-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội.

Các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu rất nhiều các ý kiến liên quan đến bố cục các điều cụ thể của Hiến pháp cũng như định hướng sửa đổi. Tôi chỉ xin góp ý một số vấn đề rất cụ thể trong nội dung của Hiến pháp để Ban biên tập có thể dễ chỉnh sửa.

Ý kiến đầu tiên của tôi là rất mong muốn sau hội nghị này thì chúng ta nên chỉnh sửa rất kỹ về câu chữ, đặc biệt là tính lôgic của các điều. Nếu không thì khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, những nhà chuyên môn pháp luật, đặc biệt là các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực người ta chịu sự chi phối thì người ta sẽ bình luật rất kỹ thì tập thể chúng ta rất nhiều người góp ý kiến cũng như mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để làm việc này. Theo tôi, điều đầu tiên là tôi đề nghị như vậy.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi đánh giá rất cao là Hiến pháp lần này đã khái quát rất cao quyền của con người, rất cụ thể. Chúng tôi nghĩ, đây là tính dân chủ rất cao. Chúng tôi đề nghị chúng ta củng cố và tiếp tục bổ sung những điểm mà các đại biểu góp ý.

Còn những điều liên quan đến bộ máy, cơ quan chính trị thì chúng ta phải ghi rõ rằng. Bởi vì những phần định hướng về chính sách kinh tế, xã hội trong Chương II, rất quan trọng. Hầu hết khi làm luật chúng ta cứ vin Hiến pháp ra, viết thế này, viết thế kia để chúng ta xây dựng pháp luật. Vì vậy, trong định hướng này thì chúng tôi thấy tính dài hơi, tính lâu dài đặc biệt quan trọng. Bởi vì thực tế là nhìn lại Hiến pháp năm 1992 có một số điều về chính sách kinh tế, xã hội lạc hậu so với bây giờ. Vậy thì vấn đề này, chúng ta ban hành thì chúng ta phải nghĩ 15-20 năm sau điều này còn đúng hay không. Chúng tôi nghĩ đấy là điều rất quan trọng.

Vấn đề thứ ba, về cách viết. Chúng tôi thấy một số điều chúng ta viết không nhất quán, không đúng theo một môtip. Ví dụ trong Chương II, Điều 63, Điều 64 liên quan đến an sinh xã hội và y tế thì viết rất chuẩn theo phong cách pháp luật, tức là luật thì quy định Nhà nước làm gì, nhân dân làm gì. Nhưng sang Điều 68 về khoa học, công nghệ, Điều 67 về giáo dục, Điều 65 về văn hóa thì chúng ta lại viết theo một môtip khác. Đặc biệt là điều về văn hóa thì không biết là viết theo kiểu gì.

Điều 68, 67 về giáo dục khoa học thì Khoản 1 đều là mục đích, trong Hiến pháp viết mục đích, theo tôi chỗ này không chuẩn, trong khi các điều khác, chúng ta chỉ quy định rất rõ chế tài, Nhà nước làm gì, nhân dân làm gì và định hướng ra sao. Theo tôi nghĩ, chúng ta cần phải chỉnh sửa lại và khi người ta đọc, người ta thấy rất logic từ đầu đến cuối cách viết của Hiến pháp.

Chúng tôi nghĩ rằng những điều về mục đích này thì chúng ta có thể khái quát hóa cao lên một tý và đưa về lời nói đầu. Ví dụ, trong điều về kinh tế cũng có đoạn nêu mục đích, tôi nghĩ đưa về lời nói đầu là phù hợp. Còn đoạn khoa học và giáo dục, chúng ta khái quát hóa cao lên thành 1, 2 câu ta đưa về lời nói đầu thì nó sẽ phù hợp hơn và người ta đọc, người ta thấy Hiến pháp của chúng ta viết logic hơn.

Vấn đề thứ tư, liên quan đến các vấn đề xã hội, ở đây có vấn đề rất lớn trong kỳ họp này thì chúng ta thảo luận, chứ không ai giải thích được là lương của các doanh nghiệp Nhà nước rất cao. Ở đây, chúng tôi có thể suy ra tương lai sau này là lương của các cơ sở giáo dục và các cơ sở y tế cũng sẽ cao và lúc đó chúng ta giải thích theo kiểu gì và ở đây trong điều về giáo dục, chúng ta đã có một quy định về phi lợi nhuận. Điều này hoàn toàn đúng và chúng tôi nghĩ quy định phi lợi nhuận này phải áp dụng trong nhiều lĩnh vực xã hội, kể cả lĩnh vực y tế . Nếu chúng ta không quy định về phi lợi nhuận thì sau này một số bệnh viện và gần đây Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85 là một số bệnh viện tự chủ thì lương không giới hạn, có nghĩa là có thể lương 60, 70 triệu như ông giám đốc doanh nghiệp hôm qua, không ai việc gì cả vì đấy là pháp luật, chúng tôi nghĩ việc đó không nên và không đúng đạo lý, anh làm nghề đó, nghề giáo dục, nghề y tế, anh chỉ có một mức lương nhất định. Còn nếu anh lương cao thì có nghĩa là bệnh nhân phải trả nhiều. Đấy là điều tôi nghĩ những thiết kế về thiết chế trong lĩnh vực xã hội, chúng ta phải bắt buộc áp dụng nguyên tắc phi lợi nhuận ở trong này và trong Hiến pháp chúng ta là người định rõ và đây là một định hướng rất rõ ràng để chúng ta xây dựng các luật về sau.

Riêng điều về y tế, Điều 63, tôi có ý kiến trong điều này thì Ban soạn thảo đã đưa ra một câu rất hay và chúng tôi nghĩ rất lâu dài và rất phù hợp, đó là xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Đây là một điều hoàn đúng và nó sẽ tồn tại, không bao giờ mất điều này. Nhưng câu sau là y tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tôi thấy điều này không đúng, nếu chúng ta muốn giữ thì chúng ta chỉ ghi là Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chứ không giữ vai trò y tế. Nhưng chữ "công bằng" ở đây tức là Nhà nước đã là chủ đạo, có nghĩa là chúng ta nhắc 2 lần chữ này thì theo tôi nghĩ cũng không cần thiết, bản thân nền y tế công bằng, tức là Nhà nước phải chi hơn 50% mới công bằng, bắt buộc phải như vậy, đấy là điều kiện.

Theo tôi nghĩ chúng ta bỏ câu "Y tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo", bởi vì khi xây dựng chúng tôi tìm kiếm trong các văn bản, các Cương lĩnh của Đảng không có chữ nào về cái này. Chỉ có các nghị quyết trước của Bộ chính trị thì có nhưng các văn bản gần đây không nêu và đặc biệt Nghị quyết Trung ương 3 còn nêu rất rõ là nhà nước chỉ giữ vai trò tối thiểu cho y tế và giáo dục, một điểm rất rõ. Do đó, theo tôi nghĩ nền y tế công bằng và hiệu quả tức là nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đấy là điều riêng về y tế. Trong này cũng có một câu là y học cổ truyền và y học hiện đại theo chúng tôi như đại biểu Trần Văn Bản ở Bình Định chúng tôi thấy chúng ta nên sửa thành "đông tây y kết hợp" vì hiện nay chúng ta gọi là Hội đông y chúng ta không gọi là Hội y học cổ truyền nữa.

Liên quan đến Hội đồng Hiến pháp chúng tôi nghĩ chúng ta phải nên tổ chức thiết chế này vì đây là thiết chế chúng tôi nghĩ rất quan trọng. Thực tế nhiều đại biểu nói là nhiều cái chúng ta không rõ nhưng theo tôi nghĩ trong thiết chế của chúng ta, trong Quốc hội cũng có rất nhiều chức năng không bao giờ chúng ta sử dụng đến nhưng chúng ta vẫn phải dự phòng để nếu xảy ra vấn đề gì ở đó chúng ta có thể sử dụng. Đây là điều tôi nghĩ về mặt thiết kế thiết chế chính sách pháp luật chúng ta phải thiết chế mặc dù chúng ta biết có khi 10 năm, 20 năm, 30 năm cũng không sử dụng.

Bên cạnh đó những thiết chế độc lập về kiểm toán, về cơ quan phòng, chống tham nhũng mà chúng ta đã thảo luận quá nhiều trong luật thì chúng ta cũng nên thiết chế vào trong này rất rõ ràng. Ở một số nước người ta còn thiết chế cả Tổng cục thống kê cũng là cơ quan độc lập.

Một vấn đề nữa liên quan đến Luật đất đai, Điều 59, chúng tôi thấy trong điều này Hiến pháp quy định thu hồi đất đai trong trường hợp các công trình an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia theo chúng tôi nghĩ để vẹn toàn và đầy đủ ý nghĩa sau này dễ hướng dẫn thì chúng ta nên thêm chữ "thu hồi, trưng mua, trưng dụng đất đai theo quy định của pháp luật" vì có những trường hợp chúng ta phải trưng mua, trưng dụng. Xin hết.

Các văn bản liên quan