Góp ý của ĐBQH Đặng Thị Kim Chi – Phú Yên đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:18 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bởi vì tôi phát biểu sau nên có những nội dung đã trùng nhưng vì tầm quan trọng của sửa đổi Hiến pháp nên tôi cũng xin phát biểu để thể hiện quan điểm chính kiến của mình và phân tích thêm.

Thứ nhất là về chế độ chính trị theo tôi sửa đổi Hiến pháp phải thể hiện rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức xã hội khác trong hệ thống chính trị nước ta trong việc tập hợp các lực lượng xã hội phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định lâu dài của Hiến pháp và sự ngắn gọn tôi đồng ý không nêu tên của các tổ chức chính trị xã hội trong Điều 9. Nhưng ở Khoản 2 cần ghi rõ là "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức thành viên khác của mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân". Thể hiện như vậy sẽ phù hợp với thực tế lịch sử và điều kiện đặc thù của Việt Nam là các tổ chức chính trị xã hội được ra đời từ rất sớm ngay sau khi Đảng ta ra đời, có truyền thống đấu tranh cách mạng lâu dài gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Dù tên gọi khác nhau qua các thời kỳ nhưng bản chất cách mạng không thay đổi.

Hiện tại các tổ chức chính trị xã hội cũng đang đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, đang thực hiện nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Những người đứng đầu các tổ chức, chính trị, xã hội hầu hết đều là Trung ương, Ủy viên, Tỉnh ủy viên, huyện ủy viên v.v... các tổ chức này được đảm bảo kinh phí từ ngân sách nhà nước để chi lương, phụ cấp và hoạt động. Ngay trong dự thảo Hiến pháp này ở Điều 102, Khoản 8 quy định là Chính phủ phải phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và tạo điều kiện để các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.

Điều 107 cũng quy định, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội được mời tham dự phiên họp Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan. Ngay ở điều khoản hội đồng và ủy ban Điều 125 cũng quy định: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình mọi mặt của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, lắng nghe ý kiến kiến nghị của tổ chức này. Vì vậy, không thể lý giải như tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 92 rằng: Không quy định tên các tổ chức chính trị xã hội trong Điều 9 Hiến pháp để thể hiện sự bình đẳng giữa các tổ chức đó với các tổ chức xã hội khác được. Từ nhận thức nói trên tôi đề nghị phải thêm cụm từ "các tổ chức chính trị xã hội" vào Khoản 2, Điều 9 để vừa khẳng định vị thế của các tổ chức chính trị xã hội vừa thể hiện tính nhất quán giữa các điều trong Hiến pháp.

Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quy định tại Điều 80, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội nhưng có những quy định tôi thấy hơi lớn. Ví dụ tại Khoản 1, Điều 81 và Khoản1, Điều 82 quy định các Phó chủ tịch, các Ủy viên của Hội đồng dân tộc, các Phó chủ nhiệm, các Ủy ban do Ủy ban do Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, theo tôi cần cân nhắc xem xét lại. Bởi vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải là cấp trên của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội và nếu như Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thì có thể hiểu là ủy quyền trong ủy quyền, tức là nhân dân ủy quyền cho Quốc hội, rồi Quốc hội lại ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thì có được hay không? Do đó phải xem xét lại và tôi đề nghị nên thực hiện như Hiến pháp hiện hành.

Thứ ba, về đại biểu Quốc hội tại Khoản 1, Điều 85 quy định đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân của cả nước và của nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu. Theo tôi nên bỏ đoạn: và của nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu bởi vì khi nói đại diện cho nhân dân cả nước là đã bao gồm cả nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu rồi. Nếu muốn nhấn mạnh trách nhiệm của đại biểu với nơi bầu ra đại biểu thì phải thể hiện lại cho rõ hơn.

Thứ tư, về quyền con người. Để đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ tôi đề nghị bổ sung từ: "cơ hội" vào sau từ "quyền" ở Khoản 1, Khoản 2, Điều 28 bởi vì tuy cùng là con người nhưng nam nữ có khác biệt về giới tính và giữa phụ nữ với nam giới cũng như giữa trẻ em gái với trẻ em trai có những điểm khác nhau trong thực hiện và hưởng quyền con người, quyền công dân nên bình đẳng về cơ hội mới là bình đẳng thực sự. Tôi lấy ví dụ quy định cán bộ công chức có quyền được đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ nhưng nếu vào thời điểm phụ nữ đang nuôi con nhỏ được cho đi học xa trong khi nơi học không có nơi gửi trẻ, không có phòng riêng để ở và chăm con thì liệu họ có thực hiện được quyền đào tạo bồi dưỡng và học tập hay không. Hoặc quy định tuổi đưa vào quy hoạch của nam là 45 và nữ là 40 và mới đây có hướng dẫn bổ sung không quy định tuổi quy hoạch nhưng lại phải tròn 1 hoặc 2 nhiệm kỳ tùy theo diện quy hoạch, trong khi nữ nghỉ hưu trước nam 5 năm thì cơ hội được đưa vào quy hoạch của nữ sẽ hẹp hơn nam nên chắc chắn quyền bình đẳng về chính trị không thể đạt được. Do đó, tôi đề nghị Hiến pháp sửa đổi cần phải có những quy định mang tính đặc thù để đảm bảo bình đẳng về quyền, cơ hội chính trị, văn hóa, xã hội và gia đình để quyền bình đẳng được thực chất hơn.

Xem xét Điều 63 của Hiến pháp hiện hành tôi thấy có những quy định rất cụ thể. Ví dụ lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản, chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ. Nhưng dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này lại bỏ nội dung này do đó tôi đề nghị cần xem xét để có điều chỉnh cụ thể quy định về vai trò của phụ nữ trong việc tái tạo nguồn nhân lực và nhà nước, gia đình, xã hội phải có trách nhiệm bảo đảm để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức này. Điều này không chỉ cho phụ nữ vì phụ nữ còn cho thế hệ tương lai và vì thế hệ tương lai của đất nước. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan