Góp ý của ĐBQH Nguyễn Hữu Hùng – Tiền Giang đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:20 26-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Tham gia thảo luận vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trước tôi cũng đã có nhiều ý kiến và một số ý kiến của tôi đã có một số đồng chí đã phát biểu. Để thể hiện chính kiến của mình, tôi xin tham gia vào một số nội dung tôi quan tâm.

Trước hết, tôi nhận thức rằng với vị trí và tầm quan trọng của Hiến pháp, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là điều rất hệ trọng, quán triệt Nghị quyết Trung ương 2, Khóa XI và Nghị quyết của Quốc hội, tôi thấy Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trong một thời gian tương đối ngắn đã trình Quốc hội bản dự thảo này trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 với nhiều nội dung phản ánh về thể chế hóa khá đầy đủ, kịp thời những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đã được nêu như trong cương lĩnh cũng như trong các nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết Trung ương, nghị quyết của Bộ Chính trị.

Tôi nhất trí với 9 nhóm nội dung cơ bản do Ủy ban sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã trình ra Quốc hội và những nội dung sửa đổi về cơ bản chúng tôi thấy đã rất phù hợp. Về mặt hình thức, cũng có thể nói coi đây là Hiến pháp năm 2013, bởi vì nó đã được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, do đó tôi đề nghị cũng cần cân nhắc để xem xét với tên gọi của Hiến pháp trong lần sửa đổi, bổ sung lần này.

Thứ hai, về cơ chế thực hiện quyền nhà nước quy định tại Khoản 2, Điều 2 của dự thảo. Ở đây đã có sự bổ sung rất quan trọng và tôi tán thành với bổ sung đó, đó là vấn đề phải xác lập nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Trên cơ sở nguyên tắc này, dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung đã đề cập nhiều quy định bổ sung trong thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước về cơ bản tôi thấy đã rất cụ thể và phù hợp.

Tôi đề nghị, để đáp ứng yêu cầu phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm soát quyền lực nhà nước trong tình hình mới, nhiều ý kiến đại biểu chúng tôi đã phát biểu và nhân đây tôi muốn xin kiến nghị cần phải nghiên cứu khôi phục lại chức năng kiểm soát chung của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát việc tuân theo pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay.

Tôi nhận thức rằng từ khi Viện kiểm sát nhân dân thôi thực hiện chức năng này, tình hình chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật khó được kiểm soát do công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập và nhiều hạn chế. Việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công tác thanh tra phát hiện xử lý vi phạm pháp luật còn hạn chế và thiếu kịp thời. Về vấn đề này tôi chia sẻ ý kiến với đại biểu Trần Văn Độ ở An Giang một số ý kiến đại biểu đã phát biểu tại tổ và cũng kiến nghị cần có sự tổng kết và xem xét thêm về vấn đề này.

Nội dung thứ ba, về Chương IV "Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" qua nghiên cứu Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 tôi thấy về cơ bản những quy định hiện hành còn nguyên giá trị và những sửa đổi, bổ sung lần này cũng đã đáp ứng được các yêu cầu thể chế hóa đường lối quan điểm của đảng. Trên cơ sở đó đã hình thành và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo vệ Tổ quốc về quốc phòng an ninh. Tuy nhiên ở đây có một vấn đề tôi xin được phát biểu và đề nghị như sau: Nói về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại Điều 71, đoạn cuối của điều này có một bổ sung theo tôi rất quan trọng trong đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng đó là bổ sung nhiệm vụ "lực lượng vũ trang thực hiện nghĩa vụ quốc tế".

Kính thưa Quốc hội, hiện nay đang có nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu khả năng lực lượng vũ trang của chúng ta có tham gia vào nhiệm vụ giữ gìn hòa bình hay không? có tham gia vào nhiệm vụ bảo đảm an ninh phi truyền thống ở nước ngoài hay không. Tôi thấy rằng đây là vấn đề rất hệ trọng mà chưa được Hiến pháp quy định. Để nước ta thực hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc thể hiện tinh thần chủ động và tích cực của ta trong hội nhập quốc tế góp phần bảo vệ lợi ích và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế chúng tôi nghĩ cũng phải tính đến khả năng này. Tuy nhiên trong thực hiện nhiệm vụ này phải có bước đi thích hợp, bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và phù hợp với lòng dân và phải hợp hiến, hợp pháp.

Tôi cho rằng nếu viết "thực hiện nghĩa vụ quốc tế" trong lực lượng vũ trang như thế là rất rộng. Để có cơ sở hiến định thực hiện nhiệm vụ này đối với quân đội và lực lượng vũ trang tôi đề nghị chỉ viết là "nhiệm vụ góp phần bảo vệ hòa bình trong khu vực và thế giới" như vậy là phù hợp. Còn sau này sẽ có các luật cụ thể để điều chỉnh khi nào thực hiện nhiệm vụ và khi nào sẽ sử dụng lực lượng vũ trang đối với nhiệm vụ đó. Tôi nghĩ rằng có hiến định được nhiệm vụ trên mới có cơ sở để vận hành và thực thi pháp luật một cách chủ động và tích cực.

Đối với các điều nói về nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tôi đề nghị cần giữ nguyên và thể hiện đúng với nội dung các văn kiện của Đảng như ý kiến của đồng chí Doãn Khánh đại biểu tỉnh Phú Thọ đã nói, tránh để gây hiểu nhầm là chúng ta phi chính trị hóa quân đội.

Ý kiến thứ tư, về việc hiến định nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước đối với lực lượng vũ trang và đối với nhiệm vụ quốc phòng và an ninh quy định tại Điều 94. Lâu nay trong các Hiến pháp của nước ta đều đã quy định Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân. Qua nghiên cứu chúng ta thấy rằng quy định đó là rất tổng quát và rất phù hợp với cơ chế Đảng lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng nội hàm của khái niệm thống lĩnh là chưa đủ rõ để Chủ tịch nước thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Tôi đề nghị trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cần bổ sung vào hiến định các nhiệm vụ cụ thể đó là nhiệm vụ và quyền hạn quyết định tổ chức lực lượng vũ trang trên thực tế Chủ tịch nước đã ban hành lệnh để thành lập sáp nhập vào các quyết định của tổ chức đối với các đơn vị, cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch như quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các bộ tư lệnh v.v... Quy định được ban hành lệnh sử dụng lực lượng vũ tranh nhân dân trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, lệnh quy định về nguyên tắc sử dụng lực lượng vũ trang. Ban hành lệnh thiết quân luật khi tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức ở đó không kiểm soát được tình hình. Đó là những nội dung rất cơ bản về thực hiện quyền thống lĩnh của Chủ tịch nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân và những nhiệm vụ đó trên thực tế đã được quy định trên một số đạo luật riêng lẻ mà tôi nghĩ rằng cần phải hiến định. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan