Góp ý của đại biểu Trần Đình Đàn – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Thứ Ba 15:19 22-09-2009

Kính thưa đồng chí Chủ tịch,

Thưa các đồng chí,

Tôi xin phát biểu bổ sung thêm mấy ý kiến như sau.

Chúng tôi thấy Ủy ban Tài chính, Ngân sách mới thẩm tra sơ bộ nhưng các đồng chí cũng có chính kiến nhiều việc khá rõ ràng. Có những việc thông qua anh Ninh giải thích chúng tôi hết sức chia sẻ, mong sao để tạo điều kiện Chính phủ điều hành linh hoạt, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường và trong điều kiện chúng ta đang suy giảm kinh tế hiện nay. Tôi băn khoăn ở chỗ như sau:

Điều thứ nhất là bây giờ mức thuế suất cụ thể của từng loại tài nguyên theo tôi phải đưa vào để Quốc hội quyết định. Tại sao tôi nói ý này, vì tôi cho phân tích của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng khá rõ và cũng thông cảm, chia sẻ với giải thích của anh Ninh. Nhưng tôi nghĩ thuế suất mà chúng ta quan niệm ở đây chính là nội dung quan trọng nhất trong đạo luật thuế.

Hai nữa là thuế suất này tác động trực tiếp của người dân, của doanh nghiệp. Bây giờ nếu nó là một nội dung quan trọng của đạo luật thuế mà nó lại tác động trực tiếp đến người dân mà ai là đại diện người dân, là Quốc hội. Cho nên theo tôi cái đó là một nguyên tắc mà chúng ta phải giao cho Thường vụ Quốc hội.

Ý thứ ba, khi chúng ta được quy định trong luật cụ thể rồi thì chắc chắn người dân và doanh nghiệp rất yên tâm. Còn chỗ Chính phủ đưa ra nghị định sau khi có cái này, tôi thấy các đồng chí chuẩn bị những cụ thể này có thể đưa vào luật được, không đến nỗi phức tạp lắm. Làm như thế này đại biểu Quốc hội rất yên tâm và tôi tin rằng người dân, doanh nghiệp, những đối tượng đóng thuế sẽ hết sức yên tâm.

Qua phân tích của anh Ninh và các đồng chí, tôi cũng chia sẻ ở chỗ làm sao tạo linh hoạt của Chính phủ, theo tôi khi có những vấn đề cần điều chỉnh thì giao cho Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Theo tôi giao Thường vụ, Chính phủ thì cơ quan nào quản lý vấn đề này cũng phải tham mưu để Chính phủ có ý kiến, Thường vụ Quốc hội có ý kiến thì ta điều chỉnh. Tôi thấy như thế vừa đúng luật và tạo cho tất cả các đối tượng chịu thuế yên tâm. Tôi xin góp ý kiến thứ nhất, tức là nên như thế thì tốt hơn.

Tôi xin góp 2 việc  trong vấn đề cụ thể, tôi thấy có chỗ các anh đưa thuế suất rất cao, ví dụ thuế của tài nguyên, sản phẩm rừng tự nhiên là nó cao nhất. Như vậy từ 10 - 40% trong đó gỗ cành, gỗ ngọn chịu thuế 10 - 30%, lập luận của các đồng chí trong Tờ trình cũng như quá trình chúng tôi tham khảo tài liệu thì các đồng chí cho là đặt thuế cao như thế này để quản lý tốt tài nguyên, cấm chặt phá rừng. Nhưng báo cáo anh Ninh và Thường vụ Quốc hội, chúng tôi thấy tình hình thực tế hiện nay là rừng cạn kiệt và khai thác bừa bãi chính ở khâu quản lý chứ không phải do thuế cao mà chính đặt ra mức thuế cao vượt nhất tức loại thuế này, ta quản lý kém thì người ta lại càng trốn thuế. Cho nên, tôi đề nghị các anh nghiên cứu thuế của sản phẩm tự nhiên này, còn mức bao nhiêu thì tôi cũng chưa nghiên cứu được kỹ, nhưng tôi thấy Ban Soạn thảo và Ủy ban Tài chính ngân sách nên suy nghĩ chỗ này.

Việc thứ hai, tôi muốn góp ý các đồng chí có nêu miễn, giảm thuế cho đối tượng đánh bắt xa bờ thì về mặt chính sách và đưa ra xem xét về mặt xã hội thì đúng. Đấy là chính sách miễn, giảm thuế tài nguyên trong khai thác thủy sản để cho nó hợp lý thì xét về mặt xã hội là đúng. Về mặt chính trị nó cũng đảm bảo cho người dân, nhưng nó bất cập: Một là đánh bắt xa bờ phải những người có điều kiện, có vốn thì người ta góp lại để đánh bắt xa bờ, những người dân đánh bắt ở bãi ngang và ven bờ là những người vất vả nhất thì chính là những đối tượng chúng ta phải xem xét. Cho nên tôi rất mong muốn các đồng chí phải tính hợp lý hóa ở chỗ miễn giảm này. Tôi xin nêu hai ý đó xung quanh những vấn đề cụ thể.

Về khung thuế suất tôi cũng chia sẻ với nhiều đồng chí Thường vụ, báo cáo anh Ninh là nên xem xét lại, không nên để khung rộng như thế. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan