Góp ý của đại biểu Trần Thế Vượng – Trưởng Ban Dân nguyện

Thứ Ba 15:08 22-09-2009

Kính thưa đồng chí Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,

Thưa tất cả các đồng chí, sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của thường trực Uỷ ban Tài chính, ngân sách, tôi xin phép được phát biểu một số ý kiến sau.

Thứ nhất, theo gợi ý của đồng chí Phó Chủ tịch và theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sự chuẩn bị này đã đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và đầy đủ các công đoạn cần thiết phải làm hay chưa. Tôi thấy qua danh mục tài liệu mà Ban soạn thảo gửi cơ bản đã đầy đủ, tôi chỉ muốn biết thêm một ý là theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trước khi trình Chính phủ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật. Không biết trong dự luật này Bộ Tư pháp đã thẩm định chưa, ý kiến của Bộ Tư pháp về dự án luật này như thế nào.

Thứ hai, chúng tôi tán thành với Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành luật này vì như trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra cho thấy theo quy định của Hiến pháp việc ấn định các thứ thuế là thẩm quyền của Quốc hội. Tất nhiên trong quá trình chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật, cách đây 10 năm chúng ta ban hành pháp lệnh phù hợp với tình hình lúc bấy giờ, nhưng đến nay việc nâng lên thành luật là hết sức cần thiết.

Thứ ba, về nội dung, chúng tôi tán thành nội dung Báo cáo thẩm tra của thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách về một số vấn đề cụ thể trong Báo cáo thẩm tra đã nêu lên. Ví dụ về khung thuế suất biên độ còn rộng quá, nhất là anh Hiền cũng vừa nêu câu hỏi, chúng tôi cũng thấy băn khoăn, vì khung này mà rộng thì áp dụng sẽ rất khó và nó cũng có khả năng sẽ sơ hở, có thể dẫn tới những việc không bảo đảm sự thống nhất và có thể có những cái tùy tiện, điều đó cần có sự cân nhắc. Ngay trong hình sự cũng thế, bây giờ một mức hình phạt chúng ta quy định rất rộng cho nên sự áp dụng của Tòa đối với các trường hợp cụ thể đôi khi không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau. So sánh thì khập khiễng như nó cũng có khía cạnh như thế cho nên chúng tôi cũng nghĩ nên rút ngắn khung giữa tối thiểu với tối đa của thuế suất.

Thứ tư, chúng tôi cũng tán thành với Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhiều vấn đề giao cho Chính phủ và Bộ quy định là điều cũng rất không nên. Vì thuế này thực ra quan trọng nhất cũng là mức thuế suất là cái rất quan trọng, xét cho cùng cái đó là cái cơ bản nhất thì nên để Quốc hội. Như các đồng chí thấy chúng ta cũng đồng ý phương án nếu cần có sự thay đổi gì đó thì có thể là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không nên để Chính phủ hoặc Bộ. Tôi tán thành với những lập luận trong này của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, tức là thực ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp mỗi tháng 1 phiên, nếu cần thì ta sửa, nhanh thôi, không có gì khó cả. Như vậy đúng với thẩm quyền hơn.

Tôi cũng tán thành với một ý tức là không nên quy định những tài nguyên khác, bởi vì nói như thế cũng không có cơ sở nào để tính thuế cả. Hai nữa là bản thân Quốc hội cũng không nên đưa vào một quy định mà mình không hình dung nó là cái gì cả, nó phải là một tài nguyên cụ thể nào đó thì mới xác định được mức thuế cho nên tôi cũng tán thành là không nên. Việc này tôi nghĩ cũng tương tự như thay đổi về mức thuế, cũng không phải khó lắm và cũng không phải là diễn biến tức thời, thường xuyên. Tức là nếu chúng ta thấy có một loại tài nguyên, khoáng sản nào mới cần phải đánh thuế thì chúng ta sẽ bổ sung kịp thời, tôi nghĩ cũng không có gì khó khăn.

Về hiệu lực tôi cũng tán thành như trong này tức là từ ngày 1/7 và một ý nữa mà đồng chí Phó Chủ tịch nêu lên là bây giờ đối với những hợp đồng mà đã ký giữa Nhà nước hoặc doanh nghiệp của chúng ta với các doanh nghiệp khác thì áp dụng vấn đề này như thế nào. Theo tôi về nguyên tắc chỉ từ ngày 1/7/2010 trở đi thì các quy định trong luật này mới phát sinh hiệu lực cho nên mọi việc được thực hiện trước ngày 1/7/2010 phải theo quy định của luật cũ, cụ thể là Pháp lệnh về thuế tài nguyên.

Theo tôi những hợp đồng cho đến ngày hôm nay ký rồi thì dứt khoát phải áp dụng theo luật hiện hành còn từ ngày hôm nay trong khi ta đàm phán hoặc thỏa thuận giữa các bên thì nên tính đến các quy định mà chúng ta sẽ quy định trong luật này, để bảo đảm có trường hợp cũng là lợi ích của Nhà nước mà cũng có thể là lợi ích của các bên khai thác tài nguyên và cũng đề phòng có những cái theo quy định mới thì nó gây thiệt hại cho Nhà nước thì ta cũng lường từ bây giờ trong việc ký kết, bởi vì bản thân việc ký kết là sự thỏa thuận giữa các bên. Riêng bên có quyền bảo vệ lợi ích của Nhà nước thì cũng nên căn cứ vào tinh thần, những quy định của dự thảo này trong quá trình thỏa thuận để bảo đảm lợi ích. Còn nếu không ký được thì thôi, không biết tôi đã diễn đạt rõ ý đó chưa tức là từ 01/7/2010 đương nhiên các quy định của luật này mới có hiệu lực pháp luật. Từ đó tất cả các hợp đồng mới sau ngày 01/7/2010 mới được căn cứ vào luật này. Còn trước ngày 01/7/2010 thì mọi hợp đồng phải theo quy định hiện hành, chứ không thể thay đổi được khác. Nhưng từ khi chúng ta đặt vấn đề có quy định mới của luật này thì đứng về phía những người ở doanh nghiệp hoặc các quy định khác về thuế khi xác định việc này thì hợp đồng mới đây mình phải tính toán để bảo đảm lợi ích cho Nhà nước, có những phần ưu đãi cho cái mới thì cũng phải bảo vệ lợi ích cho người ta. Ý tôi muốn nói là tinh thần trong thỏa thuận từ đây đến 01/7/2010 nên có cân nhắc theo hướng của dự thảo luật này. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan