Góp ý của đại biểu Quốc hội Vũ Thị Phương Anh – Quảng Nam

Thứ Tư 10:06 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, chúng tôi cơ bản thống nhất và nhận thấy rằng so với các nước hiện nay thì lần này Quốc hội chúng ta xem xét để cho ý kiến thông qua Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có ý nghĩa hết sức to lớn trong điều kiện phát triển của đất nước, cũng như vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Tôi xin tham gia một số vấn đề như sau:

Những vấn đề các đại biểu phát biểu trước tôi xin không phát biểu lại, tôi xin phát biểu thêm về sự cần thiết ban hành luật. Có thể nói năng lượng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống và con người để phát triển bền vững, yêu cầu đòi hỏi phải sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn năng lượng này. Trong sự nghiệp phát triển của đất nước lại đòi hỏi mức tiêu thụ ngày một cao, trong khi tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn lớn. Đặc biệt trong thời gian qua vấn đề sử dụng năng lượng rất lãng phí trong vấn đề khai thác, vận chuyển và sử dụng còn cao.

Tôi lấy một ví dụ như sau khi các công ty khai thác xong, một số người dân đi khai thác mót lại thôi cuộc sống cũng đủ khả giả, điều đó cho thấy rất lãng phí, khai thác xong rồi lấp lại và tiếp tục khai thác trở lại, cho nên không hết được nguồn tài nguyên này. Việc sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả hiện nay không phải chỉ có chính sách của quốc gia còn đòi hỏi các Bộ, ngành liên quan, bởi vì nó liên quan tới tất cả các ngành và đặc biệt là đối với tất cả các người dân trong toàn xã hội, cho nên tôi thấy cần phải ban hành luật này. Tuy nhiên tôi có một ý kiến khác, tôi chỉ thống nhất với tên gọi là Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, và cũng phù hợp với một số nước.

Đi vào một số vấn đề cụ thể, tôi xin phát biểu ý thứ nhất về vấn đề chính sách ưu đãi, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Điều 33. Tôi nhận thấy trong tình hình hiện nay để thúc đẩy cho các doanh nghiệp nâng cấp và cải tạo các công nghệ cũ và lạc hậu của mình, đồng thời đầu tư thêm những cỗ máy, những công nghệ tiên tiến, hiện đại đòi hỏi Chính phủ cần phải có các quyết sách hợp lý để giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ về mọi mặt cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên theo chúng tôi suy nghĩ cũng cần phải quy định rõ ràng vào trong luật, tức là đối với những nâng cấp thì mức độ như thế nào, đồng thời khi một xí nghiệp hay một công ty có 3 cỗ máy cũ và chỉ đầu tư thêm 2 cỗ máy thôi, nếu đầu tư thêm 2 cỗ máy thì chính sách khuyến khích của chúng ta như thế nào? Bởi vì nếu không từ Điều 33 này đi xuống Điều 29 về lộ trình dán nhãn năng lượng và nhãn tiết kiệm năng lượng sẽ khó khăn trong vấn đề này. Tôi nhận thấy khi dán nhãn cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng sẽ nảy sinh một vấn đề, ví dụ 5 cỗ máy này mặc dù có 3 cũ và 2 mới, nhưng đều sản phẩm một loại hàng hóa như nhau, làm thế nào để kiểm soát được trong vấn đề dán nhãn chính thức để người tiêu dùng có thể sử dụng được. Đó là vấn đề chúng tôi thấy đối với dự án luật cần phải quy định cụ thể hơn, hiện nay quy định như vậy mới chỉ là chính sách khuyến khích thôi, chứ chưa đi sâu vào việc cho các đơn vị phát triển được.

Về chính sách này, tôi có một đề xuất là ngoài việc chúng ta đầu tư cũng như khuyến khích cho các doanh nghiệp, các xí nghiệp và công ty để đầu tư các công nghệ hiện đại, tiết kiệm được năng lượng, tôi nghĩ vẫn chưa đủ mà cần phải có khuyến khích về hai phía, đó là phía nhà cung cấp và đồng thời là phía người sử dụng. Hiện nay chúng tôi biết một số nước người ta trợ giá cho người sử dụng, nếu người sử dụng mua sản phẩm sản xuất tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Bởi vì nếu không có huy động và khuyến khích toàn dân thì khi luật này ra đời sẽ không đáp ứng được yêu cầu, cũng như trước đây chúng ta có Pháp lệnh, các văn bản nhưng không thể nào đáp ứng được yêu cầu tiết kiệm năng lượng.

Vấn đề thứ ba, về chế tài của luật. Tôi nghĩ cần phải có chế tài thích hợp. Ví dụ Trung Quốc với giá điện rất rẻ như vậy nhưng đối với những cơ sở nào vẫn vi phạm nguyên tắc về không tiết kiệm năng lượng có hiệu quả thì người ta đánh thuế cao và đánh giá tiền điện tiêu thụ rất cao để các đơn vị này khi hạch toán ra anh sẽ lỗ, lỗ như vậy thì anh phải áp dụng các công nghệ này. Hiện nay chúng tôi được biết một số các đơn vị và doanh nghiệp rất ngại vấn đề đầu tư các công nghệ thiết bị cao cũng như tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Bởi vì khi đầu tư ban đầu giá thành sản phẩm rất cao nhưng trên thực tế qua nghiên cứu cho thấy các tài liệu đầu tư ban đầu cao nhưng sau này hiệu quả rất lớn và tiết kiệm được cho đất nước không chỉ an ninh năng lượng cho Việt Nam mà đóng góp cho an ninh năng lượng thế giới. Đặc biệt là giảm được tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, trong khi Việt Nam là một trong những nước cho rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng hết sức nặng nề.

Vấn đề tiếp theo, chúng tôi xin được tham gia ý kiến là về thúc đẩy và sử dụng năng lượng tái tạo thì song song với việc tiết kiệm này nếu ta không thúc đẩy sử dụng các loại năng lượng tái tạo này thì cũng rất là khó khăn. Luật thì chúng tôi thấy đã quy định cũng như đã đề cập vấn đề này ở Khoản 6 Điều 4, Điểm d, h, i Khoản 3 Điều 21, Khoản 3 Điều 34 v.v...

Tuy nhiên cũng quy định hết sức chung như một số đại biểu đã phát biểu, tôi đề nghị phải quy định cụ thể rõ ràng, chứ nếu chúng ta quy định như thế này thì giống như viết báo hay viết một bài rất khó trong vấn đề mà sau này hướng dẫn cũng khó. Bởi vì bây giờ Quốc hội thông qua nhưng hướng dẫn thì Chính phủ hướng dẫn giao cho một bộ nào đó, phía sau đó là hướng dẫn như thế nào thì thực tế chúng ta cũng không thể nắm bắt được. Với cách viết như thế này thì cách hướng dẫn như thế nào cũng đều là hợp lý, như vậy không có giá trị về mặt pháp lý sẽ không cao.

Vấn đề cuối cùng chúng tôi xin có ý kiến là về trách nhiệm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Điều 25. Chúng tôi thấy ở đây Ban Soạn thảo đưa ra là chỉ dựa vào Báo cáo định kỳ hàng năm của các cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì tôi thấy là cũng chưa tin chắc. Bởi vì như các đại biểu đã biết báo cáo thì chưa hoàn toàn chính xác với thực tiễn cho nên tôi đề nghị lộ trình ví dụ như là hàng quý hoặc nửa năm phải có đi kiểm tra và phải đo tiêu chuẩn này. Chứ nếu để đơn vị báo cáo không thì tôi nghĩ rằng như vậy thì chúng ta cũng rất là khó.

Vấn đề cuối cùng nữa là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi được quy định trong này tôi thấy là giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rất là nặng, là đề ra các quyết sách v.v... Tuy nhiên không có quy định nào cụ thể rõ ràng và về chế tài cũng không đưa ra nếu đối với tỉnh đó không đạt thì sẽ xử lý như thế nào, hình thức khen thưởng ở đây cũng rất chung. Cho nên tôi đề nghị cần quy định lại cho thật chặt chẽ. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan