Góp ý của đại biểu Quốc hội Trần Hồng Việt – Hậu Giang

Thứ Tư 10:06 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu cực kỳ quan trọng của nền kinh tế thị trường mà các nước phát triển luôn quan tâm từ nhiều thập kỷ qua nhằm tạo ra sức cạnh tranh hàng hóa để đạt lợi nhuận cao nhất và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam chúng ta tiêu hao năng lượng gấp hai lần hoặc hơn để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm so với các nước khu vực và trên thế giới. Tại sao nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam để sản xuất ra một sản phẩm hàng hóa lại tiêu tốn năng lượng cao hơn nhiều so với họ sản xuất cùng chủng loại hàng hóa tại nước họ. Việt Nam tiêu hao năng lượng cao hơn thế giới để sản xuất ra các nguyên vật liệu làm cho giá cả cao hơn so với giá thế giới. Cụ thể hiện nay như sắt thép, xi măng, nhiều mặt hàng khác v.v.... nhưng các doanh nghiệp đó vẫn tồn tại và phát triển, chúng ta cũng nên xem xét nguyên nhân như thế nào, cơ chế chính sách chúng ta nên như thế nào, có phải chăng chúng ta có những chính sách quá nặng nề bảo hộ sản xuất trong nước, buộc người tiêu dùng của chúng ta hy sinh lợi ích chính đáng của họ để bảo vệ lợi nhuận của doanh nghiệp không?

Hai là nguyên nhân vì tăng trưởng kinh tế chăng, nhiều nước trên thế giới họ rất thận trọng trong việc khai thác tài nguyên trong nước đặc biệt là tài nguyên không tái tạo, những tài nguyên khi khai thác gây tác động xấu cho môi trường, còn Việt Nam chúng ta vừa qua thì quá dễ dãi. Nhân đây đại biểu Xuân có nói với tôi đề nghị với Quốc hội là nên cấm xuất khẩu than, than đó để phục vụ cho sản xuất ở trong nước, làm nguyên liệu trong nước. Trước thực trạng trên, tôi đồng tình cần phải có một chế định pháp luật trong việc sử dụng tiêu hao năng lượng. Qua nghiên cứu dự luật, tôi rất băn khoăn vì nó không thể hiện được nội hàm của luật, nhiều nội dung trong các điều luật, kể cả các quy định trách nhiệm của các chủ thể sử dụng năng lượng cũng không khả thi, vô thưởng, vô phạt.

Vấn đề cốt lõi của sử dụng tiết kiệm năng lượng theo tôi nhằm một là hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh sản xuất lưu thông hàng hóa. Hai là phải tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo. Ba là bảo vệ môi trường. Nội hàm dự luật chưa thể hiện được biện pháp cụ thể nào để chế tài có tính khả thi và cũng chưa có giải pháp kinh tế cụ thể mà chủ yếu là những nội dung hiệu triệu khuyến cáo mà thôi.

Tôi đồng tình với ý kiến một số đại biểu phát biểu trước tôi, tôi xin phép đơn cử một vài nội dung mà tôi thấy không khả thi. Thí dụ Điều 6, Khoản 1, quy định tổ chức, cá nhân có quyền tố giác các hành vi lãng phí năng lượng. Tố cáo với ai, ai xử lý vấn đề này? Tôi ví dụ như ở trong gia đình người ta sử dụng điện mà nếu đi ra ngoài người ta không có tắt các thiết bị điện, người ta tiêu tốn năng lượng điện thì người ta đóng tiền theo giá bậc thang, thì người ta có tội không? đó cũng là lãng phí.

Hoặc Điều 20, trách nhiệm của cơ sở vận tải nêu ra như thế này: khai thác, sử dụng vận tải hợp lý, rút ngắn cự ly vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, rồi khuyến khích ứng dụng các giải pháp công nghệ quản lý, tổ chức vận tải nhằm mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Tôi nghĩ rằng điều này nói rất chung chung như người ta quản lý phương tiện vận tải, người ta cạnh tranh người ta làm thì người ta phải tính hiệu quả đó nhưng đưa vô đây cũng không thấy chế tài gì.

Hoặc Điều 12, kiểm toán năng lượng. Tôi thấy điều này không khả thi, càng phức tạp, xăng dầu thì theo giá thị trường, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng vận tải, tiêu hao năng lượng cao thì họ phải trả tiền nhiều, họ có thể bị lỗ hoặc bị phá sản, họ sử dụng máy móc thiết bị để đưa ra chất thải, khí độc vượt mức cho phép theo luật bảo vệ môi trường thì chúng ta xử lý. Nếu quy định chế tài của luật hiện hành chưa đủ mạnh răn đe thì Quốc hội chúng ta bổ sung cho đủ mạnh. Chúng tôi xem từ mục 2, mục 3, mục 4 v.v... tôi cảm nhận nội dung của những mục này là đề cương giáo trình bồi dưỡng đào tạo cán bộ quản lý kỹ thuật, vận hành các thiết bị chứ không phải là quy định của pháp luật.

Những quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm cho từng lĩnh vực được liệt kê trong dự luật này tôi thấy vừa chung chung, vừa thiếu, không bao quát, có những lĩnh vực rất quan trọng không đưa ra, không được đề cập. Tôi đọc lần đầu tôi sửa, lần thứ hai sửa, lần thứ ba, thứ tư không biết phải sửa như thế nào . Tôi có suy nghĩ tại sao chúng ta không ban hành một luật để điều chỉnh nhiều luật, chúng ta có Luật khoáng sản, Luật thuế tài nguyên, Luật điện lực, Luật dầu khí, Luật năng lượng nguyên tắc, Luật bảo vệ môi trường, Luật thương mại v.v.... Việc sử dụng năng lượng đều liên quan đến các luật đó thì chúng ta nên xem xét đến các luật đó để chúng ta bổ sung những gì cần thiết để đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng. Tôi nghĩ làm được như vậy sẽ thiết thực, cụ thể và có thể thông qua được trong một kỳ họp và mang tính khả thi cao hơn là luật viết tràng giang đại hải như thế này. Xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan