Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Vang – Bình Định

Thứ Tư 10:05 25-11-2009

Kính thưa Chủ tọa cuộc họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin được tham gia 2 ý kiến liên quan đến dự thảo luật này.

Trước tiên chúng tôi nhất trí về sự cần thiết ban hành luật này và đây là một luật quan trọng liên quan đến vấn đề năng lượng cũng như chúng ta nhìn nhận ở góc độ an ninh năng lượng. Tôi cũng nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về nhiều điều cũng như ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tuy nhiên chúng tôi thấy nếu dùng tên luật là Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì thấy nói quá cụ thể về nội dung nhiều hơn là một tên ngắn gọn và dễ hiểu. Đồng thời tên luật này sẽ gò bó và không đưa ra được một khái niệm để có thể khuyến khích sự lao động sáng tạo.

Tôi xin đề nghị tên luật là Luật sử dụng năng lượng hợp lý, ngôn ngữ hợp lý có thể giúp chúng ta có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn, nó không chỉ điều chỉnh hành vi của người sử dụng mà còn điều chỉnh cả hành vi đối với người hoạch định chính sách. Ngay nước Nhật từ năm 1979, tức là cách đây 30 năm họ cũng có Luật sử dụng năng lượng hợp lý. Hàn Quốc năm 1995 cũng có Luật sử dụng năng lượng hợp lý. Nước Mỹ trước đó nhiều là năm 1975 họ đã có Luật về an ninh năng lượng và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Nếu nhìn nhận ở góc độ đó thì chúng ta thấy luật này rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng nếu như chúng ta chỉ điều chỉnh thuần túy tiết kiệm bình thường mà không có sự sáng tạo, trong đó thì hàng hóa của Việt Nam trong tương lai liệu có sử dụng ít năng lượng hay không? Như nước Nhật trước đây, đầu những năm 1960 thì hàng hóa của họ không phải là hàng hóa tốt, nhưng gần đây thì nước Nhật luôn luôn là hàng hóa tốt. Và từ chỗ ô tô của Nhật ít người biết đến trong những năm đầu 1960 thì đến nay nước Nhật trở thành nước sản xuất ô tô nhiều nhất thế giới và hãng ô tô lớn nhất thế giới cũng là hãng ô tô của Nhật Bản. Sau này Nhật Bản có một luật nữa là Luật trợ giúp kỹ thuật và tài chính để thúc đẩy vấn đề này mạnh hơn nữa. Chính vì vậy họ chiếm lĩnh thị trường thế giới. Chúng tôi cũng mong muốn luật này sẽ đề cập đến vấn đề khuyến khích sự lao động động sáng tạo ở trong vấn đề chế tạo các sản phẩm của Việt Nam.

Chính vì vậy chúng tôi xin đề nghị phạm vi điều chỉnh của luật cũng sẽ có một số thay đổi, đặc biệt chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ cụ thể sau đây, nó không chỉ điều chỉnh hành vi của người sử dụng mà chính là của hoạch định chính sách hết sức quan trọng. Ví dụ, về than đá, tôi lấy số liệu từ năm 2000-2008, trừ năm 2008 vì khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu thì than đá của chúng ta bán trung bình khoảng 490.000 - 540.000 đồng/tấn. Tôi hết sức ngạc nhiên là xuất khẩu than đá được có 540.000 đồng/tấn, tức là 32,1 đô la/tấn. Ví dụ, năm 2006 chúng ta khai thác là 38,8 triệu tấn, xuất khẩu 29,3 triệu tấn, thu được 914,8 triệu đô la, xấp xỉ 1 tỷ, vì bán trung bình là 31,2 đô la/tấn. Năm 2007 chúng ta sản xuất ra 42,5 triệu tấn, xuất khẩu 32,1 triệu tấn, nhiều hơn, chưa kể báo chí lúc đấy nói rằng chúng ta còn xuất khẩu than thổ phỉ ra bên ngoài 10 triệu tấn nữa, và thu về 999,8 triệu đô la, như vậy cũng 31,2 đô la/tấn, tôi nhân với tỷ giá của ngân hàng thì chỉ được 540.000 đồng/tấn, nếu chúng ta trừ đi chi phí khai thác, vận chuyển, lương, sàng lọc, bốc lên tàu, chi phí quản lý phí, khấu hao thiết bị v.v..... thì hết 70%, còn lợi nhuận 30% thì được 170 ngàn đồng/tấn tức là được 9 xen.

Chúng tôi nhập ngô từ nước ngoài về tới 31 xen/1 kg, nếu đến năm 2013 nước ta là nước nhập khẩu than đá theo như các dự báo hiện nay tức là còn 3 năm nữa. Thế nhưng 3 năm không phải là kế hoạch dài hạn, cũng không phải kế hoạch trung hạn, mà rất ngắn hạn thì chúng ta phải nhập khẩu than, trong khi đó bây giờ chúng ta lại xuất khẩu than nhiều như thế, tôi e rằng lúc đó lại ngược 31 đôla/1 tấn để vận chuyển than về thì chúng ta mất hàng triệu đôla.

Chúng tôi xin đề nghị luật phải điều chỉnh cả hành vi của chính sách quy hoạch năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng chứ không phải chỉ thuần túy điều chỉnh hành vi sử dụng như thế nào cho tiết kiệm, những chính sách hoạch định này hết sức quan trọng, tiết kiệm hàng tỷ đôla cho nhà nước nếu chúng ta có quy hoạch thật chính xác. Xin hết.

Các văn bản liên quan