Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo – Kiên Giang

Thứ Ba 16:26 25-05-2010

Kính thưa Chủ tọa đoàn,

Kính thưa Quốc hội, dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trình ra tại Kỳ họp thứ 6 có thể nói có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau, tựu chung lại có thể nói là chê nhiều hơn khen, bất đồng nhiều hơn đồng. Tuy nhiên, sau Kỳ họp thứ 6 với sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan đã tập trung, nghiên cứu, chỉnh lý một cách nghiêm túc, đến dự thảo này chúng tôi thấy rất tốt. Bản thân tôi cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như dự thảo kèm theo.

Dự án luật này với 12 chương, 48 điều, chúng tôi thấy như vậy là hợp lý, đặc biệt ở đây tồn tại thứ nhất của lần trình trước có ba điểm: phạm vi điều chỉnh chưa rõ, mục tiêu chưa rõ, chính sách chưa rõ ràng thì lần này đã khắc phục được ba tồn tại đó. Đặc biệt về chính sách được quy định tại Điều 5 rất rõ, trong đó đặc biệt là Khoản 6 bớt đi phần quy định chương trình mục tiêu quốc gia vào trong dự án luật này mà đưa vào thành một điều, một khoản tại Khoản 6 của Điều 5 này là thích hợp. Bởi vì qua nghiên cứu Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các nước thì vấn đề về thực thi có hiệu quả quan trọng là phải có chương trình quốc gia liên tục hàng chục năm và từ đó có lộ trình cụ thể hàng năm cho nên tôi thấy quy định như thế này rất phù hợp.

Ở đây đi vào cụ thể về các lĩnh vực tiết kiệm có thể nói tiết kiệm năng lượng bất cứ nơi nào sử dụng năng lượng là phải có tiết kiệm, tuy nhiên trước mắt chúng ta cũng phải chọn một số khâu lĩnh vực trọng tâm để quy định thôi chứ không thể quy định được hết tất cả. Trong dự án Luật này đã chọn 6 lĩnh vực quy định từ Chương II đến Chương VII, tôi thấy như thế là phù hợp. Nhưng ở đây lại có quy định thêm Chương VIII tức là về lĩnh vực thứ bảy, sử dụng tiết kiệm trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm coi như một lĩnh vực, một loại tương đồng với 6 lĩnh vực trên thì sắp xếp như thế này là không hợp lý. Tức là ở đây gợi ý đầu tiên của Đoàn thư ký góp ý về hai, ba điều ở Điều 32, Điều 33 tôi thấy nội dung, nội hàm việc cần phải làm như ở Chương VIII này là cần thiết. Tuy nhiên cái này chỉ nên coi là phần biện pháp thực hiện thôi. Tức là đưa vào Chương X về biện pháp thực hiện, kể cả việc kiểm toán năng lượng cũng phải đưa vào biện pháp. Chứ còn đưa ở đây coi như một lĩnh vực thứ bảy mà phải thực hiện tiết kiệm là không đúng. Bởi vì nó trùng nhau về đối tượng, vì trọng điểm này gắn với lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực dân dụng, lĩnh vực trọng tải trong giao thông vận tải. Cho nên tôi đề nghị nghiên cứu để chỉnh lý lại.

Vấn đề thứ ba, tôi phát biểu thì có hơi trái ngược với ý kiến của đại biểu Trần Văn. Về vấn đề này chúng tôi nghiên cứu rất kỹ và tôi trực tiếp trao đổi với hai chuyên gia hàng đầu ở một quốc gia mà người ta có luật này đã 34 năm. Người ta đã thực hiện có hiệu quả trong 30 năm qua đã tiết kiệm được 56 tỷ đôla, có thể nói là bằng chúng ta để chi cho làm đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Cứ bình quân mỗi năm người ta tiết kiệm 2 tỷ đôla. Dự kiến từ nay đến năm 2013 sẽ tiết kiệm thêm 25 tỷ đôla trong lĩnh vực này. Vậy thì việc mà trong đó người ta cũng chỉ tập trung vào, tất nhiên tôi hỏi rõ chỗ này thì nên quy định như thế nào về quan hệ giữa sử dụng năng lượng tiết kiệm với năng lượng tái tạo thì hai chuyên gia đó cho biết: năng lượng tái tạo liên quan đến năng lượng sạch và năng lượng sạch với sử dụng năng lượng tiết kiệm có chung nhau một mục đích là môi trường như đại biểu Trần Văn đã nêu ra là đúng. Bởi vì, sử dụng nhiều năng lượng và năng lượng không sạch sẽ dẫn đến tình trạng rác thải lớn sẽ làm phá hoại môi trường. Chi phí cho một tấn rác thải hiện nay là 8 đôla trên 1 tấn, như vậy chi phí rất lớn. Như vậy lĩnh vực về năng lượng tái tạo thì nên có luật riêng chứ không cho vào đây. Việc Thủ tướng Chính phủ đề nghị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho rút khỏi nội dung đó thành một chương trong này tôi thấy là đúng, là hợp lý. Nhưng nên có một luật riêng bởi quan hệ trực tiếp ở đây là vấn đề môi trường chứ không phải là quan hệ trực tiếp ở đây, vấn đề ở đây là vấn đề kinh tế, vấn đề tiết kiệm năng lượng thì tôi xin tham gia ý kiến như vậy. Xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan