Góp ý của đại biểu Quốc hội Trương Xuân Quý – Tuyên Quang

Thứ Tư 10:02 25-11-2009

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tôi xin phép được tham gia một số ý kiến thế này.

Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành luật, tôi cho rằng việc ban hành luật rất cần thiết với các lý do sau. Thứ nhất, Việt Nam là nước có nhiều nguồn năng lượng không tái tạo như than, dầu mỏ nên chúng ta đang tăng cường khai thác để xuất khẩu và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này là hữu hạn và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Việc sẵn có nguồn năng lượng này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chưa chú trọng nhiều đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm. Để minh chứng cho điều này như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu là cường độ năng lượng Việt Nam cao gấp hơn hai lần so với mức bình quân chung của thế giới và để sản xuất 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng Việt Nam cần từ 11-13 triệu kcal, còn thế giới chỉ cần 4 triệu kcal. Nhưng vậy cường độ năng lượng của Việt Nam trong sản xuất thép cao gấp 3 lần thế giới.

Thứ hai, việc nhu cầu năng lượng đang tăng lên nhanh chóng theo từng năm đã đặt các nước, trong đó có Việt Nam phải sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm. Đồng thời đảm bảo hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường. Ở Mỹ năm 1974 đã thành lập Cục quản lý năng lượng, ở Anh năm 1981 đã thành lập Hội bảo toàn năng lượng. Ngay tại Châu Á các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, Ấn Độ, Nhật Bản v.v... đều đã ban hành Luật sử dụng tiết kiệm năng lượng và thành lập tổ chức về tiết kiệm năng lượng. Ở Việt Nam, ngày 03/9/2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sau đó vấn đề này cũng đã được đề cập đến trong một số vấn đề pháp luật như Luật Điện lực. Song theo đánh giá trong Tờ trình của Chính phủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì hiệu lực pháp lý của văn bản chưa cao. Các biện pháp đề ra chủ yếu mang tính khuyến khích, chưa có chế tài đủ mạnh. Các thể chế tài chính chưa được hình thành để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tại Trung ương và địa phương còn bất hợp lý, thiếu đồng bộ. Với các lý do trên theo tôi việc ban hành luật là rất cần thiết.

Về tên luật, tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Xuân ở Tây Ninh lấy tên là Luật tiết kiệm năng lượng và mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Về nội dung của dự thảo luật, mặc dù Tờ trình của Chính phủ nêu một loạt các tồn tại, hạn chế của các văn bản quy phạm pháp luật như tôi vừa nêu trên, song nội dung dự thảo luật cũng chưa cải thiện được tình hình này. Và như có đại biểu đã nêu tại Hội trường hôm vừa rồi là đọc nội dung dự thảo vẫn nghe giống như nghị quyết, rất nhiều cụm từ như khuyến khích, đẩy mạnh, tuyên truyền, giáo dục, vận động, ưu tiên tăng cường v.v...

Đi vào nội dung cụ thể, tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, tôi thấy chưa rõ phạm vi điều chỉnh và tôi cũng đề nghị bổ sung trong phạm vi điều chỉnh lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công như ý kiến của đại biểu Nhân ở Đoàn thành phố Cần Thơ. Nội dung của Điều 1 tôi đọc thấy giống như thể hiện mục đích của luật thì chính xác hơn là phạm vi điều chỉnh.

Điều 3 về giải thích từ ngữ, theo tôi khái niệm năng lượng như vậy là chưa đủ và chưa đúng. Ở đây cần phân biệt rõ năng lượng sơ cấp và năng lượng thứ cấp. Tôi có đối chiếu với Nghị định 102 thì trong đó giải thích tôi cho là chính xác hơn, đó là năng lượng là dạng vật chất có khả năng sinh công bao gồm nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu, khí đốt và nguồn năng lượng thứ cấp là nhiệt năng, điện năng sinh ra thông qua quá trình chuyển hoá năng lượng sơ cấp. Tôi thấy giải thích từ ngữ trong Nghị định này lại rõ hơn.

Điều 5, kế hoạch thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Theo tôi trong luật không nên đưa mục kế hoạch thúc đẩy sử dụng năng lượng vào mà nên để Chính phủ quy định. Nhưng khi nghiên cứu vào nội dung của Điều 5 tôi thấy thực chất đó là trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành và các địa phương, người đứng đầu các cơ sở sử dụng năng lượng. Do đó tôi đề nghị chuyển nội dung Điều 5 vào Chương V trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chương II trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Về nội dung Chương III về quản lý đối với phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng. Tôi cho rằng đây là chương quyết định trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện Nghị định 102 năm 2003 của Chính phủ đã chứng minh rất rõ điều này. Chúng ta không thể thực hiện tiết kiệm năng lượng chỉ bằng cách vận động, thuyết phục, giáo dục mà phải kèm theo đó là một hệ thống đầy đủ các quy định về quản lý đối với phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng để các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt là chính quyền địa phương có đủ cơ sở cho phép các phương tiện thiết bị đưa vào sử dụng hay loại bỏ nó khi không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Do đó nội dung chương này phải có đủ cơ sở pháp lý để ngay khi ban hành Luật thì các bộ, ngành, chuyên môn phải bắt tay ngay vào việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn, hiệu suất năng lượng cũng như là mức hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Ở trong Luật cũng phải quy định về chế tài xử lý, vì tôi nghiên cứu Nghị định 102 đã có quy định này và quy định rất rõ ở các điều ở trong Chương XIII, đó là thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong đó Điều 22 là các hành vi vi phạm mức độ xử phạt. Điều 23 là thẩm quyền xử phạt vi phạm. Tôi nghĩ là trong Nghị định nêu việc này rất cụ thể, tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng cần tổng kết thực tiễn đưa nội dung này vào trong Luật. Trên đây là một số nội dung tham gia vào dự thảo Luật. Tôi cũng rất mong rằng Ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện để Quốc hội sớm thông qua dự luật này vào thứ bảy. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan