Góp ý của đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết – An Giang

Thứ Tư 10:01 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường về thẩm tra Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Để góp ý Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua Quốc hội lần thứ nhất, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, là sự cần thiết ban hành luật, hiện nay tình trạng lãng phí, sử dụng không hiệu quả năng lượng ở nước ta ở mức cao gấp 2 lần so với bình quân chung của thế giới. Chủ yếu ở nước ta các cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng công nghệ còn lạc hậu, quy trình sản xuất chưa hợp lý theo hướng tối ưu, năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong ngành công nghiệp nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển.

Để sản xuất ra một sản phẩm có giá trị như nhau, sản xuất công nghiệp của nước ta phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5 đến 1,7 so với các nước. Theo tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng của nước ta có thể đạt đến 20% trong lĩnh vực dân dụng, giao thông vận tải có thể đạt tới 30%, trong lĩnh vực xây dựng có thể đạt 30 - 35%. Trong khi hiện nay nước ta chưa có hệ thống pháp luật đủ sức để tạo hành lang pháp lý tác động đến việc sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, do đó việc ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết.

Về tên luật, tôi đồng tình với dự thảo là Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Như ý kiến của đại biểu Xuân và đại biểu Nhân thì tôi thấy rằng vì tiết kiệm mà không "hiệu quả" thì chúng ta thấy rằng từ "tiết kiệm" chưa hẳn đã sử dụng hiểu quả. Do đó tên luật là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì nó sẽ đầy đủ nghĩa hơn. Do đó tôi đồng ý như dự thảo Luật tên luật là "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả". Về phạm vi điều chỉnh các hoạt động như khai thác các nguồn vốn tài nguyên năng lượng và sản xuất ra năng lượng đã được điều chỉnh bởi các luật về khoáng sản, điện lực, dầu khí và năng lượng nguyên tử nên không điều chỉnh ở luật này. Dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng là hợp lý. Vì nếu phạm vi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ khâu khai thác đến sản xuất, đến sử dụng các nguồn năng lượng cần phải được điều chỉnh trong một luật một cách tổng hợp toàn diện. Quá trình từ khâu khai thác, sản xuất đến khâu sử dụng năng lượng cuối cùng tôi cho là quá rộng dẫn đến nội dung luật phức tạp khó khả thi khi triển khai thực hiện. Do đó phạm vi điều chỉnh của luật này đề nghị là quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chính sách biện pháp quyền và nghĩa vụ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Về tính khả thi của luật, dự thảo Luật xây dựng trình Quốc hội lần này chưa đi vào giải quyết những vấn đề yêu cầu từ thực trạng khó khăn gây ảnh hưởng cản trở đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như hiện nay.

Nội dung dự thảo còn mang tính khẩu hiệu, chung chung thiếu tính thực tiễn và chưa cụ thể hóa được nhiều quy định của pháp lệnh, chưa cụ thể hóa những tác động khuyến khích chế tài để đủ mạnh thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời về hình thức bố cục chưa phù hợp với nội dung của luật ban hành, do đó để luật mang tính khả thi, đề nghị cần phải cụ thể hóa các quy định, nội dung Luật Tiết kiệm năng lượng và hiệu quả phải giải quyết những vướng mắc của pháp lệnh hiện hành và nâng lên đúng tầm của một Luật tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Đồng thời để nội dung luật phù hợp với phạm vi điều chỉnh, luật nên bổ sung các quy định về trách nhiệm của Nhà nước về xây dựng chính sách, biện pháp bảo đảm an năng lượng quốc gia, đồng thời luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng toàn xã hội như mục tiêu ban đầu. Đề nghị ngoài lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông, nên bổ sung nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp dịch vụ và sinh hoạt, những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các hộ gia đình và du lịch trong đó trọng tâm vào lựa chọn, lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện hợp lý khoa học, điều chỉnh thói quen sử dụng đồ điện, công suất tiêu thụ điện của một số thiết bị điện dân dụng, các chế độ hoạt động khác nhau thiết kế lắp đặt hệ thống chiếu sáng tối ưu, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất nông nghiệp. Cần lưu tâm đến sử dụng máy phát điện, hầm biogas, bình nước nóng, năng lượng mặt trời, hệ thống pin mặt trời một cách hiệu quả và cùng các cơ chế chính sách hỗ trợ hợp lý.

Về chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm tiền, sao nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình hiện nay chưa mặn mà thực hiện vấn đề này. Đó là câu hỏi mà luật này cần phải giải quyết. Thực tế hiện nay có những rào cản khiến doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình chưa thực sự quan tâm ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Doanh nghiệp, chủ gia đình chưa hiểu hết lợi ích to lớn của tiết kiệm năng lượng, chính sách hỗ trợ vốn, chính sách ưu đãi, thủ tục chưa có sức hấp dẫn thu hút được doanh nghiệp, chính sách về giá, về sử dụng năng lượng chưa thực sự theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, chưa có chế tài rõ ràng, chưa có nhiều thành tựu khoa học công nghệ đáng kể trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đội ngũ có khả năng giúp doanh nghiệp thực hiện vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn quá mỏng, Nhà nước chưa có chính sách vĩ mô mang tính xuyên suốt như xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc triển khai các dự án thí điểm của các bộ ngành còn rời rạc chồng chéo, chưa đủ sức tác động khối doanh nghiệp thực hiện vấn đề tiết kiệm năng lượng và có hiệu quả. Do đó nhận thức một số doanh nghiệp, hộ gia đình chưa thấy rõ hiệu quả chính sách của mình đối với đất nước. Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và lo ngại trong trong việc hoạt động ổn định của doanh nghiệp làm mất thói quen quy trình đổi ca, đổi giờ rất dễ ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp còn e ngại khi ứng dụng tiết kiệm năng lượng phải khai báo với đơn vị kiểm toán năng lượng về qui trình sản xuất, thông tin kỹ thuật công nghệ, chất lượng, nhiên liệu, doanh nghiệp sợ lộ bí mật về công nghệ, đặc biệt thực tiễn cho thấy chưa thấy rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Từ thực trạng này đã làm cản trở việc đẩy mạnh hoạt động triển khai sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Do đó chúng tôi đề nghị luật cần phải giải quyết những vấn đề thực trạng khó khăn về tiết kiệm năng lượng hiện nay.

Về chương trình mục tiêu quốc gia về năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ở Điều 36, đề nghị các thành tựu nghiên cứu trong và ngoài nước về tiết kiệm năng lượng và hiệu quả rất đa dạng về các lĩnh vực. Do đó ngoài hoạt động nghiên cứu như dự thảo luật, đề nghị bổ sung chương trình chuyển giao thành tựu công nghệ phù hợp với điều kiện nước ta ở các địa phương chúng ta chuyển giao về. Đồng thời đẩy mạnh việc triển giao rút ngắn thời gian ít tốn kinh phí và hiệu quả. Ngoài ra hoạt động tư vấn giúp doanh nghiệp hoàn thiện các qui trình sản xuất theo hướng tối ưu rất cần thiết. Do đó đề nghị luật bổ sung vấn đề hoạt động tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm vào chương trình mục tiêu của quốc gia. Tôi xin có một số ý kiến như vậy, xin hết.

Các văn bản liên quan