Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phú Thọ

Thứ Tư 10:03 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật này với các lý do các đại biểu trước tôi cũng đac trình bày rồi, tôi không nó lại. Và tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban khoa học công nghệ và môi trường. Tôi chỉ xin tham gia cụ thể một số vấn đề như sau. Trước hết về những vấn đề chung, về bố cục của luật, tôi thấy rằng các đồng chí chuẩn bị luật này rất rõ ràng, đầy đủ các thông tin. Tuy nhiên, bố cục này tôi thấy chưa mạch lạc, vẫn còn lộn xộn. Ví dụ chương thì có hai chương quy định cả về vấn đề chung, Chương 1 quy định vấn đề chung, Chương II cũng có Mục 1 quy định chung. Chúng ta thấy rằng về chương chính sách của Nhà nước Chương 1 cũng quy định về chính sách, Chương IV cũng có quy định về chính sách của Nhà nước. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng nên rà soát lại và sắp xếp vào các chương cho khoa học hơn, dễ theo dõi hơn.

Thứ hai, luật còn mang tính hô hào, phát động phong trào như một số đại biểu trước tôi phát biểu, chưa luật hóa được các nội dung cần thiết, chưa có tính bắt buộc thực hiện, thể hiện ở Điều 4, Điều 7, Điều 9, Điều 11, ví dụ thường xuyên sử dụng các từ như đại biểu Quý trước tôi đã nói là khuyến khích tổ chức, cá nhân, Nhà nước, hộ gia đình thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích hộ điều chỉnh biểu đồ phụ tải điện v.v... tức là không tính bắt buộc mà chỉ là hô hào, động viên, khuyến khích như vậy tôi nghĩ là luật của chúng ta rất khó thực hiện được.

Thứ ba, trong một số điều luật còn giao thẩm quyền cho các bộ chức năng quy định, theo tôi trong luật không nên quy định như vậy mà chỉ nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể, sau đó Chính phủ tiếp tục giao cho các Bộ hướng dẫn bằng thông tư. Ví dụ ở Khoản 3, Điều 5; Khoản 4, Điều 12; Khoản 5, Điều 14; Khoản 2, Điều 16 đều giao cho Bộ Công thương, giao cho Bộ Xây dựng v.v.... tôi thấy không hợp lý khi chúng ta đưa vào điều luật.

Nội dung tiếp theo, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm trách nhiệm của bộ, ngành liên quan vào dự thảo luật như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn v.v... có như vậy thì luật này mới có hiệu quả được. Bởi vì chúng ta tiết kiệm năng lượng hiệu quả trong các lĩnh vực và các lĩnh vực này đều có sự chịu trách nhiệm của các bộ mà chúng ta không giao trách nhiệm cho các bộ cùng tham gia vào thì rất khó thực hiện.

Về các nội dung cụ thể tôi xin có ý kiến như sau.

Thứ nhất, về tên gọi của dự thảo luật, tôi cũng nhất trí như một số đại biểu phát biểu trước tôi đó là nên gọi là Luật sử dụng năng lượng. Ngoài giải thích của các đại biểu trước tôi thấy rằng nếu chúng ta dùng tên gọi này thì mang tính khái quát cao và bao hàm đầy đủ nội dung và phạm vi điều chỉnh như trong dự thảo luật đã nêu. Đồng thời với tên gọi này phạm vi của luật có thể mở rộng hơn, không chỉ quy định sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng mà còn quy định thêm được việc sử dụng hợp lý, an toàn và bảo đảm an ninh nguồn năng lượng nữa.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh, tôi đề nghị bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định thêm về trách nhiệm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng ở giai đoạn khai thác và sản xuất năng lượng. Đây là vấn đề tôi thấy chúng ta cần đưa vào luật này, mặc dù một số đại biểu nói rằng vấn đề này đã được một số điều luật khác, Luật khai thác khoáng sản v.v... đã quy định, nhưng tôi thấy nếu chúng ta không đưa vào đây thì chúng ta thấy rằng vấn đề lãng phí nguồn năng lượng của chúng ta ngay từ khâu khai thác và sản xuất là rất nhiều, rất phổ biến hiện nay.

Thứ hai, bổ sung quy định sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp, tôi thấy cũng nên đưa vào. Tôi đồng ý ý kiến như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nên bổ sung một số điều quy định về trách nhiệm của Nhà nước về xây dựng chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng hợp lý hài hòa nguồn năng lượng không tái tạo, nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời tôi đề nghị bổ sung thêm chữ "an toàn" vì quy định sử dụng an toàn năng lượng mới chỉ đề cập ở một số luật chuyên ngành, vì vậy chưa đầy đủ. Hơn nữa với mục tiêu của luật này tôi thấy muốn sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng thì trước hết cần sử dụng an toàn và có biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Có như vậy chúng ta mới tiết kiệm và có hiệu quả được. Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề này tôi nghĩ chúng ta cũng khó có thể tiết kiệm và hiệu quả khi chúng ta sử dụng năng lượng.

Tuy nhiên, tôi không đồng ý với cách lập luận trong Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đoạn cuối của khổ thứ ba, trang 3 có ghi: Tuy nhiên, mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật theo ý kiến của các thành viên Ủy ban là một vấn đề lớn có thể dẫn tới việc bổ sung khá nhiều nội dung và thay đổi kết cấu của dự thảo luật. Theo tôi đây là dự thảo luật xin ý kiến của Quốc hội lần đầu tiên nên chúng ta phải tính đến tất cả những vấn đề mà các đại biểu, các chuyên gia đề cập tới dù có phải sửa nội dung hay cần phải thay đổi cả kết cấu của luật thì chúng ta thấy rằng vẫn còn thời gian để chúng ta làm việc này vì đến kỳ họp thứ 7 chúng ta mới thông qua, tránh tình trạng vừa làm luật xong thì đã phải sửa đổi. Nếu chúng ta cứ chấp nhận cách làm luật như vậy thì tuổi thọ luật của nước ta không bao giờ đảm bảo được. Tôi đề nghị phải xem xét lại vấn đề này.

Về Điều 3 của luật, tôi đề nghị về giải thích từ ngữ. Giải thích từ ngữ ở đây giải thích vừa thiếu lại vừa thừa, đưa quá nhiều từ quen thuộc và các từ đã giải thích ở các luật chuyên ngành khác, có một số từ giải thích không đúng nghĩa hoặc làm cho rắc rối, khó hiểu hơn. Tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Điều 3 về giải thích từ ngữ để chúng ta giải thích lại cho chuẩn và dễ hiểu hơn.

Điều 4, ở phần chính sách nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tôi đề nghị bổ sung quy định về chính sách nhà nước trong sử dụng an toàn và bảo đảm an ninh trong sử dụng nguồn năng lượng, thêm vấn đề này trong chính sách của nhà nước.

Điều 10 về các hành vi nghiêm cấm hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cần bổ sung một khoản trong điều này là cấm nhập khẩu dưới mọi hình thức các dây chuyền công nghệ kém và lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng không thân thiện với môi trường, gây lãng phí. Tôi thấy tình huống này xảy ra khá nhiều phổ biến hiện nay. Ví dụ việc một số nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện đồng Sin Quyền v.v.. đang xây dựng, do các công trình kinh tế lớn đầu tư vào nước ta dưới dạng chìa khóa trao tay với công nghệ hạng 2, 3 tiêu hao quá nhiều nguyên liệu, năng lượng, hiệu quả sử dụng thấp, nước ta hiện nay chưa quản lý, kiểm soát được. Theo nhận xét của Bộ Công thương tôi thấy tiêu thụ năng lượng để làm ra một đơn vị sản phẩm ở nước ta cao gấp đôi so với Thái Lan và Malaysia. Với phân tích như trên tôi thấy cần thiết phải quy định cụ thể điều cấm này thêm trong Điều 10 để tránh việc lách luật của các nhà đầu tư nước ngoài và tăng thêm tính nghiêm khắc, bắt buộc tại Khoản 3 Điều 32 trong luật này cho các đơn vị, nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng.

Điều 38, tôi đề nghị nội dung quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Tôi thấy năng lượng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống con người và nguồn năng lượng không phải là vô tận để phát triển bền vững. Yêu cầu vận động mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp, nhất là đối với thế hệ trẻ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng. Tôi đề nghị cần quy định tại điều này là "Tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận và tham gia cuộc vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bằng nhận thức khoa học công nghệ" và đưa vào chương trình giảng dạy của ngành giáo dục kiến thức về sử dụng năng lượng. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan