Góp ý của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Hương – Bình Định

Thứ Ba 10:15 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, còn một số vấn đề tôi chưa thống nhất, xin được tham gia thảo luận 3 vấn đề như sau:

Thứ nhất, về thủ tục thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, Điều 26 và Điều 28 của dự thảo Luật đã quy định về thẩm quyền và thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề. Tôi cho rằng quy định này đã kế thừa Pháp lệnh hành nghề y tế tư nhân nhưng chưa phù hợp với xu thế phát triển xã hội yêu cầu cải cách hành chính, đồng thời cũng chưa thể chế hóa được một số quan điểm của Đảng. Theo tôi được biết hiện nay trong lĩnh vực hành nghề y hầu hết các nước trên thế giới đều đã có Hội đồng y khoa độc lập. Hội đồng y khoa được thành lập với mục đích chính là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho người bệnh. Đảm bảo những người hành nghề y có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Hội đồng y khoa có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, đặt ra các chuẩn mực chuyên môn liên quan đến hành nghề, điều tra các vụ việc bị khiếu nại, đưa ra các hình thức kỷ luật đối với người hành nghề khi họ vi phạm các chuẩn mực quy định. Ở những nước này Hội đồng y khoa, các hội nghề nghiệp ngành y là những tổ chức xã hội có vai trò rất lớn trong việc quản lý chất lượng chuyên môn cũng như đạo đức của người hành nghề.

Hiện nay chúng ta có khoảng 30.000 cơ sở đăng ký hành nghề y tư nhân và gần 300.000 người đang hành nghề, trong khi đó đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về hành nghề y lại rất ít, chỉ những thành phố lớn mới có phòng quản lý hành nghề, các tỉnh, thành khác chỉ có 1, 2 cán bộ, có nơi chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước mới chỉ dừng lại ở mức làm thủ tục cấp chứng chỉ, cấp giấy phép mà không thể kiểm tra, kiểm soát được đầy đủ các hoạt động hành nghề. Trong điều kiện như vậy việc áp dụng nguyên tắc kết hợp giữa quản lý Nhà nước với phát huy vai trò tự quản, tự giám sát của các tổ chức xã hội nghề nghiệp là rất cần thiết.

Việc thành lập Hội đồng tư vấn trong dự thảo luật theo tôi là một hình thức nhằm phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong giám sát hoạt động khám, chữa bệnh. Tuy nhiên việc cấp chứng chỉ theo quy định hiện hành cũng như trong dự thảo luật chỉ thuần túy là thủ tục hành chính, căn cứ vào hồ sơ. Vì vậy, trong thực tế sự tham gia của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp trong hội đồng trên chỉ là hình thức. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương X đã chỉ rõ phải đề cao trách nhiệm của tri thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội tri thức, tạo điều kiện để các hội tri thức thực hiện các dịch vụ công, tham gia cấp chứng chỉ hành nghề, giám sát hoạt động nghề nghiệp, thực hiện tự chủ về tài chính. Chỉ thị số 24 ngày 4/7/2008 của Ban bí thư về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội đông y trong tình hình mới cũng khẳng định Nhà nước có cơ chế, chính sách tăng cường vai trò của Hội đông y trong quản lý hành nghề, cấp chứng chỉ, kiểm tra hành nghề đông y phù hợp với năng lực, khả năng hoạt động của Hội đông y Việt Nam và các tổ chức thành viên theo quy định của pháp luật.

Tôi đồng ý rằng việc tổ chức Hội đồng y khoa hay giao thêm trách nhiệm, thẩm quyền cho các hội nghề nghiệp là vấn đề chưa có tiền lệ trong ngành y ở nước ta. Tuy nhiên nếu chỉ vì chưa có tiền lệ mà chúng ta lại luật hóa cứng một quy định mà như trên đã phân tích là hiệu quả chưa cao, chưa thể chế hóa được quan điểm của Đảng thì luật ra đời sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu quản lý và có lẽ không bao lâu nữa chúng ta lại đề nghị sửa đổi luật. Vì lý do đó tôi đề nghị không quy định cứng về thủ tục, thẩm quyền cấp chứng chỉ, mà nên quy định mở trên tinh thần từng bước phát huy vai trò các tổ chức xã hội tham gia vào việc cấp chứng chỉ cũng như tư vấn cho Bộ Y tế ban hành các chuẩn mực nghề nghiệp giám sát, giải quyết các khiếu nại liên quan đến quá trình hành nghề.

Thứ hai, về quy định thời gian thực hành trước khi cấp chứng chỉ hành nghề. Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 27 của dự thảo luật đã quy định trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải có văn bản xác nhận quá trình thực hành. Tôi tán thành cao với quy định này. Tuy nhiên, quy định về việc xác nhận thời gian thực hành theo dự thảo luật là chưa chặt chẽ. Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều người sau khi tốt nghiệp chưa hề thực hành tại cơ sở chuyên môn nào, nhưng vì nhiều lý do vẫn được các cơ sở, nhất là cơ sở tư nhân xác nhận đã qua quá trình thực hành. Cơ quan có thẩm quyền vì chỉ căn cứ vào hồ sơ để cấp chứng chỉ nên những người tuy đã được xác nhận thực hành vẫn có những sai phạm rất cơ bản khi hành nghề và người xác nhận cũng chẳng chịu trách nhiệm gì.

Vì lý do đó tôi đề nghị phải bổ sung quy định cụ thể hơn điều kiện để các cơ sở ký xác nhận hành nghề, ví dụ phải có hợp đồng lao động, phải phân công người hướng dẫn hoặc việc xác nhận phải thông qua Hội đồng chuyên môn và quy định rõ trách nhiệm của người xác nhận.

Thứ ba, việc công nhận chất lượng đối với các cơ sở khám, chữa bệnh. Điều 50 và Điều 51 dự thảo luật đã quy định về việc nâng cao chất lượng và công nhận chất lượng đối với các cơ sở khám, chữa bệnh. Tôi cho rằng đây là một điểm mới rất có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo luật chưa thể hiện tinh thần quyết tâm trong việc chấn chỉnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, điều mà cử tri cũng như các đại biểu Quốc hội rất kỳ vọng vào dự án luật này.

Thực tế đang tồn tại một vấn đề gây rất bức xúc trong nhân dân là tình trạng bệnh nhân phải làm quá nhiều các xét nghiệm khi đi chẩn đoán, khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Vừa làm xét nghiệm ở bệnh viện này xong, sang bệnh viện khác lại phải làm đúng các xét nghiệm như bệnh viện đã làm. Bệnh viện tuyến trên không công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện tuyến dưới. Điều này khiến người bệnh chi phí quá tốn kém, mất thời gian, quỹ bảo hiểm y tế bị thâm thủng.

Một trong các giải pháp khắc phục tình trạng trên là các phòng xét nghiệm phải áp dụng các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng này không phải là vấn đề mới. Vì hiện nay trên phạm vi cả nước đã có rất nhiều các phòng thí nghiệm, phòng kiểm nghiệm đã được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025 hay GLB. Ngoài ra hơn 10 năm qua Bộ Y tế đã ban hành và tổ chức triển khai rất hiệu quả các hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới như thực hành sản xuất thuốc tốt, thực hành kiểm nghiệm, bảo quản, phân phối thuốc tốt lẽ nào chúng ta lại không thể đi tiếp lộ trình thực hành kê đơn thuốc tốt, thực hành lâm sàng tốt để từng bước khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc đang ở tình trạng báo động hiện nay cũng như những bất cập trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Vì lý do đó tôi đề nghị Khoản 1 của hai điều nói trên không dùng cụm từ "khuyến khích" mà định hướng các bệnh viện, các phòng xét nghiệm, các phòng chẩn đoán hình ảnh bắt buộc phải được kiểm định công nhận chất lượng. Đồng thời giao cho Chính phủ có lộ trình cụ thể nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân.

Ý kiến cuối cùng là về tổ chức và hoạt động của Hội đồng giám định y khoa, tôi thống nhất với ý kiến của đại biểu Khánh vừa phát biểu trước. Tôi cho rằng đây là một nội dung cũng hết sức quan trọng nhưng chưa được đề cập trong dự thảo luật, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo, Quốc hội nghiên cứu bổ sung nội dung này. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan