Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Độ – An Giang

Thứ Ba 11:02 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đánh giá cao dự thảo trình Quốc hội trong đợt này, dự thảo đã thừa kế được các quy định phù hợp của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Đồng thời xuất phát từ thực tiễn xét xử các vụ án hành chính những năm qua trên cơ sở quán triệt tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 48 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, để phù hợp hơn với thực tiễn có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, tôi có một số ý kiến đóng góp sau đây:

Vấn đề thứ nhất, tôi đề nghị quy định giao cho Tòa án quân sự xét xử các khiếu kiện hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong quân đội vì các lý do sau đây:

Một là, khác với nhiều nước, nhiệm vụ xây dựng và chỉ huy quân đội theo điều lệnh quản lý bộ đội, Bộ Quốc phòng và các đơn vị trong quân đội còn có chức năng giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về quốc phòng, nên vẫn có những quyết định hành chính, những hành vi hành chính có thể bị khiếu kiện. Mặc dù, một số quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại theo quy định của Chính phủ không thuộc đối tượng khởi kiện theo Khoản 1, Điều 25 của dự thảo.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, không phải và cũng không nên coi mọi quyết định trong lĩnh vực quốc phòng, lĩnh vự an ninh và lĩnh vực ngoại giao đều không phải là đối tượng của khiếu kiện hành chính, mà nhiều quyết định khác liên quan đến quyền và lợi ích của công dân, của quan nhân, ví dụ như quyết định sa thải công chức quốc phòng, các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, các quyết định về trưng mua, trưng dụng tài sản, các quyết định trong quản lý đất quốc phòng v.v... vẫn có thể bị khiếu kiện hành chính.

Hai là, nếu giao khiếu kiện hành chính cho tòa án nhân dân xét xử thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định về thủ tục tố tụng, nhất là quy định nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh theo Điều 7 và trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo Điều 8. Bởi vì trong việc xét xử các khiếu kiện hành chính cũng tương tự như các vụ án hình sự, việc thu thập những chứng cứ trong đa số các trường hợp liên quan đến bí mật quân sự, đến bí mật công tác quân sự mà không phải ai, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận một cách rộng rãi. Chỉ giao cho Tòa án quân sự thẩm quyền này thì mới có thể thực hiện tốt được các quy định về chứng minh, nghĩa vụ của người bị kiện cung cấp cho tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại hoặc tài liệu làm căn cứ ra quyết định hành chính, quyết định buộc thôi việc ở Khoản 2, Điều 7 và trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự, cho tòa án ở Điều 8 v.v... Hơn nữa, các thẩm phán Tòa án quân sự là người hiểu biết hơn tổ chức, chức năng nhiệm vụ quân đội, hiểu rõ hơn bản chất của các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quân đội. Vì thế sẽ thuận lợi hơn trong việc đánh giá chứng cứ, phán quyết đúng đắn khách quan về vụ kiện.

Ba là thực tiễn những năm qua cho thấy việc giao cho tòa án nhân dân xét xử các khiếu kiện hành chính liên quan đến quân đội, quốc phòng là không khả thi. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng những năm qua khiếu kiện hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong quân đội chỉ được giải quyết bằng một kênh duy nhất, đó là khiếu nại hành chính, một số khởi kiện đã được chuyển đến tòa án nhân dân các cấp, nhưng trong quá trình xử lý vụ án giải quyết vụ án thấy rất khó khăn. Cho nên một số Tòa án nhân dân đã thuyết phục đương sự rút đơn khởi kiện để khiếu kiện ra các cơ quan thanh tra quốc phòng. Thực tiễn này gây nên sự bất bình đẳng không công bằng giữa quân nhân, công chức quốc phòng với công dân khác trong cơ chế giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện hành chính. Công dân thì có thể lựa chọn khiếu kiện hoặc khiếu nại, còn quân nhân, công chức quốc phòng thì chỉ có khiếu nại.

Bốn là cũng do thực tiễn nêu trên và các đặc điểm trong giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực quốc phòng mà thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì bằng biện pháp tháo gỡ những bất cập nêu trên tại nhiều cuộc họp, nhiều cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khiếu nại, khiếu kiện hành chính đã đề nghị giao cho Tòa án quân sự xét xử các khiếu kiện hành chính trong quân đội, nhất là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay, khi thẩm quyền xét xử các khiếu kiện hành chính của Tòa án ngày càng mở rộng.

Vấn đề thứ hai về thẩm quyền của Tòa án theo Điều 26, Điều 27 dự thảo. Thưa Quốc hội, trong những năm qua chất lượng xét xử các khiếu kiện hành chính không cao, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa khá cao là một trong những nguyên nhân là do nhiều thẩm phán chưa độc lập trong xét xử, còn e ngại khi thu thập chứng cứ chứng minh phán quyết và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền vốn là cấp trên của mình, có tình trạng thẩm phán ngại được phân công xét xử các vụ án hành chính. Thực tiễn cũng có trường hợp thẩm phán chịu những phiền hà khi ra phán quyết bất lợi cho người có thẩm quyền trong bộ máy hành chính địa phương, thậm chí có một số trường hợp cơ quan hành chính lợi dụng địa vị tố tụng của người bị khởi kiện để tác động không đúng đắn đến tòa án.

Để khắc phục tình trạng đó, đảm bảo cho tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, tôi đề nghị quy định cho phép người khởi kiện chọn tòa án xét xử khiếu kiện của mình không cùng lãnh thổ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện như các quy định tại Điều 26, Điều 27. Tôi lấy ví dụ nếu khởi kiện quyết định của Tòa án quận Đống Đa chẳng hạn thì tòa án cơ quan hành chính quận Đống Đa có thể khởi kiện sang Tòa án quận Hoàn Kiếm hoặc của huyện A có thể khởi kiện sang tòa án huyện B, của tỉnh A có thể khởi kiện sang tỉnh B, có như vậy thì tòa án mới có thể độc lập tuyệt đối trong việc xét xử các khiếu kiện hành vi hành chính đối với các hành vi hành chính, quyết định hành chính. Chúng tôi thấy rất nhiều nơi hiện nay người ta đã thực hiện theo cơ chế này.

Vấn đề thứ ba, là vấn đề cơ chế xử lý đối với bản án, quyết định của tòa án hành chính đã có hiệu lực pháp luật hết thời hạn kháng nghị và quyết định của Hội đồng thẩm phán phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi không đồng ý với giải trình Ban soạn thảo tại Điểm 11, Điểm 12 của Báo cáo giải trình xây dựng một cơ chế đặc biệt, giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét quyết định kháng nghị đối với đa số tuyệt đối, 2/3, trên cơ sở đó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị và Hội đồng thẩm phán xét xử vì các lý do sau đây:

Một là, điều đó trái với nguyên tắc tư pháp trong Nhà nước pháp quyền như chỉ có tòa án mới có thẩm quyền xét xử, Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất và việc xét xử của tòa án cũng phải có giới hạn về thẩm quyền cũng như là về thời hạn.

Hai là, phân biệt rõ ràng thẩm quyền kháng nghị và thẩm quyền xét xử không thể để có tình trạng Hội đồng thẩm phán xem xét quyết định kháng nghị, sau đó chính Hội đồng thẩm phán lại xét xử vụ việc. Không thể có trường hợp một thẩm phán, các thành viên Hội đồng thẩm phán lại có thể xét xử vụ án 2 lần.

Thứ ba là việc thực hiện cơ chế này tạo ra khả năng khiếu kiện kéo dài vốn đang quá tải ở Viện kiểm sát và tòa án các cấp, nhất là ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao. Tạo ra sự lưỡng lự, thiếu dứt khoát trong công tác thi hành án.

Báo cáo Quốc hội, nếu chúng ta tạo ra một cơ chế vẫn có những khả năng để xét xử lại vụ án của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc khả năng xét xử lại những vụ án đã hết thời hạn kháng nghị rõ ràng công dân sẽ kiện, sẽ có đơn từ khởi kiện liên tục, kiện liên tục không có điểm dừng.

Thứ tư là thực tiễn cho thấy các trường hợp này xảy ra rất ít trong thực tiễn, hàng năm chỉ phát hiện một vài vụ trong số gần 300 nghìn vụ án đã xét xử các loại.

Thứ năm, theo chúng tôi biết trên thế giới không có bất kỳ một quốc gia nào có thể có cơ chế tố tụng này. Theo chúng tôi nếu cơ chế này được thông qua thì có lẽ đây là một cuộc cách mạng lớn trong tư pháp của thế giới. Chúng tôi cho rằng nên coi đây là một rủi ro nghề nghiệp cũng như trong các lĩnh vực hoạt động Nhà nước khác. Có lẽ giải pháp phù hợp nhất hiện nay để giải quyết trường hợp này là bằng mọi biện pháp nâng cao năng lực thẩm phán, nhất là thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại tư pháp của Tòa án, của Viện kiểm sát các cấp để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan