Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga – Thái Nguyên

Thứ Ba 11:00 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Tôi đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu trước tôi và xin phát biểu 3 vấn đề sau đây.

Vấn đề thứ nhất, về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính quy định tại Điều 67. Hiện nay có 2 con đường giải quyết khiếu nại hành chính. Đó là giải quyết bằng phương thức khiếu nại tại cơ quan hành chính, giải quyết bằng tòa án hành chính. Tuy vậy thì đây không phải là 2 phương thức giải quyết song song. Do Điều 2 của pháp luật hiện hành quy định ràng buộc là muốn giải quyết vụ án hành chính thì bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính tùy theo từng giai đoạn khiếu nại. Điều kiện ràng buộc này đã biến việc giải quyết vụ án hành chính trở thành quá trình nối tiếp, là cánh tay nối dài giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính. Dự thảo luật về cơ bản vẫn giữ nguyên điều kiện khởi kiện như trước đây trừ một số rất ít loại việc được kiện thẳng ra tòa. Chúng tôi thấy quy định này là chưa hợp lý bởi các lý do sau đây:

Lý do thứ nhất là hạn chế quyền lựa chọn của người dân đối với việc chọn phương thức giải quyết hoàn toàn theo thủ tục tố tụng tư pháp. Năm 2005, Quốc hội chúng ta đã giám sát tối cao việc giải quyết khiếu nại và đã có nghị quyết yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tổ chức hệ thống cơ quan tài phán hành chính của Chính phủ để khắc phục tính thiếu khách quan của thủ tục giải quyết khiếu nại ở cơ quan hành chính hiện nay. Tuy nhiên, như chúng ta biết là hiện nay Chính phủ đã kết luận là không tổ chức hệ thống tài phán hành chính mà cần mở rộng thẩm quyền của tòa án hành chính. Như vậy, hiện nay có hai cách giải quyết mà chúng ta lại còn ràng buộc điều kiện của người dân phải khiếu nại hành chính trước khi kiện ra tòa án hành chính là đã hạn chế quyền lựa chọn của người dân. Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính hiện nay giống như việc muốn đi từ Vinh ra Hà Nội thì có 2 phương tiện tàu hỏa và ô tô, bạn có thể chọn đi hoàn toàn bằng tàu, nhưng nếu chọn đi ô tô thì trước hết bạn phải đi tàu, sau đó đến một ga nào đó mới xuống rồi mới được đi ô tô, còn không được đi hoàn toàn bằng ô tô. Quy định như vậy, theo chúng tôi là rất bất hợp lý, nhất là trong tình hình hiện nay khoảng gần 80% khiếu kiện hành chính là về lĩnh vực đất đai nên rất bất hợp lý cho người dân;

Lý do thứ hai là kéo dài quá trình giải quyết do bị ràng buộc bởi điều kiện phải qua thủ tục khiếu nại hành chính này nên nếu chọn tòa án hành chính thì qúa trình ngắn nhất sẽ là khiếu nại đến người ra quyết định hành chính, sau đó quá thời hạn giải quyết nhưng không được giải quyết khởi kiện ra tòa án xử sơ thẩm, phúc thẩm và có thể có thêm giám đốc thẩm, tái thẩm đó là quá trình ngắn nhất. Còn quá trình dài nhất sẽ là khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết lần đầu không đồng ý và khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết lần hai không đồng ý và khởi kiện ra tòa sơ thẩm, phúc thẩm và có thể có thêm giám đôc thẩm hoặc tái thẩm, như vậy quá trình này sẽ rất dài. Việc kéo dài thời gian giải quyết như vậy thì vừa khó khăn cho người dân lại vừa khó khăn cho hoạt động hành chính, vốn là một loại hoạt động mà cần phải thực hiện nhanh chóng, dứt điểm, do đó làm đình trệ và làm giảm hiệu quả của quản lý Nhà nước.

Lý do thứ ba, giảm tính ưu việt của phương thức giải quyết khiếu nại bằng tòa hành chính. Thưa Quốc hội, giải quyết bằng tòa án hành chính có những ưu điểm vượt trội do đây là phương thức giải quyết mang tính tài phán, tức là có ba bên triệt để thủ tục tố tụng chặt chẽ có điểm dừng dứt điểm tính hiệu lực thi hành cao, đặc biệt là khắc phục được những nhược điểm lớn nhất của giải quyết bằng con đường hành chính mà theo giải quyết bằng con đường hành chính thì người bị khiếu nại lại chính là người giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên những ưu điểm của tòa hành chính chỉ phát huy tốt khi phương thức giải quyết này phải tồn tại một cách độc lập, trong khi đó chúng ta phải trộn lẫn hai phương thức giải quyết này với nhau làm mất đi tính ưu việt vốn có của tòa hành chính, khiến cho trình tự giải quyết tại tòa hành chính trở thành một phương thức hỗn hợp và kém hấp dẫn. Đây cũng chính là một trong nhưng lý do mà thời gian qua người dân ít lựa chọn tòa hành chính.

Lý do thứ tư, chưa thể hóa một cách đúng đắn quan điểm của Đảng cũng như chủ trương của Chính phủ, vấn đề báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp đã phân tích rất rõ.

Từ những phân tích trên chúng tôi đề nghị cần bỏ quy định về điều kiện trước khi khởi kiện vụ án hành chính phải qua thủ tục khiếu nại tại Điều 67 dự thảo và nếu bỏ quy định này thì người dân sẽ có ba con đường để lựa chọn giải quyết khiếu nại hành chính:

Thứ nhất, hoàn toàn bằng con đường ở cơ quan hành chính.

Thứ hai, hoàn toàn bằng con đường tòa hành chính.

Thứ ba, giải quyết bằng con đường khiếu nại hành chính nhưng trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết đều có thể khởi kiện ra tòa theo đúng cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Vấn đề thứ hai, về trình trình tự đặc biệt để xử lý trường hợp phát hiện sai lầm của bản án quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm và trường hợp phát hiện sai lầm của quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì đây là vấn đề vướng mắc lớn trong thực tiễn hoạt động tư pháp. Không chỉ về hành chính mà kể cả về dân sự và hình sự trong nhiều năm qua.

Về mặt lý luận từ trước đến nay chúng ta cũng quan niệm quy trình giải quyết nào cũng phải có điểm dừng. Điểm cuối của thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm và quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là những điểm dừng về thời gian và điểm dừng về thẩm quyền của thủ tục tố tụng giám đốc thẩm. Đối với đa số các vụ việc thì các điểm dừng trên là hợp lý, tuy nhiên đối với một số trường hợp cá biệt thì điểm dừng này lại không hợp lý, dẫn đến việc nhà nước tự bó tay mình.Thưa Quốc hội đã đến lúc chúng ta không thể tiếp tục trả lời người dân là tuy nhà nước thấy sai rồi nhưng không thể sửa được do luật không cho phép. Các luật về tố tụng của chúng ta trong thời gian qua đã được sửa đổi rất nhiều lần nhưng chưa lần nào chúng ta dành đủ thời gian để bàn và giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo và dứt điểm.

Về mặt thực tiễn những vụ việc thuộc loại này tuy không nhiều nhưng đều là những vụ việc khiếu nại rất bức xúc, kéo dài qua nhiều năm, tốn nhiều công sức của cơ quan tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền giám sát như các đoàn đại biểu Quốc hội, các uỷ ban của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Nhưng nếu vẫn tiếp tục duy trì những quy định hiện hành không cho phép có một cơ chế đặc biệt để tháo gỡ bế tắc thì tất cả quá trình giải quyết khiếu nại, quá trình tự kiểm tra của cơ quan tư pháp và quá trình giám sát của chúng ta sẽ tiếp tục đi vào ngõ cụt và trên hết là quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng rất lớn.

Chúng tôi xin đưa hai ví dụ cụ thể về quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm, một vụ hình sự, một vụ dân sự còn về án hành chính thì cơ chế cũng tương tự như vậy.

Vụ án thứ nhất là vụ Huỳnh Văn Nam trú quán tại Biên Hòa - Đồng Nai bị kết án tử hình về hai tội cướp tài sản công dân và giết người, quyết định giám đốc thẩm số 01 năm 98 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuyên giữ nguyên các quyết định của các bản án sơ thẩm, phúc thẩm xử Huỳnh Văn Nam tử hình. Trong thời gian 10 năm từ năm 1992 đến năm 2002 ông Nam liên tục kêu oan, kể từ khi án có hiệu lực thì ông Nam vẫn không xin Chủ tịch nước ân giảm. Theo đề nghị của Chủ tịch nước Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban pháp luật khóa X, XI giám sát và kết quả cho thấy ông Nam bị kết tội oan. Từ kết quả giám sát đó, nhiều ý kiến trong các cơ quan chức năng và trong giới luật gia đề nghị nhà nước xem xét cho cơ chế để xử lý vụ việc này và những trường hợp tương tự. Trong khi chúng ta đang loay hoay chưa tìm ra cách giải quyết thì ông Nam do bị giam quá lâu từ tháng 4 năm 1992, trong đó có nhiều năm ở phòng biệt giam của người bị án tử hình nên sức khỏe suy sụp và chết vì bệnh đường ruột vào ngày 17/5/2002. Giả sử ông Nam không bị chết thì không ai dám ra quyết định xử bắn trong trường hợp này.

Ví dụ thứ hai là vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa công ty Tiên Sơn - Thanh Hóa và công ty Châu Tuấn - Hà Tĩnh đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm số 04 năm 2006. Vụ án này công ty Châu Tuấn gay gắt, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị cơ quan Quốc hội giám sát, kết quả cho thấy quyết định này có sai lầm, gây thiệt hại cho công ty Châu Tuấn. Cho đến nay theo thông tin của các cơ quan chức năng Hà Tĩnh thì do có sai sót đó cho nên không thể tổ chức thi hành được.

Từ những ví dụ trên chúng tôi hoan nghênh và đồng tình với cơ quan soạn thảo trong việc đưa ra cơ chế đặc biệt và chặt chẽ như quy định tại trang 19 của báo cáo giải trình. Theo đó đối với những trường hợp này Quốc hội giao quyền cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao kháng nghị. Theo hướng này các Bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự cũng được sửa đổi tương tự, chúng tôi đã rà các quy định trong Hiến pháp thì thấy không có gì vướng ở các cơ chế này, vẫn đảm bảo Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất. Xin hết.

Các văn bản liên quan