Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội

Thứ Sáu 14:44 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Tôi tán thành với việc xây dựng Luật trọng tài thương mại nhằm góp phần từng bước hoàn thiện cơ chế pháp lý phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Nếu xây dựng luật có chất lượng đảm bảo hoạt động tổ chức của lực lượng trọng tài cũng như tiêu chuẩn của trọng tài viên thì sẽ góp phần vào việc giảm tải gánh nặng cho ngành tòa án trong xét xử các tranh chấp trong kinh tế. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nhiều điều, khoản quy định trong dự thảo luật khó đảm bảo tính khả thi, thiếu đồng bộ với các luật khác, có những chỗ tôi cảm thấy có sự sao chép của các luật nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tôi xin phát biểu một số nội dung theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp.

Về phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp trọng tài thương mại ở Điều 2, tôi không tán thành với 2 phương án mà dự thảo luật nêu ra. Tôi đồng ý phương án 1 khi bỏ Khoản 3 sẽ phù hợp, bỏ quy định "trọng tài thương mại có quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại đã được quy định ở luật". Quy định như vậy quá sức đối với lực lượng trọng tài hiện nay ở nước ta, vừa thiếu về số lượng, năng lực, trình độ chuyên môn còn hạn chế, kể cả về ngoại ngữ, về luật kinh tế quốc tế. Mặt khác, nếu quy định như thế này có thể dẫn đến việc lạm dụng, lấn sân sang lĩnh vực khác, có thể mâu thuẫn với luật hiện hành.

Về tiêu chuẩn trọng tài viên, tôi đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung quy định tiêu chuẩn trọng viên phải có trình độ đại học luật, vì thực tế ở nước ta hiệu quả giải quyết việc này còn yếu kém, sự am hiểu pháp luật để tham mưu cho các bên tranh chấp còn hạn chế. Theo tôi quy định cần phải bổ sung tiêu chuẩn đại học luật nhằm đảm bảo tính tương thích với lực lượng giải quyết tranh chấp dân sự, hoặc giải quyết trên cơ sở pháp luật như lực lượng thẩm phán, kiểm sát viên hay luật sư v.v...., tôi nghĩ như vậy thì phù hợp với các luật hiện hành và đảm bảo chất lượng hoạt động trọng tài của chúng ta có hiệu quả hơn. Đặc biệt nếu chúng ta quy định như vậy sẽ góp phần giảm bớt những khó khăn khi doanh nghiệp đưa ra trọng tài, nhưng có thể vì trọng tài hiểu biết về pháp luật không đảm bảo cho nên khó khăn cho doanh nghiệp, vừa tốn tiền, vừa không đem lại hiệu quả. Theo tôi để đảm bảo hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp nên quy định vấn đề tiêu chuẩn pháp lý đối với trọng tài viên.

Về quản lý Nhà nước, tôi tán thành với Khoản 3, Điều 12 quy định Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước trước Chính phủ về trọng tài. Tuy nhiên tôi thấy quy định như thế này rất sơ sài, có mỗi một câu như vậy, trong khi đó ở những quy định khác về hoạt động của trung tâm trọng tài thì lại yêu cầu hàng năm trung tâm trọng tài phải báo cáo định kỳ về hoạt động của Sở Tư pháp, như vậy là rất khó. Tôi đề nghị cần quy định cụ thể hơn về chức năng của Bộ Tư pháp trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động trọng tài và điều này tôi nghĩ rất phù hợp. Cần quy định cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các cơ quan hữu quan, nhất là đối với cơ quan tư pháp ở các địa phương trong vấn đề giúp bộ quản lý trên địa bàn của mình đối với hoạt động tranh chấp thương mại.

Ngoài ra tôi xin có một số ý kiến khác, ví dụ về tên gọi, tôi tán thành với dự thảo luật này vì thực tế chúng ta biết lực lượng trọng tài thương mại hiện nay của chúng ta, nếu tên như thế này thì sẽ đảm bảo phù hợp với đặc thù của chúng ta, phù hợp với năng lực trình độ hiện hành. Nếu chúng ta quy định trọng tài nói chung thì tôi cho rằng nó sẽ không khả thi đối với điều kiện cụ thể ở Việt Nam hiện nay.

Vấn đề thứ hai là quy định ở tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài ở Điều 6. Tôi thấy quy định như thế này thì nó có mâu thuẫn nhau trong cùng một điều, ví dụ như Điều 6 thì nói là trong trường hợp tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài nếu một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, tôi đồng ý với quy định này. Nhưng quy định tiếp theo là trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài được tòa án xác định là vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thì câu này lại mâu thuẫn với câu trên. Bởi vì nếu tòa án không thụ lý thì không thể biết được là trường hợp này có phải là vô hiệu hay không. Cho nên theo tôi là cần phải quy định, nếu cần thiết thì phải quy định thành 2 khoản mà Khoản 1 thì tôi thấy như dự thảo là được. Khoản 2 thì phải quy định cụ thể trong những trường hợp nào thì sẽ không thể thực hiện được và tòa án phải từ chối. Phạm vi trách nhiệm của trọng tài viên Điều 19 tôi đề nghị bỏ từ "cố ý" bởi vì nếu trọng tài viên không phải chỉ cố ý mà khi vi phạm vào quy định của trọng tài thì cũng coi như là vi phạm rồi, thì không nên dùng từ "cố ý" vào đây. Nó đảm bảo cho phù hợp với các luật khác hiện hành. Tôi xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan