Góp ý của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội

Thứ Hai 09:43 23-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách và nhiều ý kiến của đại biểu đã phát biểu trước tôi về sự cần thiết và mục tiêu yêu cầu của việc ban hành Luật thuế nhà, đất. Đây là dự luật tôi cho là rất quan trọng, nhằm tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực nhà, đất, khuyến khích các tổ chức và cá nhân sử dụng nhà, đất có hiệu quả và góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất cũng như khuyến khích cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, nhiều đại biểu chưa tán thành với không ít những quy định trong luật này vì nội dung của nhiều điều, khoản, kể cả nội dung luật cũng còn rất sơ sài và không khả thi. Tôi cho rằng Ban soạn thảo phải dày công hơn nữa đối với dự luật quan trọng này. Tôi nghĩ rằng nhiều chính sách rất cần thiết, quan trọng đáng lẽ phải được lấy ý kiến của nhân dân, ý kiến của các đại biểu trước khi soạn thảo luật. Ví dụ phải thống nhất được chính sách không thu thuế nhà, đất đối với những người chỉ có một nhà ở và trong hạn mức của Nhà nước quy định; hai là không khuyến khích tích tụ nhà, đất để đầu cơ vượt quá hạn mức quy định và phải tính thuế luỹ tiến đối với những người có từ nhà thứ hai trở lên. Nhà thứ hai ở đây tôi nghĩ phải là trên địa bàn tỉnh nào đó, chứ nếu một người vì đi công tác mà phải ra Trung ương, ở Hà Nội họp nhưng nhà ở quê vẫn còn thì tôi nghĩ như thế không đánh thuế được mà có thể phải tính trong một mức độ nhất định nào đó. Tôi nghĩ rằng như vậy sẽ hợp lý và đảm bảo được ổn định xã hội phù hợp với thực tiễn. Hay vấn đề thuế suất áp dụng đối với nhà, đất phải căn cứ vào vị trí, đặc điểm, kết cấu nhà, từng loại nhà, đất một, cái này phù hợp với Luật đất đai, giá trị đất tuỳ theo cả địa điểm, vị trí của đất đó nữa. Nhưng ở trong thuế nhà, đất này lại không tính theo kiểu đấy, tôi cho rằng không được, việc này làm cho rất nhiều đại biểu bức xúc và có ý kiến như thế. Cho nên tôi nghĩ nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cho lấy ý kiến để thống nhất cao những vấn đề trên đây thì Ban soạn thảo cũng thể hiện được tư tưởng này vào trong dự luật, tôi nghĩ đây là chính sách rất quan trọng làm cho tất cả các đại biểu an tâm và nhân dân cũng an tâm hơn, trước khi xem xét thông qua luật này thì tôi nghĩ nó mới có cơ sở được, chứ nếu vẫn với dự luật như thế này mà đưa ra thì các đại biểu cứ bàn vào những việc rất cụ thể mà những việc lớn lại không bàn được. Theo tôi cần phải lấy ý kiến trước và với suy nghĩ như vậy, tôi thấy cần phải có thêm một số ý kiến như sau:

Một là, đối với đối tượng chịu thuế, tôi nghĩ trên cơ sở thống nhất được tư tưởng như trên mà tôi đã nêu, tôi đề nghị nhà ở cũng phải tính trong đối tượng chịu thuế. Ở đây nhằm mục đích là chống đầu cơ nhà, đất và cũng nhằm mục đích để sử dụng đất tiết kiệm hiệu quả, tuy có thể nói là tăng nguồn thu, nhưng tôi nghĩ rằng việc này không phải mục tiêu lớn nhưng vấn đề nhà ở vẫn phải tính.

Thứ hai, đối tượng không thuộc diện chịu thuế thì tôi cũng đề nghị xét về mặt để công bằng xã hội thì nhà ở, đất sử dụng vì mục đích công cộng, công trình sự nghiệp phúc lợi xã hội hoặc từ thiện, nhà ở công vụ thì chỗ này nếu nói nghe có vẻ suôn sẻ như thế, nhưng trong thực tiễn nó muôn hình vạn trạng. Nó rất nhiều những các loại kiểu khác nhau mà nếu chúng ta quy định như thế này mà cứ nghĩ là nó trơn tru thì vào thực tiễn cũng không áp dụng được. Cho nên theo tôi là để cho tính công bằng thì tất cả các loại nhà, đất cũng phải được tính thuế. Nhưng đối với nhà, đất diện của Nhà nước làm theo ngân sách Nhà nước, thì Nhà nước sẽ phải hỗ trợ một nguồn để nó đảm bảo được tính công bằng.

Vấn đề thứ ba, tôi cũng có đề nghị là đối với việc mà giá tính thuế thì tôi đề nghị rằng là không nên quy định là những trường hợp có giấy chứng nhận. Kể cả trường hợp sử dụng đúng mục đích hoặc không đúng mục đích trên giấy chứng nhận thì giá của m2 đất chịu thuế là giá theo mục đích sử dụng được ghi trong giấy chứng nhận là không được. Chỗ này sẽ tạo kẽ hở luồn lách để mà trốn thuế của Nhà nước. Phải tính là trên giá trị hiện nay đang sử dụng, trên diện tích hiện nay đang sử dụng, mục đích hiện nay đang sử dụng chứ không nên tính theo giá trị như ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi vì có khi người ta mua nhà rồi thì bây giờ cái nhà của người ta không phải là chỉ để ở mà người ta để kinh doanh, bây giờ lại ghi theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tôi thấy không hợp lý.

Thứ hai là đối với việc mà nhà, đất ở nhiều tầng, nhiều hộ, nhà chung cư mà tính theo áp dụng phân bổ cho các tầng thì tôi cũng đề nghị là phải xem lại. Ở đây nó phải tính theo ở mức độ là vấn đề kinh doanh là rất lớn. Cũng có nhiều đại biểu nói là kinh doanh người ta đã thu thuế ở kinh doanh rồi mà nhà, đất lại thu thuế thì tôi nghĩ rằng việc nào nên tách bạch việc ấy, hoạt động kinh doanh có thể người ta chưa tính thuế về nhà, đất. Vấn đề nhà, đất bây giờ chúng ta mới tính, tôi đề nghị phải xem xét cho đúng.

Thứ hai, về thuế suất, tôi đề nghị phải tính thuế suất lũy tiến đối với những nhà ở từ thứ 2 trở lên. Và vấn đề phải theo vị trí, địa điểm kết cấu, chứ không phải tính đơn giản giá trị 500 triệu như rất nhiều đại biểu nói. Kể cả vấn đề chỗ đất cũng thế, phải tính lũy tiến, tôi đề nghị nếu có thể được ở trong một phạm vi có nhiều mức độ khác nhau, nhiều mức độ theo biểu lũy tiến từng vùng. Cho nên theo tôi là còn nhiều nội dung khác tôi cũng xin gửi sau. Nhưng tôi đề nghị tất cả những cái gì quy định cho Chính phủ về tính thuế nhà, đất này, tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét và việc này thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan