Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng – Hà Nam

Thứ Ba 09:31 22-06-2010

Kính thưa đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường về sự cần thiết ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng. Sau đây tôi xin đóng góp một số nội dung về việc xây dựng dự thảo luật này.

Vấn đề thứ nhất, về điều kiện giao dịch chung. Hợp đồng tiêu dùng quy định tại Chương III dự thảo luật. Dự thảo luật bảo vệ người tiêu dùng được xây dựng để khắc phục các khuyết tật trong quan hệ thị trường giữa thương nhân và người tiêu dùng. Bởi đây là một dạng quan hệ bất cân xứng. Bất cân xứng về thông tin, khả năng thương lượng giao kết hợp đồng, và khả năng tài chính trong gánh chịu rủi ro. Trong sự bất cân xứng ấy người tiêu dùng luôn ở thế bất lợi. Sự bất cân xứng kể trên thể hiện nghiêm trọng nhất ở một số loại giao dịch như bán hàng tại cửa, bán hàng xe, cung ứng dịch vụ liên tục. Ở đây tôi xin đề cập đến tình trạng bán hàng từ xa, bán hàng qua mạng Internet, mua bán hàng qua kênh bán hàng trên TV. Khi giữa người mua hàng và người bán hàng không trực tiếp gặp nhau thương lượng, kiểm tra hàng hóa mua bán. Người tiêu dùng rất có khả năng gặp rủi ro từ giao dịch này. Chẳng hạn do thông tin trao đổi giữa hai bênn không rõ ràng, người tiêu dùng có thể nhận những loại hàng hóa không như suy nghĩ và kỳ vọng ban đầu của mình. Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet hiện nay ở Việt Nam cùng với sự phổ cập ngày càng lớn, các kênh truyền hình bán hàng trực tiếp, các hợp đồng bán hàng từ xa không còn xa lạ với người tiêu dùng. Việc bán hàng từ xa hiện nay được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự, theo đó hợp đồng bán hàng từ xa được coi như hợp đồng bán hàng thông thường. Hình thức của hợp đồng này có thể biểu hiện dưới bất cứ hình nào bằng lời nói, bằng văn bản, nhưng quy định như vậy không điều chỉnh đầy đủ các giao dịch trên thực tế, không giải quyết được những vấn đề mà người tiêu dùng gặp phải trong giao dịch này. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của nhiều nước trên thế giới thường đưa ra các quy định hợp đồng bán hàng từ xa phải được thể hiện bằng hình thức văn bản do người bán hàng phát hành, trong đó ghi rõ những điều kiện cơ bản, điều khoản cơ bản như tên, địa chỉ của các bên giao dịch, ngày ký hợp đồng, mô tả chi tiết hàng hóa dịch vụ cung ứng cấu thành giá của hàng hóa, các khoản chi phí vận chuyển, môi giới, điều kiện vận chuyển, phương thức thanh toán, trách nhiệm của các bên, điều kiện chấm dứt hợp đồng. Trường hợp hợp đồng bán hàng từ xa được thực hiện dưới hình thức điện tử trên mạng Internet thì người bán hàng phải bảo đảm rằng trước khi người tiêu dùng giao kết hợp đồng họ phải được cung cấp các thông tin cần thiết về hàng hóa dịch vụ và người tiêu dùng được quyền sửa chữa những sai sót mà mình đã viết ở bản hợp đồng. Do đó, tôi cho rằng dự thảo luật nên có các quy định tương tự nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng phù hợp với thực tế các giao dịch thương mại điện tử ngày càng gia tăng.

Vấn đề nữa liên quan đến quy định về hợp đồng giữa thương nhân và người tiêu dùng quy định tại Điều 16 dự thảo luật đã nêu đó là khi thương nhân có các hành vi bị cấm nêu tại Chương II của dự thảo luật, nhất là các hành vi thông tin gian dối đối với người tiêu dùng, thì hợp đồng giữa người tiêu dùng và thương nhân có đương nhiên vô hiệu hay không? Nếu hợp đồng vô hiệu thì người tiêu dùng được hưởng những quyền gì và thương nhân có những trách nhiệm đảm bảo cho họ được hưởng những quyền ấy như thế nào? Ban Soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung vào dự thảo luật.

Vấn đề thứ hai tôi muốn đề cập đó là vấn đề kiểm soát hợp đồng theo mẫu được quy định tại Điều 19 dự thảo luật. Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng việc quy định phương thức tiền kiểm đối với hợp đồng mẫu là một dạng hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Trong thực tế hàng ngàn doanh nghiệp sử dụng các loại hợp đồng mẫu khi cung ứng hàng hóa dịch vụ cho người tiêu dùng thuộc rất nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng rất khó có đủ nhân lực và chuyên môn để rà soát thẩm định tất cả các loại hợp đồng này. Về mặt lý thuyết cơ quan này chỉ được trang bị nhiệm vụ và chức năng để rà soát dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng. Bản thân một hợp đồng có hàng chục khía cạnh khác nhau mà cơ quan này không thể và không có quyền thẩm định cho ý kiến. Và chính việc tiền kiểm đối với hợp đồng mẫu khiến cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thể gặp phải những rủi ro pháp lý.

Ví dụ, một bản hợp đồng mẫu sau khi đã được rà soát và phê duyệt bởi một cơ quan và cơ quan này cho rằng đây là hợp đồng phù hợp với quy định bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng sau này khi có tranh chấp xảy ra vụ việc được đưa ra toà án giải quyết, với tư cách là một cơ quan độc lập tòa án lại ra bản án, theo đó bản hợp đồng này có điều khoản xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Khi đó trách nhiệm của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng sẽ như thế nào, uy tín trước công chúng chắc chắn cơ quan bảo vệ người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại. Do đó tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại vấn đề kiểm soát hợp đồng mẫu quy định tại Điều 19 dự thảo luật. Cần quy định rõ giao dịch loại hàng hóa dịch vụ nào cần có hợp đồng theo mẫu để đảm bảo tính khả thi và mang tính chất linh hoạt hơn khi áp dụng. Nên chăng quy định đăng ký hợp đồng mẫu tại cơ quan có thẩm quyền chỉ áp dụng đối với một số sản phẩm có giá trị cao, tránh tình trạng biến việc đăng ký này trở thành một thủ tục hành chính mang tính chất xin, cho mà vẫn có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng, lại tạo phiền toái cho doanh nghiệp và không phù hợp với đề án cải cách hành chính mà Chính phủ đang thực hiện.

Thứ ba, về tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Chương V dự thảo luật.

Tôi nhất trí với báo cáo của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường cần xác định tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào. Dự thảo luật cần xác định rõ hơn địa vị pháp lý của tổ chức này cũng như trách nhiệm quyền hạn của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.

Tại Điều 27, Điều 28 dự thảo luật còn thiên về vấn đề khiếu nại, tố cáo của tổ chức này mà chưa thấy quy định những nội dung mang tính chất xứ mệnh của tổ chức đó là việc tự khảo sát, điều tra về các vấn đề của người tiêu dùng, các hoạt động thông tin tuyên truyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, phổ biến nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các quyền của mình và các văn bản pháp luật có liên quan.

Dự thảo luật cần bổ sung những quy định hạn chế tổ chức này thực hiện một số hoạt động có tính chất thương mại mang tính khuếch trương của tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp vào dự thảo luật, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan