Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng – Thái Nguyên

Thứ Ba 09:32 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phép phát biểu về 5 vấn đề sau đây:

Vấn đề thứ nhất, với tư cách là đại biểu Quốc hội nhưng cũng là người tiêu dùng, tôi thấy hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trên thực tế, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn còn bị vi phạm và rất thiệt thòi, đặc biệt trên 2 khía cạnh:

Thứ nhất, quyền được đảm bảo về chất lượng nói chung và nhất là quyền được đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng.

Thứ hai, quyền về lợi ích tài chính, tức là được mua hàng hóa và trả thanh toán dịch vụ đúng giá, không phải cao ngất ngưởng như giá sữa, một số thuốc chữa bệnh, một số hàng hóa dịch vụ khác.

Vì thế tôi đề nghị sau kỳ họp này cần tiếp tục hoàn chỉnh lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân cũng là người tiêu dùng để thảo luận thông qua Kỳ họp thứ 8, luật có hiệu lực càng sớm càng tốt, có thể là từ ngày 01/07/2011.

Vấn đề thứ hai, tôi tán thành với tên của dự thảo luật là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị tinh thần này phải được thể hiện trong toàn bộ nội dung của luật. Tuy nhiên đối chiếu lại với dự thảo, tôi thấy có những điều còn mâu thuẫn nhau nếu xét theo yêu cầu này. Tôi ví dụ, ở Khoản 5, Điều 5 có ghi: "Người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Mọi hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng phải được xử lý kịp thời (tôi xin nhấn mạnh chữ "kịp thời") gây thiệt hại phải bồi thường". Câu này được nhắc lại nguyên xi ở Khoản 3, Điều 8. Tuy nhiên, Điều 57 quy định về thông báo thông tin về vụ án do tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện lại quy định tổ chức này phải thông báo công khai hai lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng trước ngày nộp đơn khởi kiện, thông báo này được thực hiện trên báo hàng ngày của Trung ương trong 3 số liên tiếp và phát sóng trên đài phát thanh hoặc truyền hình của Trung ương 3 lần trong 3 ngày liên tiếp. Tôi nghĩ đối với nhiều trường hợp quy định này nếu không phải là sự đánh đố thì cũng gây khó khăn. Vì vậy tôi đề nghị phải nghiên cứu lại quy định này theo hướng đơn giản hơn nữa.

Thứ ba, liên quan đến khái niệm người tiêu dùng. Theo định nghĩa ở Điều 3 thì người tiêu dùng sẽ bao gồm mọi tuổi tác từ trẻ thơ đến cụ già. Điều 8, Khoản 5 có ghi "trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng không được phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp". Nếu chỉ ghi như vậy thì có nghĩa được phân biệt về lứa tuổi. Vì vậy tôi đề nghị thêm 2 từ "lứa tuổi" vào quy định này tức là không phân biệt về lứa tuổi.

Thứ tư, tiêu dùng ở đây bao gồm cả việc tiêu dùng hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên trong dự thảo luật còn nặng về hàng hóa mà chưa chú ý nhiều đến quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ. Tôi đề nghị phải bổ sung những quy định về bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ nhất là Chương IV và Chương V.

Thứ năm, về trách nhiệm quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi thấy nội dung, phạm vi quyền lợi người tiêu dùng rất rộng từ máy bay, ô tô, điện thoại, Internet cho đến việc làm, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh v.v... Nếu chỉ quy định đơn giản như ở Điều 61 thì không rõ. Vì vậy tôi đề nghị nên nghiên cứu và viết lại theo cách quy định trong Luật an toàn thực phẩm, tức là quy định rõ trách nhiệm của một số bộ, nhất là Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Lao động - thương binh và xã hội. Xin hết.

Các văn bản liên quan