Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Tư 16:32 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu ý kiến về Chương X của dự thảo. Chương X của dự thảo luật này quy định về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong này có 3 mục: Một là trách nhiệm quản lý nhà nước; Hai là thanh tra; Ba là kiểm tra. Tôi thấy giữa 3 mục này với những hoạt động của các cơ quan không có mối quan hệ gì với nhau. Trách nhiệm quản lý nhà nước là của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đến thanh tra cũng thuộc bộ này nhưng đơn vị riêng, nhưng đáng lưu ý ở đây là có cơ quan quản lý an toàn thực phẩm.

Như vậy ở đây có 2 khái niệm Bộ và Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm lại có cơ quan quản lý an toàn thực phẩm. Không biết quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với quản lý an toàn thực phẩm có khác gì nhau không và có mối quan hệ gì giữa hai cơ quan này không.

Đặc biệt trước đó Điều 40, Khoản 3 chúng ta quy định Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành trong phạm vi quản lý của mình quy định cụ thể cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Như vậy ở đây có 3 cơ quan, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, không biết 3 cơ quan này có khác gì nhau không và có mối liên hệ với nhau như thế nào.

Về thanh tra, chúng ta quy định thanh tra chỉ dừng lại là thanh tra ở các ngành, thanh tra ngành chỉ nói ở 2 ngành là ngành y tế và nông nghiệp phát triển nông thôn, như vậy sẽ làm khó cho những quy định khác, ở đây có ngành y tế và ngành nông nghiệp phát triển nông thôn hay không? Thực ra các Bộ có Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rõ rồi, nhưng ngành y tế và ngành nông nghiệp phát triển nông thôn là vấn đề. Chúng ta đã chủ trương là Bộ quản lý đa ngành, thực tế đây có rất nhiều ngành trong các Bộ, ngành, ta dùng khái niệm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong khi đó có liên quan đến an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phải quản lý trong lĩnh vực sản xuất ban đầu về nông, lâm, thủy và muối, như vậy nông nghiệp cũng là một ngành, lâm nghiệp là một ngành, thủy sản là một ngành, muối là một ngành. Trên thực tế, đều có cơ quan quản lý giúp cho Bộ trưởng, nhưng trong luật này không nói là giúp, mà các cơ quan có tính độc lập, có quyền kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật, không hề có mối quan hệ với Bộ trưởng. Nếu như vậy, không biết Quốc hội và Chính phủ sẽ kiểm soát các cơ quan này bằng cách nào trong khi các cơ quan không hề có mối liên hệ với Bộ trưởng, khẳng định các cơ quan này chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra và các kết luận có liên quan, không hề có chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng. Ngay đoàn kiểm tra cũng vậy, cũng do các cơ quan quản lý thành lập, không liên quan gì đến Bộ trưởng, các cơ quan này cứ làm và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi không hiểu làm thế nào để Bộ trưởng có thể quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực này, chỗ này tôi chưa hiểu. Tức là giữa Bộ trưởng, giữa thủ trưởng cơ quan quản lý an toàn thực phẩm với thanh tra là không có mối liên hệ gì với nhau cả.

Đi vào cụ thể, có một vấn đề đặt ra là như vậy thì lúc nào thì chúng ta tiến hành thanh tra và khi nào thì tiến hành kiểm tra. Nội dung thanh tra quy định ở Điều 67 nhưng kiểm tra chúng ta không quy định rõ cho nên đặt ra một vấn đề đây là những cơ quan độc lập với nhau, như vậy sẽ không thể nào tránh khỏi sự chồng chéo.

Thưa các đồng chí, nếu thanh tra mà quy định như ở đây là thanh tra chuyên ngành mà mỗi một bộ này lại có rất nhiều ngành khác nhau, ví dụ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, trong lĩnh vực thủy sản có thanh tra riêng không hay là có một cơ quan thanh tra khác. Hiện nay chúng ta có thanh tra bộ, bây giờ thanh tra bộ không nói ở đây nữa, mà ta đang nói thanh tra chuyên ngành, thanh tra chuyên ngành lại không biết có bao gồm tất cả các ngành nông, lâm, thủy, hải sản không, cũng không rõ. Hiện nay các cơ quan quản lý giúp cho Bộ trưởng có từng đơn vị, cục, vụ trong các bộ này, chỗ này tôi thấy chưa rõ và chắc chắn với quy định này sẽ rất khó thực hiện trên thực tế, từ cơ quan đến tổ chức thực hiện, cho đến hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn cũng thấy không có sự thống nhất.

Đi vào cụ thể, ví dụ ta nói quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan quản lý, cũng có Điểm c ở Khoản 1 là xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm. Nhưng khi thành lập đoàn kiểm tra thì đoàn kiểm tra ở Điểm a, Khoản 2, Điều 70 lại cũng có quyền xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra. Không biết trong trường hợp nào cơ quan quản lý ra quyết định xử lý vi phạm. Còn khi nào thì đoàn này ra quyết định xử lý vi phạm?

Nhân đây xin báo cáo với Quốc hội, đoàn kiểm tra không có quyền ra quyết định xử lý vi phạm. Xử lý vi phạm phải là cơ quan Nhà nước và cá nhân các quan chức có chức vụ, quyền hạn ở trong bộ máy Nhà nước mới có quyền ra quyết định xử phạt. Bởi vì đoàn kiểm tra chỉ là một tổ chức lâm thời, hoàn thành việc kiểm tra đó là chấm hết nhiệm vụ và giải tán đoàn. Nhưng người khiếu nại thì người ta còn khiếu nại lên cấp trên, mà không đồng tình thì người ta còn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mà ai lại đi khởi kiện đoàn kiểm tra ra Tòa, cũng không thể khiếu nại đoàn kiểm tra lên ông thủ trưởng cấp trên. Tóm lại chương này cần làm rõ từ tên cơ quan, từ hoạt động và mối liên hệ giữa thanh tra, kiểm tra với trách nhiệm của ông Bộ trưởng cũng như Ủy ban nhân dân. Ngay Ủy ban nhân dân chúng ta cũng viết một câu như sau "Ủy ban nhân dân là cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố". Ngoài Sở y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không biết theo quy định này của Quốc hội thì sau đây tỉnh có thành lập một cơ quan gọi là cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hay không? Do đó chúng tôi thấy chương này trên cả ba lĩnh vực quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, quản lý an toàn thực phẩm, rồi cơ quan kiểm tra Nhà nước v.v... tất cả những cái đó đều phải được làm rõ từ tổ chức bộ máy đến mối quan hệ trong hoạt động đều phải được làm rõ, nếu không thì triển khai thực hiện chương này trên thực tế là rất khó khăn, tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan