Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tiên – Tiền Giang

Thứ Tư 16:31 02-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi hoàn toàn nhất trí với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đây tôi xin góp ý 5 vấn đề.

Thứ nhất là về vấn đề thanh tra, tôi nhất trí với đại biểu Trương Thị Thu Hằng ở tỉnh Đồng Nai. Tôi nghĩ trong Luật này chúng ta chỉ quy định nguyên tắc, nội dung thanh tra còn việc tổ chức thanh tra thì theo quy định pháp luật thanh tra thì sau này chúng ta không gây khó cho các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Luật thanh tra.

Thứ hai, về tổ chức bộ máy và điều phối liên ngành thì chúng tôi nghĩ rằng nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu và đặc biệt đại biểu Thuyết cũng đã phát biểu trước thì kinh nghiệm của các nước người ta tổ chức mô hình quốc gia hoặc cơ quan của Chính phủ về an toàn thực phẩm rất có hiệu quả. Nhưng chúng ta cảm thấy mô hình chưa phù hợp, do đó mà chúng ta phân cho 3, 4 bộ. Vậy thì trong hoàn cảnh phân 3, 4 bộ này, tôi thấy vai trò điều phối liên ngành rất quan trọng, tôi chưa nhất trí với ý kiến của đại biểu Thuyết, thực tế ở Việt Nam vấn đề phòng chống HIV, vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình nếu chúng ta không làm liên ngành thì làm sao chúng ta đạt thành công như vây, một mình Bô Y tế làm sao đạt được hiệu quả như vậy. Nếu chúng ta quy định như luật này, quản lý Nhà nước y hệt từ trước đến nay chưa có gì đặc biệt, do đó để thực hiện vai trò điều phối liên ngành chúng ta phải bổ sung:

Thứ nhất, một khoản trong điều quy định về nguyên tắc là nguyên tắc thực hiện các chính sách về an toàn thực phẩm theo cơ chế liên ngành.

Thứ hai, bổ sung một mục làm thế nào để tổ chức điều phối liên ngành trong chương về quản lý Nhà nước, sau này Chính phủ dựa trên đó quy định rất có hiệu quả. Thực tế, vấn đề quan trọng nhất là về tổ chức điều phối liên ngành, ai là người đứng đầu liên ngành đó, một Bộ trưởng đứng đầu thì không thành công nhưng một Phó Thủ tướng đứng đầu chắc chắn sẽ thành công.

Vấn đề thứ ba, về thức ăn đường phố, trong quy định đã có một số điều, nhưng thực tế Điều 33 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã quy định về quản lý thức ăn đường phố, nhưng Điều 70 quy định về kiểm tra lại không có vai trò của Ủy ban xã, chỉ cấp tỉnh trở xuống mới được tổ chức kiểm tra. Các cửa hàng thức ăn đường phố hàng ngày bẩn như vậy, Ủy ban xã đi qua như vậy có được quyền nói gì không, tôi đề nghị bổ sung quy định này, chúng ta phải có một điều về vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý. Chúng ta vừa thảo luận Luật Người khuyết tật thấy chuyện chứng thực người tàn tật là bị liệt, bị cụt hai chân, hai tay do Ủy ban nhân dân cấp xã là chuyện không thừa, người ta có thể chứng nhận, kiểm tra được, không cần phải đến Hội đồng y khoa. Vậy những trường hợp thức ăn đường phố bẩn thỉu như thế này vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã như thế nào? quản lý cái gì? trong khi đó kiểm tra, thanh tra thì bảo không có quyền gì cả. Theo tôi đề nghị cấp chứng chỉ cho cơ sở thức ăn đường phố nên giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra hàng ngày bằng phương pháp thực chứng, họ nhìn thấy bẩn thì họ phải nói, theo tôi nên quy định như vậy thì mới có hiệu quả.

Vấn đề thứ tư, trong luật này chúng ta không nói đến tranh chấp, giải quyết tranh chấp, thủ tục tranh chấp.

Chúng ta chỉ nói là ở cấp tỉnh khiếu kiện thì đưa ra chỉ định một cơ quan kiểm nghiệm, sau cơ quan kiểm nghiệm người ta không đồng ý, người ta muốn nữa thì ra tòa hoặc lên cấp trên thì chúng ta phải bổ sung quy định này.

Vấn đề thứ năm, về giải thích từ ngữ tôi xin góp ý 5 vấn đề. Điểm 7 chúng ta nói về hạn sử dụng ghi tốt nhất là đến ngày, vậy sau ngày đó có đi kiểm định lại để bán hay như thế nào, nhiều nước họ ghi là hạn sử dụng đến ngày.

Điểm 13, chúng ta ghi là ô nhiễm thực phẩm khi có tác nhân ô nhiễm. Tôi nghĩ rằng tất cả các loại thực phẩm đều có tác nhân ô nhiễm nhưng thấp. Ví dụ trong nước người ta quy định có ecoly, nó có một hai con thì không việc gì cả, nhưng nó 10 con, 20 con thì nó sẽ là ô nhiễm. Vì vậy phải nói theo giới hạn nào đó thì mới là ô nhiễm.

Điểm 19, chúng ta chỉ ghi là ô nhiễm khi tự động nó rơi vào, không phải là chủ động, trong trường hợp chủ người ta cho hàn the, người ta cho bột màu vào thực phẩm, người ta chủ động cho vào thì theo luật này chúng ta hiểu như thế nào.

Điểm 28 của giải thích từ ngữ, chế xuất, nguồn gốc tôi nghĩ là chúng ta nên giải thích cho rõ hơn và đây là việc tìm xuất xứ, số lượng, nơi làm, chủng loại chứ không phải theo dõi quá trình sản xuất thì nó không rõ. Tôi xin có mấy ý kiến như vậy. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan