Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hà Công Long – Gia Lai

Thứ Hai 11:08 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia về một vấn đề mà các đại biểu phát biểu trước tôi đã tham gia đó là sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự. Ở đây tôi hoàn toàn tán thành với những nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình. Tuy nhiên, chỉ có một vấn đề đó là tham gia tất cả ngay khi xét thấy cần thiết, về vấn đề này tôi đề nghị khi chúng ta sửa Hiến pháp thì một trong những lý do nói rằng Viện kiểm sát thôi không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật để làm tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, sau đó chúng ta ban hành Luật tố tụng dân sự năm 2004 đã quy định Viện kiểm sát chỉ tham gia một số phiên tòa khi có khiếu nại và thực tiễn đã chứng minh do không có sự tham gia dẫn đến việc xét xử có vấn đề còn chưa được như mong muốn, người dân còn nhiều ý kiến. Vì vậy, cho nên kỳ này chúng ta sửa và từ khi có dự thảo này cho đến hôm nay tôi theo dõi thấy riêng về vấn đề này có rất nhiều ý kiến khác nhau và quá trình dự thảo cũng khác nhau đó là có tham gia tất cả hay chỉ khi xét thấy cần thiết.

Thưa các đồng chí, thật vậy thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 đã quy định khi xét thấy cần thiết thì Viện kiểm sát tham gia và như vậy đã có tham gia để chứng minh thực tiễn đã chứng minh một cái gì khi chúng ta đã quy định là không rõ ràng thì dễ dẫn đến làm hay không làm cũng không có căn cứ để xác định trách nhiệm cũng như quy trách nhiệm, bây giờ giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thì hướng dẫn như thế nào? điều đó cũng có nghĩa là thích thì làm mà không thích thì thôi. Cho nên tôi thấy tham gia phiên tòa không để làm gì cả mà quan trọng nhất là để kiểm sát viên nghe được đương sự phát biểu và đấy mới là điều quan trọng, còn đọc trên hồ sơ nhiều khi không thể thấy hết đó là một thực tiễn trong hoạt động kiểm sát. Vì vậy, chúng tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay Viện kiểm sát đã được bổ sung biên chế và đủ điều kiện để có thể tham gia 100% các phiên tòa, có nghĩa là cử kiểm sát viên ngồi ở đó để nghe xem đương sự nói gì, sau đó đối chiếu với biên bản phiên tòa xem có đúng hay không đúng, đó là điều quan trọng. Chúng ta lại trở lại quy phạm mang tính tùy nghi thì sẽ có cái gì đó hạn chế và không tạo điều kiện cho Viện kiểm sát lắng nghe đầy đủ các ý kiến và có quan điểm. Quan điểm của Viện kiểm sát phải thể hiện bằng một bản kháng nghị, những kiến nghị và bằng phát biểu tại các phiên tòa.

Đương nhiên ở đây có vấn đề sơ thẩm phát biểu gì, tôi nghĩ quan trọng nhất là ngồi phiên tòa để đảm bảo việc chấp hành đúng tố tụng. Nếu thẩm phán không cho đương sự phát biểu hết, đó có phải là vi phạm tố tụng không. Nếu không ngồi phiên tòa thì làm sao có thể phát hiện và có ý kiến ngay được. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỳ này chúng ta sửa nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự để đảm bảo thực hiện đầy đủ Khoản 1 của Điều 21 thì nên quy định Viện kiểm sát nhân dân tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp. Có như vậy sẽ tạo điều kiện để Viện kiểm sát lắng nghe được đầy đủ, sau đó khi tham gia phiên tòa rồi những vụ án vẫn còn sai sót thì có phần trách nhiệm của Viện kiểm sát và để rõ ràng trong quy định của pháp luật để dễ dàng thực hiện. Những vấn đề này tranh cãi nhiều rồi, nhưng tôi phát biểu trên suy nghĩ và có quá trình thực tiễn thực hiện quy định tham gia phiên tòa khi xét thấy cần thiết, nói rằng hướng dẫn nhưng cuối cùng giao cho các Viện trưởng, Viện trưởng huyện, Viện trưởng tỉnh, thích vụ nào thì ngồi chỉ đạo, bởi vì cái này nó vô cùng lắm, cho nên ý kiến của tôi xin bày tỏ sự tán thành với một số ý kiến phát biểu trước tôi về sự tham gia của Viện kiểm sát mà nên qui định là tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp để đảm bảo kiểm sát việc tuân theo pháp luật về tố tụng việc xét xử kịp thời đúng pháp luật. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan