Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Sáu 09:37 26-11-2010

Tôi xin phép Quốc hội được phát biểu thêm về chỗ cơ chế đặc biệt. Như chúng tôi đã trình bày ở vấn đề này nó đã đặt ra từ rất lâu và đến giờ các cơ quan chấp nhận một cơ chế này. Nhưng bây giờ nó có một vấn đề đặt ra, đúng là ý chung cũng muốn làm sao cái này thật chặt chẽ để tránh tình trạng có thể mở rộng quá. Nhưng nếu chúng ta nói rằng chỉ có kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban tư pháp về một khía cạnh nào thì đúng là nó có thể sẽ bảo đảm được tính chặt chẽ đối với thủ tục đặc biệt này. Nhưng chúng tôi cũng xin báo cáo, nếu như thế thì bộ máy của Ủy ban thường vụ Quốc hội để làm việc này lại là một vấn đề không đơn giản một chút nào. Hiện nay, trong Luật Giám sát thì cần một chữ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp có thẩm quyền giám sát hoạt động tư pháp, bây giờ tất cả người dân đang đòi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tổ chức giám sát vì phải làm cho đúng luật. Nhưng với hàng nghìn đơn như vậy, những vụ án người ta yêu cầu giám sát thì bây giờ làm thế nào được. Nếu bây giờ đã có như thế rồi nhưng nếu trong luật này lại khẳng định chỉ có kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đi đến việc kia thì tôi rất lo lắng là bộ máy của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Ủy ban Tư pháp phải như thế nào.

Hiện nay, có thể nói điểm lại hàng mấy nhiệm kỳ qua, 3, 4, 5 nhiệm kỳ vừa qua chúng ta cũng chỉ làm được dăm ba việc mà cũng đã cảm thấy quá tải, không đủ sức. Hiện nay hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, nguyên hoạt động thẩm tra các dự án luật và các công việc khác đã cảm thấy quá tải. Bây giờ bộ máy giúp việc của chúng ta cũng chỉ có một vài chục, từ 15 đến 20 hoặc hơn 20 người một chút cho Ủy ban Tư pháp, còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hoàn toàn không có bộ máy riêng về vấn đề này mà chỉ dựa vào bộ máy giúp việc của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mà dứt khoát trong quy định này thì dân người ta đòi. Lúc đó nếu ta không làm thì ta trả lời với người dân như thế nào. Hiện nay câu hỏi đó đã rất khó trả lời rồi, chúng tôi thấy đó là một việc khó chứ nếu chỉ có kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp thì đúng là có phần bảo đảm được chặt chẽ và mang tính đặc biệt là thể hiện được rõ, nhưng sẽ có một việc khó như vậy thì cá nhân tôi chẳng hạn suy nghĩ thì thấy rất khó xử lý.

Ý thứ hai chúng tôi muốn phát biểu là chúng ta chưa bàn tới một việc, sở dĩ chúng ta đưa cơ chế này vào là xuất phát từ thực tiễn của chục năm qua là có những quyết định của Hội đồng thẩm phán kể cả hình sự và dân sự sai nhưng mà không sửa được thì nay chúng ta có cái này. Nhưng có một chuyện là bây giờ chúng ta đưa vào nhưng tôi đề nghị cũng phải bàn hiệu lực của qui định là tính từ đâu, nó hồi tố nhưng hồi tố đến đoạn nào. Còn nếu hoàn toàn không hồi tố mà chỉ là áp dụng từ ngày luật này có hiệu lực pháp luật thì có thể nói hiện nay còn có khá, nói là nhiều nó không có căn cứ nhưng mà đại khái còn có những vụ mà chính xuất phát từ thực tiễn có những vụ đó mà chúng ta mới đi đến quyết định bổ sung cơ chế này. Chúng tôi nghĩ muốn bàn thêm và xác định; thứ nhất là có hay không việc hồi tố đối với qui định này. Thứ hai là nếu có hồi tố đến năm nào. Ví dụ phải chăng là năm ban hành Bộ luật tố tụng dân sự hay năm ban hành Pháp lệnh tố tụng dân sự thì việc này chúng tôi nghĩ đây là vấn đề phải bàn, tôi cho đây là vấn đề lớn kể cả trong dân sự và cũng như là Bộ luật tố tụng hình sự sắp tới nếu chúng ta sửa. Còn riêng hành chính thì nó rất may từ xưa tới nay nó chưa xảy ra vụ nào, còn trong dân sự là khá nhiều và hình sự cũng thế. Tôi thấy đấy là vấn đề cần phải bàn thêm, tôi xin hết.

Các văn bản liên quan