Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh – Bắc Kạn

Thứ Sáu 15:28 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Việc sửa đổi toàn diện Luật khoáng sản trong thời điểm hiện nay là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước về khoáng sản đạt hiệu quả cao nhất. Tôi cơ bản đồng tình với dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi) như Chính phủ trình. Tôi xin đề cập một số nội dung như sau:

Thứ nhất, về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản, thực tế ở các địa phương có tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản kim loại thì thường là địa phương nghèo phần lớn là các xã đặc biệt khó khăn, hoặc các xã thuộc vùng 2 mà nguồn thu từ hoạt động khoáng sản đóng góp vào ngân sách của địa phương chỉ thu được từ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, một phần của thuế thu nhập doanh nghiệp và nguồn thu này rất thấp. Trong khi đó hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng, giao thông thủy lợi bị xuống cấp và môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp trên địa bàn và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Hàng năm các địa phương này đều phải bỏ nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả từ hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng nguồn kinh phí ở các địa phương rất hạn hẹp. Tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể và trích tỷ lệ % doanh thu từ hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân để đầu tư, cải tạo, duy tu xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho nhân dân ở địa phương nơi có hoạt động khoáng sản.

Thứ hai, về thời gian cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản, dự thảo luật quy định về thời gian tối đa cho một giấy phép thăm dò chung cho tất cả các loại khoáng sản với quy mô khác nhau là chưa phù hợp. Chẳng hạn đối với những khoáng sản như vàng, đá quý mà thời gian thăm dò như trong dự thảo luật là 6 năm và nếu chưa có cơ sở để đánh giá chất lượng hoặc có phát hiện mới thì được cấp phép thăm dò mới. Quy định như vậy thì dễ tạo kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng vừa thăm dò, vừa khai thác đến khi hết thời hạn giấy phép thăm dò thì có thể mỏ vàng, bạc, đá quý cũng hết, mà ngân sách không thu được đồng nào. Trong khi đó đối với những loại khoáng sản khác như dầu khí hoặc những khoáng sản nằm ở ngoài thềm lục địa, quy mô, tính chất phức tạp thì thời gian thăm dò lại phải dài hơn. Do vậy tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định thời gian tối đa cho một giấy phép thăm dò khoáng sản giao cho Chính phủ quy định cụ thể trên cơ sở căn cứ vào quy mô từng loại khoáng sản và căn cứ vào công bố khoanh định khoáng sản để quy định thời gian một giấy phép thăm dò cho phù hợp.

Về thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Tôi đồng tình với dự thảo luật là phân cấp mạnh cho Ủy ban nhân dân tỉnh được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với những khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và các loại khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi với quy mô nhỏ thì tôi đề nghị cần phân cấp đến Ủy ban nhân dân huyện để thuận lợi cho nhân dân địa phương là khai thác phục vụ để xây dựng, nhu cầu tất yếu của nhân dân. Đồng thời đề nghị quy định thời gian cụ thể để Bộ Tài nguyên và môi trường khoanh định khoáng sản công bố để địa phương sớm biết được lĩnh vực nào, phần nào thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh được phép cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đối với những khu vực thuộc Trung ương quản lý.

Thứ ba, trước thực trạng khai thác khoáng sản trái phép tràn lan ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua thì việc quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, cá nhân là rất cần thiết. Để thực hiện được nội dung này thì hàng năm Ủy ban nhân dân các cấp phải bố trí nguồn ngân sách để chi cho công tác giải tỏa, xử lý các điểm khai thác trái phép, nhưng nguồn ngân sách địa phương, đặc biệt là các địa phương nghèo thì việc bố trí kinh phí cho hoạt động bảo vệ tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác là rất hạn chế. Do vậy, tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định trong dự toán ngân sách Trung ương hàng năm bổ sung cho các địa phương cần có mục chi cho công tác bảo vệ tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác.

Về thuật ngữ trong dự án luật. Tôi đề nghị bỏ các cụm từ "có thể", "khuyến khích", "ưu tiên" trong dự án luật. Vì nếu quy định như vậy thì thực hiện cũng được mà không thực hiện cũng không sao. Cho nên cần phải quy định là phải có trách nhiệm thực hiện.

Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan