Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã – Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Tư 09:43 17-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia 2 ý kiến: Thứ nhất là về khiếu nại đông người; Thứ hai là quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại.

Về khiếu nại đông người, tôi tán thành với nhiều ý kiến đại biểu phát biểu trước tôi, chúng ta cần tiếp cận vấn đề này một cách nghiêm túc, không né tránh về tình trạng khiếu nại giải quyết bằng pháp luật và tình trạng khiếu nại đông người hiện nay. Bởi vì đây là vấn đề bức xúc mà cử tri mong muốn chúng ta "giấy trắng, mực đen" quy định trong luật giải quyết những việc này như thế nào? Rất đáng tiếc vì khi đưa ra thảo luận điều này, trong dự thảo luật không đưa ra khái niệm thế nào là khiếu nại đông người. Tôi thấy Điều 10, Khoản 5 cũng như Điều 7, Khoản 5 có đưa ra nhưng không biết có phải là bản chất của khiếu nại không, đó là nhiều người khiếu nại về một vấn đề, ở Khoản 5, Điều 7 quy định nghiêm cấm hành vi xúi giục, gượng ép người khác tụ tập đông người để khiếu nại. Điều này dẫn đến một số đại biểu Quốc hội phát biểu coi khiếu nại đông người như một hình thức biểu tình hoặc mít tinh hay dùng số đông để gây sức ép. Tôi nghĩ nên đề cập một cách rộng hơn, đề nghị nghiên cứu kỹ hơn về hiện tượng này. Muốn thế chúng ta phải có tổng kết về tình hình khiếu nại, khiếu kiện đông người trong thời gian qua và cách thức xử lý của chúng ta. Từ đó chúng ta có bài học để báo cáo Quốc hội, đề nghị Quốc hội đưa vào một số quy định để giải quyết tình hình hiện nay. Tôi xin nhắc lại có lẽ Quốc hội không nên né tránh nữa, bởi vì theo như Tờ trình của Chính phủ nói là vấn đề này phức tạp, khó khăn cho nên đề nghị giao cho Chính Phủ, cuối Tờ trình lại nói là hiện nay Chính phủ giao cho Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn. Tôi thấy hai đơn vị này sẽ rất lúng túng trong vấn đề này, bởi vì căn cứ vào đâu để hướng dẫn, cấm hay không cấm, cho phép thế nào hay không cho phép thế nào, xử lý trường hợp vi phạm ra sao, phải có căn cứ pháp luật, không phải các bộ này đứng ra hướng dẫn, hướng dẫn cái gì. Tôi nghĩ các ý kiến phát biểu trước tôi có lý khi đề nghị phải đưa vào những quy định, chí ít là những quy định nguyên tắc để giải quyết vấn đề khiếu nại đông người hiện nay.

Ý kiến thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại quy định ở Điều 14. Tôi thấy ở Điều 14 có rất nhiều điểm, mở rộng quyền của người khiếu nại, đặc biệt ở Điểm d và Điểm đ của Khoản 1 tôi thấy cần phải cân nhắc thêm. Bởi vì trong này quy định người khiếu nại được biết, đọc, sao chụp, sao chép và xem các tài liệu chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin tài liệu thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật cá nhân. Khoản đ quy định: được yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại, cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật cá nhân. Tôi thấy giao quyền này hoặc cho quyền này cho người khiếu nại là quá lớn, tôi nghĩ nếu quyền người khiếu nại thì mặt khác, mặt đối lập thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này tôi nghĩ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không thể thực hiện được yêu cầu này. Và trong Luật tố tụng hành chính mà Quốc hội sắp thông qua thì khi nói về quyền này cũng chỉ dám nói là quyền được cung cấp chứng cứ chứ không phải tất cả mọi thông tin, tài liệu liên quan nếu tôi yêu cầu thì anh phải cung cấp, không nói rộng như thế. Nên tôi đề nghị cân nhắc 2 ý này.

Ngoài ra thì tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo lưu ý, tức là trong tố tụng hành chính thì có một quyền của những người khiếu nại. Tức là quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thông qua con đường Tòa án thì được như thế, còn ở đây trong lĩnh vực hành chính thì tôi nghĩ quyền này rất cần thiết. Bởi vì tôi muốn khiếu nại, nhưng để giải quyết khiếu nại là phải có quá trình, có thời gian, trong lúc đó quyền lợi của tôi bị vi phạm, những hành vi hành chính đang tác động trực tiếp đến lợi ích của tôi. Cho nên, tôi đề nghị cơ quan hành chính giải quyết việc này là trước mắt phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như ngừng ngay việc xây dựng, ngừng ngay đập phá hoặc ngừng ngay hành vi này, hành vi kia. Và tôi nghĩ trong trường hợp này các cơ quan hành chính rất sát, tức là rất là có điều kiện để thực hiện yêu cầu đó. Còn nếu như thông qua con đường Tòa án thì còn vòng vèo, nhưng ở trong trường hợp này thì nếu như những người khiếu nại người ta đề xuất thì cơ quan hành chính nếu nhận thấy có thể ngừng được thì phải ngừng ngay. Tôi thấy đây là một quyền nên ghi vào, coi như đó là một quyền của người khiếu nại ở Điều 14. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan