Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Dung – Thái Bình

Thứ Sáu 15:30 18-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi thấy rất đồng tình với vấn đề cần phải sửa đổi Luật Khoáng sản, vì chúng tôi thấy khoáng sản Việt Nam hiện nay rất nhiều vấn đề bất cập và có thể nói là khoáng sản là một loại tài nguyên mà nó hình thành phải hàng trăm triệu năm mà không tái tạo được. Do đó chúng ta phải có cách quản lý để nó đáp ứng cho yêu cầu phát triển trong nước. Hiện nay chúng tôi quan niệm rằng khoáng sản nó như là một thứ lương thực của công nghiệp, không có khoáng sản thì công nghiệp nhiều ngành không thể phát triển được và các nước mới phát triển đang nổi lên thì họ đang có những chiến lược thu hút về khoáng sản rất là mạnh, họ mua về dùng nhưng mua cả về dự trữ và mua với giá rất cao, trong khi khoáng sản của Việt Nam chúng ta bán giá rất thấp, bán chưa đủ giá, giá bao cấp và như vậy chúng ta có khi còn bao cấp cho cả nước ngoài và chúng ta trở thành những nhà cung ứng rất rẻ tiền về khoáng sản cho một số nước. Tôi ví dụ than hiện nay chúng ta có 2 giá, giá rất bao cấp, nhưng mỗi năm chúng ta xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn than với giá rẻ nên mặt trận này rất phức tạp và như một trận chiến làm thất thoát nhiều tài nguyên khoáng sản và lợi ích của nước ta. Hay như titan là một thứ kim loại rất quý nhưng chúng ta hiện nay cũng xuất khẩu nửa triệu tấn một năm với giá cũng rất rẻ, thậm chí họ xuất lậu ngoài phao số 0, chúng ta cũng không thu được thuế. Như vậy để muốn nói rằng chúng ta cần phải sửa đổi luật và có một chiến lược về khoáng sản 10 năm và tầm nhìn 20 năm để chúng ta xây dựng những chính sách quản lý một cách chặt chẽ.

Ủy ban Kinh tế phân công chúng tôi theo dõi vấn đề này, qua khảo sát một số địa phương chúng tôi có một số khẳng định như sau:

Một, nếu khoáng sản cứ khai thác và xuất khẩu thô thì cạn kiệt khoáng sản rất nhanh và lợi bất cập hại, phá hủy môi trường, phá hủy đất đai, phá hủy hạ tầng và đời sống ở những nơi này không được cải thiện.

Thứ hai, khoáng sản mà cấp phân tán, nhỏ lẻ, biến mỏ to thành mỏ nhỏ và cứ phân tán nhỏ lẻ như thế này thì chúng ta biến mạnh thành yếu và không biến yếu được thành mạnh, không biến nhỏ được thành to và chúng ta cũng không áp dụng được những công nghệ tiến bộ, do đó chúng ta phải điều chỉnh lại và quản lý vấn đề này.

Vấn đề nữa là nếu không tăng thu được và không phân chia nguồn thu một cách hợp lý, chúng ta không tạo được động lực để thu hút các địa phương có khoáng sản vào bảo vệ, khai thác khoáng sản một cách tích cực. Một vấn đề nữa, nếu chủ sở hữu, hiện nay Nhà nước là đại diện về khoáng sản mà không biết thực hiện đầy đủ lợi ích của mình thì các nhóm lợi ích sẽ thực hiện và phân chia với nhau, rất tiêu cực. Vì thế chúng tôi cho rằng trong Điều 30 chúng tôi rất đồng tình phải xây dựng một chiến lược 10 năm và các chính sách về khoáng sản 10 năm và tầm nhìn 20 năm, nếu được trình Quốc hội trong từng giai đoạn là tốt nhất. Trên cơ sở ấy chúng ta tiếp tục sửa đổi các công cụ về quản lý khoáng sản.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi rất đồng tình về vấn đề đổi mới quy hoạch về khoáng sản và phân công thẩm quyền lập quy hoạch khoáng sản. Trong dự thảo hiện nay thì giữ nguyên như luật cũ, tức là bao gồm 2 loại quy hoạch: Quy hoạch về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do Bộ Tài nguyên và môi trường lập. Quy hoạch thứ hai là về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản do các Bộ sản xuất chuyên ngành lập. Cách như vậy hiện nay chúng tôi cho rằng rất hạn chế bởi vì nó không thu về một đầu mối. Bộ Tài nguyên và môi trường là Bộ giúp Chính phủ quản lý tài nguyên khoáng sản, nhưng làm quy hoạch về điều tra, quản lý, về điều tra cơ bản địa chất, cơ bản khoáng sản, khu vực hóa khoáng sản, xây dựng chiến lược về khoáng sản, cấp phép khoáng sản, thanh tra, kiểm tra khoáng sản mà lại không được phân công lập quy hoạch khoáng sản đó là một điều rất không đúng. Do đó các quy hoạch khoáng sản hiện nay là giao cho các Bộ chuyên ngành sản xuất như Bộ Công thương và Bộ xây dựng, hiện nay mới làm được 13 quy hoạch, nhưng trong đó riêng quy hoạch về than không có quy hoạch, không lập quy hoạch về than nên để khai thác than, trong lúc chúng ta đang có nhu cầu chuẩn bị nhập than vẫn cứ sản xuất, xuất khẩu một cách vô tội vạ. Do đó chúng tôi cho rằng, nếu phân công như vậy, mục tiêu, mục đích về khoáng sản không đúng, phân công thẩm quyền không đúng, chúng tôi đồng tính với ý kiến của Ủy ban kinh tế phải có 3 loại quy hoạch khoáng sản:

Một là quy hoạch điều tra cơ bản địa chất khoáng sản do Bộ Tài nguyên và môi trường lập;

Thứ hai quy hoạch chung về quản lý khoáng sản chung của cả nước, cái này khác hẳn mục tiêu, mục đích đối với quy hoạch về sản xuất và phân công cho Bộ Tài nguyên lập là rất đúng; quy hoạch về chế biến sử dụng khoáng sản khai thác chế biến của các ngành sản xuất, các ngành sản xuất lập, có thể Thủ tướng ủy quyền phê duyệt. Chúng tôi cho đổi mới như vậy là phù hợp, thu về một đầu mối.

Vấn đề thứ ba, vấn đề phân cấp và cấp phép, có thể nói sửa đổi luật kỳ này điều chỉnh lại vấn đề phân cấp rất cơ bản, nhưng trong dự thảo luật và trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế đã nêu rất nhiều ý kiến. Chúng tôi cho rằng khi phân cấp cần phải làm rõ khái niệm phân cấp cho địa phương, cấp phép đối với những mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Thế nào là phân tán nhỏ lẻ? Phân tán nhỏ lẻ mà quý hiếm có khi càng cần thiết phải quản lý tập trung để biến nhỏ thành lớn, mới tạo điều kiện chế biến sâu mới phát huy được thế mạnh. Nếu cứ phân tán nhỏ phân cấp cho địa phương, địa phương không có khả năng để xây dựng cơ sở chế biến sâu, không có kết nối được với những cơ sở chế biến sâu cấp phép rất khó. Tôi đề nghị phải cụ thể hóa danh mục ra, Ban soạn thảo cân nhắc để sửa đổi cho phù hợp.

Vấn đề thứ tư là vấn đề tài chính về khoáng sản. Đây là vấn đề hết sức lớn và mới. Trong dự thảo luật có nêu hiện nay nguồn thu về khoáng sản bao gồm: một là tất cả các loại thuế và phí theo quy định của luật; Hai là thuế tài nguyên và môi trường thì hiện nay thu bình quân và áp dụng theo từng loại khoáng sản chung trong cả nước, nhưng không phân biệt được từng mỏ cụ thể trong từng địa phương. Thí dụ titan ở Hà Tĩnh chất lượng khác, titan ở Bình Định chất lượng khác, nhưng không phân biệt được để thu. Trong dự thảo luật lại thu là phí đền bù tài nguyên, môi trường thì phí đền bù tài nguyên, môi trường không có cơ sở nào. Cho nên chúng tôi đề nghị như thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị không nên thu phí đền bù tài nguyên môi trường vì không có cơ sở, mà nên bên cạnh việc đấu giá về tài nguyên, khoáng sản thì khi cấp phép, cấp giấy giao quyền khai thác, sử dụng khoáng sản thì sẽ thu tiền. Như vậy sẽ đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước và nó đúng là Nhà nước là người chủ sở hữu khi giao quyền cho doanh nghiệp khai thác, sử dụng và bán khoáng sản đó thì Nhà nước phải thu cái quyền đó. Nếu như tôi có một cái xe đạp là sở hữu của tôi. Tôi giao cho anh A, anh có quyền bán, anh có quyền sử dụng thế mà ta lại không thu anh A một đồng nào khi ta giao cái xe đạp đó cho anh ta là một điều hết sức phi lí. Cho nên chúng tôi đề nghị là phải thu các doanh nghiệp khi cấp phép giao quyền khai thác khoáng sản. Đấu giá cũng là như thế. Đây thực chất là sự bán mỏ có điều kiện. Nếu chúng ta làm được như thế thì chúng ta lập lại công bằng giữa các doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu, khắc phục được một phần tiêu cực. Như vậy ta phải thiết kế toàn bộ lại hệ thống về định giá, về quy trình trình tự, công khai, minh bạch, công bố, các hình thức cạnh tranh, chào bán để chúng ta có nguồn thu đúng và hạn chế được tiêu cực. Vì thế chúng tôi đề nghị trong dự thảo luật nên sửa đổi theo hướng đó.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan