Góp ý của đại biểu Quốc hội Tống Văn Thoóng – Lai Châu

Thứ Hai 09:20 23-11-2009

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Như chúng ta đã biết thuế là một nguồn thu chủ yếu của Nhà nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thuế cũng là quyền lợi và nghĩa vụ với người dân. Trong dự án Luật thuế nhà, đất lần này nếu chúng ta tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước và thu nhập của người dân, thì chắc chắn chúng ta sẽ phát huy được sức mạnh của các loại thuế nói chung và thuế nhà, đất hôm nay chúng ta thảo luận.

Riêng về nội dung của dự án luật, tên gọi Luật thuế nhà, đất nếu hiểu như vậy thì nhà có rất nhiều loại nhà, đất cũng rất nhiều loại đất. Nhưng trong 13 điều luật lần này nổi lên chủ yếu là nhà ở, đất ở, miễn thuế, giảm thuế và cách tính thuế là chủ yếu. Dựa trên điều luật như vậy tôi xin đề nghị tên gọi của dự án luật nên là thuế nhà ở, đất ở thì phù hợp.

Về cách tính thuế, trong dự thảo Luật thuế nhà, đất chúng ta đưa ra trị giá nhà ở dưới 500 triệu và trên 500 triệu. Cách tính này tôi thấy rất rườm rà, khó thực hiện vì đa số người dân chúng ta xây nhà chủ yếu là thỏa thuận, xây dựng trước, xây sau, yếu tố trượt giá và cách tính này phải mất nhiều người, nhiều thời gian, lực lượng tính thuế phải có trình độ chuyên môn cao, có tinh thần trách nhiệm, khách quan, dân chủ. Nhưng cách tính này chúng ta cũng thấy rất dễ xuất hiện những tiêu cực nảy sinh, xin cho, thông đồng với nhau để cách tính làm sao dưới 500 triệu hoặc trên 500 triệu, như vậy cách tính này khi vào thực tiễn có thể khó khăn, phức tạp. Tôi xin đề nghị chúng ta nên áp vào cách tính là lấy cấp nhà, tức là hiện nay đối với nhà cấp 4, cấp 3, cấp 2, cấp 1 thì gần gũi với đa số người dân chúng ta và dễ hiểu, lấy cấp nhà nhân với diện tích xây dựng và nhân với biểu thuế suất 0,03 chẳng hạn như hiện nay chúng ta đang dự kiến trong dự thảo. Nếu làm như cách tính này chúng ta thấy đơn giản, dễ hiểu, minh bạch và công khai, ai cũng biết nhà anh mấy tầng, nhà cấp gì, trong khối phố, xóm làng cũng vậy, thực hiện kiểm tra giám sát lẫn nhau.

Nếu một người dân có nhiều nhà thì cách tính của chúng ta cũng như vậy, nhà thứ hai trở đi chúng ta cũng chỉ nhân theo hệ số, nhà thứ 2 trở đi chúng ta thống nhất cách tính lấy cấp nhà nhân diện tích và nhân với biểu thuế, còn lại nhà thứ 2, thứ 3 và nhiều nhà thì chúng ta cũng nên là theo hệ số. Như vậy nó có thể phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta. Còn về đất ở thì tôi nhất trí với việc thảo luận, nhưng tôi đề nghị chúng ta bàn và xem kỹ như thế nào là đất hạn mức, nhiều tỉnh thành, nhiều nguồn gốc đất khác nhau. Đất được cấp, đất mua, đất chuyển nhượng và đất từ xa xưa ông cha để lại và có diện tích khác nhau. Vì vậy nếu chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tính ra đất hạng mức để chịu thuế thì cũng chưa công bằng. Chúng ta nên chăng phải tính là m2, đất đô thị, đất nông thôn tính ra m2, mỗi loại đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được bao nhiêu m2 là đất hạn mức để chịu thuế, ví dụ 120m2 chẳng hạn. Còn ngoài ra phải chịu hệ số theo cấp số nhân, gấp rưỡi, gấp đôi và cao lên. Còn những đất khác trong này đề cập, cơi nới, các loại đất khác thì có lẽ chúng ta để các luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác để quy định và điều chỉnh những loại đất đó. Tôi xin phát biểu 2 ý như vậy, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan