Góp ý của đại biểu Quốc hội Lê Dũng – Tiền Giang

Thứ Hai 09:21 23-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Cùng với quy định thu thuế đất dự thảo luật lần này có quy định thu thuế nhà, đây là chính sách thuế mới, nghiên cứu nội dung của dự thảo luật và dự thảo của nghị định Chính phủ, tôi thấy tuy còn nhiều việc phải bàn nhưng mục tiêu của việc thu thuế nhà của dự luật không phải nhằm huy động sự đóng góp của người có nhà ở bình thường không tác động gì mấy đối với người chỉ có một nhà, chỉ có những người có nhà to, có nhiều nhà có ảnh hưởng, nhưng theo dự thảo luật thì sự điều tiết này cũng không nhiều. Do vậy tôi hoàn toàn ủng hộ việc thu thuế đối với đất ở và nhà ở để đạt các mục tiêu yêu cầu xây dựng Luật thuế nhà, đất như Tờ trình của Chính phủ và đúng tinh thần Nghị quyết số 21 ngày 30 tháng 1 năm 2008 của Ban chấp hành trung ương Đảng Khóa X. Về nội dung của dự thảo luật tôi xin tham gia ý kiến một số vấn đề cụ thể như sau:

Về thuế xuất đối với đất, tôi thấy quy định mức thuế xuất của đối tượng vượt hạn mức còn quá thấp, chưa đủ để hạn chế đầu cơ đất và khuyến khích sử dụng tiết kiệm đất. Đặc biệt là đối với đất bỏ hoang, đất quá hạn chưa đưa vào sử dụng, đất sử dụng sai mục đích.. Tôi đề nghị quy định mức thuế cho các đối tượng này phải cao hơn dự thảo. Đối với thuế đất ở của nhà nhiều tầng, quy định tổng cộng hệ số tầng để thu thuế bằng một, tôi thấy như vậy là chưa hợp lý, vì nhà nhiều tầng phải sử đụng đất cụ thể là phần ngầm nhiều hơn nhà ít tầng. Do vậy đề nghị phải có tổng số hệ số tầng để tính thuế hơn một.

Hai, về thuế suất, thuế nhà. Tôi thấy 3 phương án của Chính phủ trình tại Dự thảo luật và những nội dung được làm rõ thêm ở Dự thảo Nghị định là chưa khả thi lắm, trong đó việc lấy giá trị nhà làm căn cứ tính thuế, theo tôi có nhiều điểm hạn chế. Cụ thể theo phương án này, nếu người xây dựng nhà ở có diện tích đất lớn, với giá trị nhà dưới 500 triệu đồng sẽ không phải nộp thuế, trái lại người xây dựng đất nhỏ, nhưng có giá trị trên 500 triệu đồng thì phải nộp thuế. Như vậy không khuyến khích mọi người tiết kiệm đất trong xây dựng nhà. Quy định nhà ở có giá trị tính thuế từ 500 triệu trở lên sẽ phát sinh việc thu xếp sao cho nhà ở không đến biên độ 500 triệu đồng để khỏi phải nộp thuế, có thể nhiều việc phức tạp, tiêu cực sẽ phát sinh từ đây. Giá tính thuế là đơn giá xây dựng nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, như vậy sẽ không thống nhất và dễ dẫn đến tuỳ nghi ở mọi địa phương. Lấy giá trị 500 triệu đồng để tính thuế có thể thấy ngay người có nhà to phải nộp thuế và ngược lại, như vậy sẽ không khuyến khích người ta làm nhà to, nhà đẹp mà sẽ khuyến khích người ta xây dựng nhà dưới 500 triệu đồng để khỏi nộp thuế, đó quả là điều nghịch lý. Giá để tính thuế đối với nhà được xác định là tỷ lệ của đơn giá xây dựng theo cấp nhà trên toàn bộ diện tích sàn xây dựng nhà ở, không phân biệt nhà trệt hay nhà tầng, đều có giá tính thuế như nhau, như vậy không khuyến khích nhà tầng. Mặt khác tôi nghĩ giá trị vị thế địa lý không chỉ có với đất, mà cả đối với nhà nữa, do vậy dù đơn giá xây dựng nhà để tính thuế theo quy định có sự chênh lệch ở nông thôn so với thành thị nhưng chắc chắn giá trị xây dựng của nhà sẽ không thể bằng sự chênh lệch giá trị sử dụng của nhà theo vị thế địa lý của nhà ở nông thôn với thành phố, trong ngõ ngách so với mặt tiền, giữa phố bình thường với nơi đắc địa. Vậy nếu quy định Luật thuế như nhau là không công bằng. Tóm lại quy định thuế suất như 3 phương án của dự thảo là chưa hợp lý. Trong thực tế sẽ không thống nhất, phức tạp, không công bằng và không tiết kiệm đất. Tôi đề nghị nên nghiên cứu có thêm nhiều phương án nữa đối với thuế suất nhà để lấy ý kiến đại biểu chọn ra phương án tối ưu. Riêng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng phương án thuế suất đối với nhà ở tính theo diện tích. Trong đó trước hết có quy định hạn mức hợp lý, diện tích nhà ở không phải chịu thuế cho từng hộ, theo từng khu vực, theo loại đô thị hoặc nông thôn. Phần diện tích nhà quá hạn mức thì sẽ thu thuế. Hạn mức diện tích nhà ở không chịu thuế cũng cần cân nhắc, nên tính theo hộ hay theo khẩu để chọn ra cách tính tối ưu đồng thời thuế suất có tính tỷ lệ, hệ số giá trị lợi thế địa lý của nơi xây dựng nhà và hệ số phân bổ tầng hợp lý. Tôi nghĩ thu như vậy sẽ thống nhất, đơn giản, công bằng, dễ thực hiện và người trong một nhà sẽ không phải đóng thuế hoặc đóng thuế thì cũng không là bao. Như vậy là phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Ba là về đối tượng chịu thuế, đối với đất từ đường, đất nhà thờ họ tôi đồng ý không thu thuế, nhưng phải xác định rõ thế nào là nhà thờ họ, và phải có quy định hạn mức thống nhất đất không thu thuế, vượt quá mức thì phải thu. Đất tôn giáo cũng rất đa dạng, chỉ nên quy định không thu thuế đối với đất cho cơ sở thờ tự, đất cho trụ sở, cho truờng đào tạo của tôn giáo. Nhưng không thể quy định không thu thuế đối với nhà ở, đất cát cơ sở khác của tôn giáo.

Bốn, về miễn giảm thuế tôi đề nghị đưa đối tượng anh hùng lực lượng vũ trang vào đối tượng miễn thuế để vừa thể hiện chính sách, vừa là sự tôn vinh đối với đối tượng này và cả nước cũng không có nhiều anh hùng lực lượng vũ trang. Quy định giảm thuế cho thân nhân liệt sỹ không được hưởng trợ cấp hàng tháng là không rõ. Vì thân nhân liệt sỹ không được hưởng trợ cấp hàng tháng có cả ông, bà, anh, chị, em, con, cháu và cả chắt, như vậy quá rộng. Tôi đề nghị chỉ giảm thuế nhà, đất cho con liệt sỹ và đề nghị cũng giảm thuế cho người thờ cúng liệt sỹ.

Về đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa văn hóa, thể thao cần quy định rõ hơn, như đất của sân golf có phải xã hội hóa thể thao không, có miễn thuế không? Cần phải quy định rõ ràng trong luật.

Về các vấn đề khác, trong dự thảo luật có quy định về việc miễn, giảm thuế các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ, tôi đề nghị quy định rõ tất cả trong luật. Tôi thấy nhiều nội dung quy định cụ thể về thuế đất ở đã được tổng kết được đưa vào dự thảo nghị định của Chính phủ rất rõ ràng, khả thi, tôi đề nghị đưa các nội dung này vào luật để luật rõ ràng, cụ thể, dễ thực hiện khi được Quốc hội xem xét, thông qua. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan