Góp ý của Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung – Nghệ An

Thứ Hai 10:37 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có 3 ý kiến về dự án Luật kiểm toán độc lập đó là: đối tượng được kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán và kiểm soát hoạt động kiểm toán.

Vấn đề thứ nhất, đối tượng được kiểm toán. Cùng với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, vấn đề công khai, minh bạch thông tin tài chính là rất cần thiết. Đặc biệt tới đây khi các doanh nghiệp Việt Nam có ý định niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế thì mức độ minh bạch đòi hỏi cao hơn nhiều. Tuy nhiên, trong dự án Luật kiểm toán độc lập quy định về đối tượng được kiểm toán tại Điều 43 hầu như chưa có gì thay đổi so với Nghị định 105, đặc biệt chưa nhấn mạnh tới yếu tố quy mô của doanh nghiệp và mức độ ảnh hưởng tới xã hội phải bắt buộc kiểm toán, mà chỉ nhấn mạnh tới yếu tố chủ sở hữu là nhà nước hoặc nước ngoài. Theo tôi cần phải đưa thêm vào đối tượng kiểm toán như sau:

Một, là nên áp dụng kiểm toán bắt buộc với các doanh nghiệp hoạt trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện để hạn chế các doanh nghiệp không đủ minh bạch tài chính hoạt động trong các lĩnh vực có điều kiện hoặc đấu thầu các dự án trong các ngành nghề đặc biệt có sự bảo hộ của nhà nước như ngành thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên, kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu, phân phối v.v....

Hai, là nên áp dụng kiểm toán bắt buộc đối với các công ty tư nhân trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay hầu hết các công ty tư nhân ở Việt Nam đều là công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần, do vậy mức độ cộng hưởng của các doanh nghiệp này với xã hội rất lớn. Tuy nhiên, thực tế các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, sử dụng hàng ngàn nhân công không bắt buộc phải kiểm toán. Do vậy, khi doanh nghiệp trốn thuế hay lâm vào tình trạng phá sản, nợ bảo hiểm, nợ xấu, nợ lương cán bộ công nhân viên, nhưng các cơ quan hữu quan không thể biết trước được tình hình và có thể phải chịu trách nhiệm xã hội thay cho các doanh nghiệp này.

Mặt khác, hiện nay Việt Nam đang có khoảng trên 400 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 94% trong tổng số các loại hình doanh nghiệp. Do vậy, nếu toàn bộ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần được kiểm soát thì con số này cũng chỉ 5% đến 6% tổng số các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Do vậy, chúng ta cũng cần có lộ trình bắt buộc kiểm toán đối với các công ty vừa và nhỏ để kiểm soát 94% doanh nghiệp này. Điều này đã được thực hiện ở hầu hết các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và ở các nước tiên tiến như: Anh, Mỹ, Úc các nước Châu Âu. Trước hết, tôi đề nghị nên bổ sung thêm đối tượng kiểm toán bắt buộc là các doanh nghiệp lớn và vừa, điều đó cũng phù hợp với khả năng đáp ứng của ngành kiểm toán trong thời gian tới.

Ba, nên áp dụng kiểm toán bắt buộc đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư ra nước ngoài để tránh chuyển tiền hoặc đầu tư ra nước ngoài trái pháp luật. Việc mở rộng đối tượng kiểm toán nói trên tôi cho là phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của việc xây dựng dự án luật mà trong Tờ trình Chính phủ đã đề cập đến. Đó là tăng cường đối tượng kiểm toán theo luật định, đặc biệt là các đơn vị có lợi ích công chúng, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, Nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mặt khác, điều đó cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường dịch vụ kiểm toán, tăng cường các công việc cho các doanh nghiệp kiểm toán, phân khúc các doanh nghiệp kiểm toán và tạo đà phát triển cho ngành kiểm toán Việt Nam.

Vấn đề thứ hai, đó là doanh nghiệp kiểm toán. Dự thảo luật quy định doanh nghiệp kiểm toán được thành lập và hoạt động theo các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Tôi thống nhất với Chính phủ quy định thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh kiểm toán phải là cá nhân, điều đó đồng nghĩa là tổ chức không thể là thành viên của các công ty kiểm toán này bởi vì:

Thứ nhất, là tổ chức có thể chi phối công ty kiểm toán là công ty do mình thành lập ra do vậy sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh không minh bạch.

Thứ hai, trong trường hợp tổ chức chiếm tỷ trọng lớn có thể ảnh hưởng tới các quyết định của doanh nghiệp kiểm toán và không có hiệp hội nào có thể kiểm soát được các tổ chức bởi vì họ không phải là thành viên của hiệp hội và không phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và các quy tắc của hiệp hội.

Thứ ba, tạo điều kiện cho các cá nhân đứng ra thành lập doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các họat động của mình, phát triển nguồn nhân lực cho ngành kiểm toán từ chính các kiểm toán viên chứ không phải từ các công ty và các tổ chức nước ngoài.

Thứ tư, theo thông lệ quốc tế thì các tổ chức hầu như không được phép thành lập doanh nghiệp kiểm toán mà thường là các cá nhân với các chứng chỉ nghề nghiệp và hành nghề. Bởi chính đặc điểm nghề nghiệp là ngoài các công ty phải chịu trách nhiệm về báo cáo tại kiểm toán, thì các cá nhân ký báo cáo kiểm toán cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng mà mình đã thực hiện cũng như các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, về doanh nghiệp kiểm toán, tôi đề nghị nghiên cứu thêm các nội dung sau.

Một là về điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán. Điều 21, Khoản 1, Điểm b quy định có ít nhất 5 kiểm toán viên đã có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên. Theo Báo cáo của Chính phủ tính đến tháng 6 năm 2010 cả nước có 1800 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên, nhưng số lượng kiểm toán viên làm việc tại các công ty kiểm toán là chỉ khoảng 1200 người. Chúng ta có 156 doanh nghiệp kiểm toán, số lượng công ty chỉ có tối thiểu 3 kiểm toán viên hành nghề theo quy định hiện hành có xu hướng giảm dần nhưng vẫn đang chiếm khoảng trên 30% tổng số các doanh nghiệp kiểm toán. Báo cáo của Chính phủ cũng nêu thêm trong những năm qua thường có trên 10 công ty được thành lập, nhưng sau đó không đủ điều kiện hoạt động do không đủ 3 kiểm toán viên. Như vậy việc dự thảo nâng điều kiện từ 3 lên 5 kiểm toán viên là không phù hợp với thực tiễn, không khả thi và làm khó các doanh nghiệp kiểm toán tồn tại và phát triển. Chính vì vậy tôi đề nghị giữ nguyên như điều kiện hiện hành.

Hai là, Khoản 5, Điều 69 quy định các doanh nghiệp kiểm toán là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật từ trước luật này có hiệu lực, được phép hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho đến hết thời hạn theo giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư. Tôi đề nghị dự thảo luật nên quy định lộ trình chuyển đổi của các công ty này thành một trong các hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp doanh hoặc là doanh nghiệp tư nhân để đảm bảo tính nhất quán của luật, đồng thời tạo điều kiện cho các kiểm toán viên Việt Nam phát triển nghề nghiệp độc lập mà không hoạt động dựa vào các tổ chức nước ngoài như hiện nay.

Vấn đề thứ ba, kiểm soát chất lượng kiểm toán. Để kiểm soát chất lượng kiểm toán theo tôi chúng ta nên nghiên cứu thêm 2 nội dung sau: thứ nhất, nên thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát hoạt động kiểm toán. Hiện nay trách nhiệm kiểm tra hoạt động kiểm toán độc lập được giao cho Bộ Tài chính, nhưng trên thực tế việc kiểm tra gần 10 năm qua nhằm vào thủ tục hành chính là chủ yếu, mang tính tư vấn cho đơn vị kiểm tra, chưa xử lý kỷ luật người làm sai. Việc đình chỉ hành nghề kiểm toán hay thu hồi chứng chỉ cũng chưa được làm đúng mức đối với kiểm toán Nhà nước. Luật kiểm toán Nhà nước không đặt ra vấn đề kiểm tra hoạt động của các cuộc kiểm toán Nhà nước, vì coi đây là cơ quan kiểm toán cao nhất, không ai có thể kiểm tra được họ nữa. Để đảm bảo chất lượng cho hoạt động kiểm toán, tránh các trường hợp vi phạm như Vinashin tôi đề nghị nên nghiên cứu việc thành lập một cơ quan độc lập để kiểm soát hoạt động kiểm toán, bao gồm cả kiểm toán độc lập và kiểm toán Nhà nước.

 

Hai là nên tăng cường giám sát kiểm toán bằng chính việc soát xét của xã hội, bằng cách yêu cầu thuyết minh giá phí kiểm toán ở báo cáo tài chính được kiểm toán. Đề nghị bổ sung vào Điều 50 của dự thảo luật yêu cầu các báo cáo tài chính phải đưa ra giá phí kiểm toán và các mức phí khác mà công ty kiểm toán đã tính phí doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp cho người đọc báo cáo tài chính có thể đánh giá được mức độ và chất lượng kiểm toán qua mức độ phí. Khi mức phí thấp trên tương quan mức độ phức tạp của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể dễ dàng đánh giá được cả doanh nghiệp được kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán. Điều đó sẽ giúp xã hội từ từ loại bỏ được các báo cáo kiểm toán không có chất lượng do giảm giá phí và cũng giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm toán phát triển một cách lành mạnh bằng việc giảm chịu sự không công bằng, do sự cạnh tranh về giảm giá phí. Nhiều nước trên thế giới cũng đã liệt kê giá phí kiểm toán trong báo cáo tài chính như là Anh, Mỹ, Úc và các nước trong khu vực như Singapo, Malaixia, Thái Lan. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan