Góp ý của Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm – Thái Bình
Thưa Đoàn chủ tịch.
Thưa Quốc hội.
Tôi đồng tình rất nhiều nội dung của Ban soạn thảo cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế, tôi chỉ xin phát biểu những vấn đề khác nhau trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế.
Về vấn đề chung có hai nội dung, một là tên gọi, tôi đồng tình với tên gọi thứ hai mà Ban dự thảo trình bày, nếu như đặt tên gọi thứ nhất là kiểm toán độc lập thì nó rất dễ người ta hiểu nhầm kiểm toán Nhà nước và kiểm toán nội bộ của chúng ta là không độc lập. Hơn thế nữa là những qui định trong dự thảo lần này nó mang nhiều tính chất về dịch vụ kiểm toán và nó tập trung vào lĩnh vực kiểm toán tư. Cho nên gọi như thẩm định của Ban dự thảo ở phần thứ nhất chọn thì tôi cho nó không rõ ràng, nó không minh bạch và thứ hai nó lòng vòng, chúng ta đưa ra giải thích một hồi rồi mới đến được nội dung thì theo tôi vì thời gian đây mới là tham gia lần đầu. Cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo và tiếp tục chọn một tên nó thích hợp nó sát với nghĩa nội dung những điều, khoản chúng ta qui định, nó vừa hợp với thông lệ quốc tế và nó đỡ phải giải thích lòng vòng khi chúng ta triển khai.
Vấn đề thứ hai là phạm vi áp dụng, có hai nội dung là đưa hay không đưa tổ chức nghề nghiệp vào luật này, vì chúng ta đều biết rằng thế giới người ta làm rất rõ, cơ quan Nhà nước người ta làm quản lý Nhà nước gồm cả kế hoạch, quy hoạch, cơ chế, chính sách v.v... còn tổ chức nghề nghiệp thì người ta làm những dịch vụ về nghề nghiệp, đấy là xu hướng chung của thế giới.
Còn của chúng ta thời gian qua vì kiểm toán tuy là làm rất lâu gần 19, 20 năm rồi nhưng mà hoạt động thực chất của nó chỉ mấy năm nay và hơn thế nữa tổ chức nghề nghiệp chúng ta là Hội kiểm toán mới thành lập và trong hoạt động đấy nó cũng mang cả nội dung của quản lý Nhà nước, nó cũng tham gia vào một số nội dung của quản lý Nhà nước, nó cũng tham gia vào một số nội dung của quản lý Nhà nước. Cho nên, tôi thấy rằng việc chúng ta làm luật lần này để có khả năng chi phối, có khả năng điều chỉnh được tất cả các hoạt động liên quan đến kiểm toán của dịch vụ kiểm toán thì theo quan điểm của tôi nên đưa tổ chức nghề nghiệp vào luật này để khi nào tổ chức nghề nghiệp của chúng ta đủ năng lực, đủ điều kiện để thực hiện những dịch vụ của mình như các nước hoặc sau này chúng ta có luật về hội, có quy định cụ thể thì chúng ta sẽ sửa đổi luật này và tách những nội dung ấy ra cho các luật khác chi phối. Đấy là 2 vấn đề chung. Còn vấn đề cụ thể, tôi xin tham gia 3 vấn đề cụ thể.
Thứ nhất là quản lý Nhà nước về kiểm toán và tổ chức ngành nghề kiểm toán, trong này có 2 nội dung mà trong dự thảo còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc nó có đổi mới so với trước.
Một là giao cho Bộ Tài chính quy định việc tổ chức thi, cấp, thu hồi, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên, đấy là một nội dung mới, nội dung mà tôi cho cái này cũng là vấn đề phải tỏ thái độ một cách rõ ràng thì như trên tôi phân tích hiện nay các tổ chức nghề nghiệp của chúng ta chưa đảm nhiệm được vấn đề này, trước mắt trong luật này, chúng tôi đề nghị giao cho Bộ Tài chính làm động tác này là hợp lý. Vì thế giới người ta cũng có 2 loại hình làm, các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Nhật sang Singapo thì người ta giao cái này cho Hội nghề nghiệp, nhưng chúng ta thì Hội nghề nghiệp có giao cũng chưa làm được vì người cũng ít, kinh nghiệm chưa có, kinh phí còn hạn chế, các điều kiện hoạt động còn hạn chế. Cho nên, trước mắt là thời kỳ này, chắc khoảng 5 -7 năm nữa luật này mới được sửa đổi, giao như thế là hợp lý.
Nội dung thứ hai, việc cấp, đình chỉ thu hồi giấy phép hoạt động của các chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán, của các đại diện doanh nghiệp kiểm toán giao cho Bộ Tài chính hay cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo quan điểm của tôi là giao cho Bộ Tài chính là hợp lý. Đây là một lĩnh vực chuyên ngành, việc quản lý đảm bảo trách nhiệm hoạt động, ngành nào có chuyên sâu có trách nhiệm theo dõi đến cùng và có điều kiện nên đảm nhận thì có chất lượng hơn, có hiệu quả hơn.
Thứ hai, những điều kiện để chúng ta quản lý có hiệu quả hoạt động kiểm toán trong tình hình hiện nay cũng có hai loại:
Một, hoạt động kiểm toán tuy lâu nhưng hoạt động với thông lệ quốc tế giải quyết một cách rõ ràng, có nội dung, chúng ta mới làm nên có chặt chẽ, dần tiến tới với thông lệ quốc tế, sau đó khi điều kiện phát triển cho phép chúng ta nới dần, mở rộng dần.
Chính vì lẽ đó nên tôi rất đồng tình với nhận xét của Ban soạn thảo là về tình hình hiện nay hoạt động của kiểm toán còn rất hạn chế, quy mô và chất lượng còn thấp, hệ thống tổ chức và kiểm toán viên có một số còn bất cập, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, kinh tế đang chuyển đổi v.v... còn có những cái chưa được đồng bộ. Quan điểm của tôi đồng tình với những quy định trong này nên chặt trước, lỏng sau, thận trọng trước và mở rộng sau.
Với lập luận đó tôi rất tán thành là chưa cho phép kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân. Kiểm toán viên cho một đơn vị thì không được quá 3 năm liên tục của khóa 3 năm tài chính ấy và kiểm toán viên đã hành nghề ở Việt Nam thì ít nhất có 36 tháng hành nghề; Tất cả những kiểm toán viên hành nghề ở Việt Nam phải có chứng chỉ thi bằng tiếng Việt, kể cả của người nước ngoài. Chúng ta có một số cái đang thiếu, yếu để cần khai thác khả năng, điều kiện, kinh nghiệm nước ngoài thì chúng ta dùng những công cụ khác, dùng những biện pháp khác, chúng ta không nên đánh đổi, không nên hạ thấp tiêu chuẩn và làm mất bình đẳng giữa luật pháp chúng ta với luật pháp quốc tế.
Địa vị pháp lý của báo cáo kiểm toán, tôi đề nghị phải xác định rõ địa vị pháp lý của báo cáo kiểm toán và phân biệt rõ giữa báo cáo kiểm toán, kết quả thanh tra để cho có phân biệt. Kiểm toán ấy phải có cơ sở để chúng ta làm tiêu chuẩn cho hoạt động của thị trường, ví dụ bán cổ phiếu, cổ phần tham gia thị trường chứng khoán, các thị trường vốn, báo cáo kiểm toán đã ký vào đây rồi như là một chứng chỉ công nhận cho người ta hoạt động trên các thị trường và phải đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và những người tham gia, nếu sai thì các cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Việc kiểm toán bắt buộc thì tùy trình độ, điều kiện, khả năng của chúng ta để chúng ta mở rộng hay thu hẹp.
Trong tình hình hiện nay con người, bộ máy, kinh nghiệm và chất lượng kiểm toán của chúng ta còn rất thấp. Cho nên việc đòi hỏi kiểm toán bắt buộc tất cả là không thực thi. Theo thông báo bây giờ nếu cứ chẻ ra những đơn vị đã có mà những đơn vị được tổ chức kiểm toán thì rất lâu chúng ta mới vòng được một lần kiểm toán. Cho nên việc chọn kiểm toán bắt buộc đối với mỗi đơn vị tùy thuộc và khả năng này theo tôi cũng một tư tưởng nhất quán là chúng ta năng lực đến đâu, điều kiện đến đâu hoặc chúng ta cố gắng vươn lên đến đâu thì chúng ta quy định đến đấy, đảm bảo chất lượng kiểm toán của chúng ta làm an tâm cho dân chúng, làm an tâm cho nhà đầu tư và an tâm cho doanh nghiệp, cũng là an tâm cho nhà đầu tư nước ngoài. Tôi xin phát biểu một số nội dung mang tính chất định hướng vì đây mới là tham gia lần đầu, tất nhiên khi chúng ta đã giải quyết được những vấn đề này rõ và thể hiện bằng những điều khoản thì lần sau chúng ta sẽ có dịp tham gia kỹ hơn, chi tiết hơn và trúng hơn. Xin hết.