Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý – Nghệ An

Thứ Tư 14:45 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi thấy Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất công phu, thời gian từ kỳ trước đến kỳ này mà thêm được 4 chương mới, 101 điều mới và có nhiều cơ chế để giải quyết những vấn đề hiện nay đưa ra trong báo cáo, tôi thấy rất công phu và có chất lượng. Tôi xin có ý kiến về một vấn đề ở Điều 228, Điều 229 về cơ chế xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trước hết, tôi tán thành với quan điểm cho rằng đây là cố gắng lớn của Ban soạn thảo cũng như Ủy ban Tư pháp trong việc tìm ra được giải pháp để khắc phục tình trạng oan sai hiện nay trong thực tế tố tụng của chúng ta, tất nhiên tôi thấy có một số nội dung quy định trong điều này chưa phù hợp, cụ thể như sau.

Vấn đề thứ nhất, Khoản 1, Điều 228 quy định: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Như vậy là quyền kiến nghị hay quyền kháng nghị, nếu chúng ta quy định quyền kiến nghị thì tôi đề nghị xem lại, nếu là quyền kiến nghị thì căn cứ vào đâu, thời hạn của quyền kiến nghị như thế  nào. Báo cáo các đồng chí, Điều 207 quy định về thời hạn, Điều 211 cũng quy định hai thời hạn, đó là thời hạn 1 năm, thời hạn 2 năm, trong trường hợp nếu như người có thẩm quyền xem xét lại kháng nghị thì có quyền kháng nghị không tuân theo quy định tại Khoản 1, Điều 207, tức là không có thời hạn, như vậy thì quyền kiến nghị quy định tại Điều 208 cũng không có cơ sở về mặt thời hạn.

Vấn đề thứ hai, tôi không hiểu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao mà kiến nghị xem xét lại thì căn cứ vào quy định nào của luật nội dung của luật thẩm quyền, đấy là Luật tổ chức Tòa án nhân dân tối cao và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Vì, trong 2 luật này không quy định thẩm quyền cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, mà chỉ có kháng nghị. Báo cáo quý vị, ở Điều 21, Điều 22, Điều 25 đều quy định như vậy. Điều 25 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân tối cao quy định: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây. Trong 12 nhiệm vụ, quyền hạn thì nhiệm vụ, quyền hạn thứ ba tức là kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật tố tụng. Như vậy không có quyền kiến nghị như chúng ta nói ở đây. Nếu như giải quyết vấn đề này thì phải giải quyết đồng bộ, nhưng tôi không thấy có sự sửa đổi, bổ sung và không thấy có sự giải trình về vấn đề này.

Một vấn đề nữa, ở đây, báo cáo với Quốc hội, chúng ta biết đây là giải pháp, đây là cơ chế mới, nhưng đây cũng là một giải pháp tình thế để khắc phục tình trạng hiện nay. Mà giải pháp này tôi nhất trí như ý kiến của đồng chí Trần Thế Vượng và các đồng chí trước đã nói tức là giải pháp này chủ yếu hiện nay chúng ta muốn áp dụng vào trong thực tiễn khắc phục tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự, còn trong tố tụng hành chính thì hoàn toàn chúng ta chưa có thực tiễn. Do đó trong Báo cáo tiếp thu, giải trình cũng nói rằng trên cơ sở thực hiện pháp luật về tố tụng dân sự, hình sự thì chúng ta mới đưa cơ chế này. Nhưng tôi thấy bây giờ nếu nói như vậy thì vấn đề quy định trong luật này thì cơ chế này đã phù hợp chưa? Đã có đủ cơ sở để chúng tôi đưa vào quy định ở đây chưa? Với một vấn đề nữa là sự đồng bộ giữa các quy định pháp luật hiện nay, nhất là quy định của pháp luật về tổ chức, về tố tụng hiện nay không đồng bộ, nên chúng ta quy định trong tố tụng như thế này thì Chánh án, Viện kiểm sát chưa thể thực hiện được vì bản thân nhiệm vụ, quyền hạn của họ trong Luật tổ chức không quy định, chỉ quy định thực hiện quyền kháng nghị theo quy định pháp luật về tố tụng chứ không nói là thực hiện quyền quyết định theo quy định của pháp luật tố tụng. Do đó, để cho đồng bộ và đầy đủ cơ sở thuyết phục, tôi đề nghị Quốc hội giao lại vấn đề này cho cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu và sửa đồng bộ. Khi mà chúng ta sửa các luật về tổ chức Tòa án, tổ chức kiểm sát, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và lúc ấy có thể ta áp dụng luôn trong tố tụng hành chính thì chúng ta cũng sửa luôn. Theo tôi bây giờ để khắc phục tình trạng hiện nay có thì tôi thấy chưa đủ cơ sở. Xin cảm ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan