Góp ý của đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Bình – Tuyên Quang

Thứ Ba 09:24 22-06-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Kinh tế thị trường mang lại nhiều cơ hội cho nhiều người tiêu dùng nhưng cũng nảy sinh nhiều hành vi vi phạm quyền lợi của họ. Trong khi đó, các quy định của pháp luật hiện hành còn rất nhiều bất cập, gây khó khăn trong quá trình phát hiện và xử lý các vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Thực trạng hiện nay cho thấy các vụ vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng. Thực tế, quyền của người tiêu dùng đang bị xâm hại nghiêm trọng bằng đủ các thủ đoạn như hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng mà chưa được pháp luật nghiêm trị. Những con số về hàng giả, hàng kém chất lượng những năm gần đây đủ cho chúng ta thấy sự việc đã trở nên hết sức nghiêm trọng. Trước tình hình đó, cần phải có những chính sách pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, đảm bảo sự công bằng xã hội.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời là sự mong mỏi bức thiết của người tiêu dùng, Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng khi xây dựng được 8 chương, 66 điều. Tuy nhiên, khi nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy còn chung chung, dài dòng, có chỗ khó hiểu, khó thực hiện, các điều khoản còn trùng lặp nhau, rất khó cho người tiêu dùng có thể thực hiện được quyền lợi của mình. Nếu có thực hiện được cũng rất khó khăn, có những điều khoản đã được quy định trong luật khác nên không cần thiết đưa vào luật này. Tôi xin nêu một số điều khoản cụ thể sau:

Tại Điều 5, quyền của người tiêu dùng. Trên thực tế, ở miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, họ có rất ít thông tin về sản phẩm của mình sử dụng và việc chọn lựa theo nhu cầu còn hạn chế. Do vậy, việc phản ánh, góp ý, yêu cầu bồi thường khi sản phẩm mua về sử dụng không an toàn là một việc rất khó. Từ thực tế trên, tôi đề nghị luật quy định thật rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, ban quản lý chợ phải có nhiều biện pháp bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thông tin thường xuyên tới người tiêu dùng sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Tôi đề nghị gộp Điều 11 "hành vi lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng", Điều 12 "hành vi quấy rối người tiêu dùng", Điều 13 "hành vi ép buộc người tiêu dùng" thành một điều là các hành vi bị cấm vì cả 3 điều này đều quy định các hành vi tổ chức, cá nhân kinh doanh không được làm.

Điều 23 "trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật", ở Khoản 2, "tổ chức cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thông báo công khai về hàng hóa và việc thu hồi hàng hóa khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, đe dọa gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người tiêu dùng thì ít nhất phải đăng 5 số báo liên tiếp trên báo hàng ngày của Trung ương hoặc phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình Trung ương 5 lần trong 5 ngày liên tiếp". Với nội dung các Điểm a, b, c, d theo tôi đây chỉ áp dụng cho các tổ chức cá nhân kinh doanh lớn với phạm vi rộng trên cả nước. Vậy còn kinh doanh với phạm vi nhỏ huyện tỉnh thì sao? Tôi đề nghị cần quy định rõ cụ thể hơn đối với các tuyến, xã, phường, thị trấn, tỉnh có như vậy người tiêu dùng mới nắm bắt hết được thông tin hàng hóa mình sử dụng.

Điều 24, "trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra". Tôi đề nghị bỏ Điểm d Khoản 2, từ Khoản 1 và các Điểm a, b, c, d của Khoản 2 đã nêu đầy đủ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa gây ra.

Chương V, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần quy định thật cụ thể ở các Điều 26, 27, 28. Tổ chức nào bảo vệ cho quyền lợi của người tiêu dùng, vì tổ chức này rất quan trọng, có vai trò quyết định trong việc người tiêu dùng có được bảo vệ quyền lợi hay không? Quy định như trong dự thảo Luật còn quá chung chung, không thể thể hiện rõ được quyền hạn của tổ chức này, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thể làm chức năng này. Tôi đề nghị nên giao quyền khởi kiện đối với tổ chức cá nhân trong trường hợp có hành vi gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ Chương IV Mục 1 thương lượng, Mục 2 hòa giải, Mục 3 chọn tòa, Mục 4 giải quyết tranh chấp tại tòa. Vì những điều khoản này cũng đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo tôi Luật này cần phải nghiên cứu kỹ sát với thực tế để luật có tính khả thi có có chế tài để thực hiện, đủ sức răn đe giáo dục đối với tổ chức cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan