Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Quý Tỵ – Bình Dương

Thứ Ba 09:36 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin có mấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:

Ý kiến thứ nhất, về tổ chức bảo vệ người tiêu dùng quy định tại Chương V. Tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 26 dự thảo luật quy định tổ chức bảo vệ người tiêu dùng là tổ chức xã hội được thành lập hoạt động theo pháp luật. Quy định như vậy là không rõ ràng về địa vị pháp lý của tổ chức này. Nếu tổ chức này là một hội tự nguyện thì phải quy định rõ trong dự thảo luật và tổ chức này phải hoạt động theo pháp luật về hội.

Về tổ chức bảo vệ người tiêu dùng thực hiện một số nhiệm vụ của Nhà nước và được hỗ trợ kinh phí quy định tại Điều 29 của dự thảo luật. Chúng tôi cho rằng về vấn đề này cũng cần phải được quy định thật rõ ràng về tổ chức này thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước giao là nhiệm vụ gì? Kinh phí hỗ trợ là hỗ trợ theo quy định nào.

Về tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có quyền đại diện cho người khiếu nại khởi kiện tại Tòa án quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điều 27. Chúng tôi đề nghị quy định trong dự thảo luật chỉ khi có ủy quyền của người tiêu dùng thì tổ chức này mới được thay mặt người tiêu dùng khiếu nại khởi kiện tại tòa án.

Về người đại diện được quy định ở Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định rất rõ ràng về chế định người đại diện. Do vậy chúng tôi đề nghị không quy định người đại diện trong dự thảo luật này.

Về thẩm quyền độc lập kiểm tra, giám định hàng hóa, dịch vụ của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng quy định tại Khoản 8, Điều 27. Chúng tôi thấy rằng việc kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh thương mại là vấn đề liên quan đến quyền tự do kinh doanh của họ. Vì vậy pháp luật hiện hành đã quy định rất cụ thể chỉ có những cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền mới được kiểm tra giám định chất lượng hàng hóa. Ngay dự thảo luật quy định tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, tức là tổ chức của một Hội có thẩm quyền kiểm tra giám định chất lượng hàng hóa như cơ quan hành chính Nhà nước là không phù hợp với tính chất hoạt động của Hội và không phù hợp với pháp luật hiện hành. Vì vậy chúng tôi đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật.

Về tổ chức hòa giải chuyên nghiệp quy định ở Điều 36 dự thảo luật quy định Nhà nước khuyến khích thành lập tổ chức hòa giải hoạt động chuyên nghiệp. Với quy định này chúng tôi thấy không rõ về tổ chức hòa giải này sẽ được thành lập theo loại hình tổ chức nào, ai có thẩm quyền cho phép thành lập, sau khi thành lập sẽ hoạt động như thế nào là hoạt động chuyên nghiệp, vậy có thu phí không, đó là những vấn đề trong dự thảo luật nếu quy định thì phải quy định cho rõ.

Về Khoản 2, Điều 39 quy định "bên không tự nguyện thi hành các nghĩa vụ theo biên bản hòa giải thành, bên có quyền khởi kiện đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định pháp luật". Chúng tôi không rõ Tòa án xử lý người không thực hiện biên bản hòa giải thành sẽ phải xử bằng quan hệ pháp luật nào, xử hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế, lao động và tất cả 5 quan hệ pháp luật này nếu áp dụng vào việc xử lý những người không chấp hành biên bản hòa giải thành đều không phù hợp. Do vậy chúng tôi đề nghị phải xem lại quy định này.

Về Mục 3 quy định trọng tài, chúng tôi đề nghị sửa lại tất cả những quy định về trọng tài trong Dự thảo luật này, phải ghi lại là "trọng tài thương mại" cho phù hợp với Luật Trọng tài thương mại mà Quốc hội vừa thông qua.

Về giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính, quy định từ Điều 43 đến Điều 49. Theo quy định của dự thảo luật thì khi xảy ra tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh thì có quyền khiếu nại đến cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Sau khi các cơ quan này ra quyết định, nếu người tiêu dùng không đồng ý với quyết định hành chính thì có quyền kiện ra tòa hành chính để xem xét lại quyết định hành chính đó.

Về vấn đề này chúng tôi thấy rằng tranh chấp của người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh là tranh chấp về dân sự, thương mại. Do vậy khi xảy ra tranh chấp thì giải quyết phải bằng con đường dân sự và thương mại, không giải quyết bằng pháp luật hành chính. Càng không nên quy định người tiêu dùng nếu không đồng ý với quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì có quyền khởi kiện ra Tòa án hành chính để Tòa án xem xét về quyết định hành chính đó. Quy định như vậy là không phù hợp vì đang từ tranh chấp dân sự, thương mại lại chuyển sang giải quyết bằng quan hệ pháp luật hành chính, do vậy đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật.

Về quy định giải quyết tranh chấp tại Tòa án từ Điều 50 đến Điều 60 dự thảo luật. Chúng tôi đề nghị không quy định quyền khởi kiện theo thủ tục rút gọn của người tiêu dùng Điều 54, không quy định thủ tục xét xử, rút gọn của Tòa án (Điều 55) trong dự thảo luật này bởi vì Bộ luật tố tụng dân sự không quy định về trình tự, thủ tục khởi kiện xét xử rút gọn trong dân sự, thương mại. Trong trường hợp cần có quy định mới về thủ tục khởi kiện xét xử rút gọn trong khi giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ người tiêu dùng thì sẽ xem xét quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi. Luật này không nên chỉ dẫn một quy định mà trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện nay chưa có để quy định. Chúng tôi đề nghị nội dung này không quy định trong dự thảo luật.

Về hòa giải trong vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Điều 58. Khoản 2, Điều 58 quy định biên bản hòa giải sau khi được ký kết phải niêm yết công khai tại Tòa án và công bố trên báo ngày của Trung ương trong 3 số liên tiếp và phát sóng trên đài phát thanh hoặc truyền hình của Trung ương trong 3 ngày liên tiếp trước khi ra phán quyết công nhận sự thỏa thuận. Chúng tôi đề nghị bỏ quy định này vì không rõ mục đích yêu cầu của quy định, về biên bản hòa giải thành chỉ là một biên bản hòa giải thành của 2 bên về một quan hệ hoạt động mua, bán chỉ có 2 bên thôi thì vì sao lại phải đăng 3 số báo của tờ báo Trung ương rồi 3 lần phát sóng trên Đài phát thanh và truyền hình Trung ương, quy định này cũng không phù hợp với thực tế vì chi phí cho việc đăng báo phát sóng trên các báo của Trung ương không nhỏ, làm sao người tiêu dùng thực hiện được và nhất đối với những người tiêu dùng ở những vùng sâu, vùng xa thì làm sao có điều kiện mà đăng các báo này. Từ phân tích trên đây, chúng tôi đề nghị toàn bộ Chương V của dự thảo Luật cần phải chỉnh lý lại theo hướng quy định dẫn chiếu sang Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự, Luật trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh mà không quy định những điều cụ thể như ở chương này. Tôi xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan