Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh – Quảng Ninh

Thứ Ba 09:37 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Nếu đặt mình vào vai trò của người tiêu dùng thì chúng tôi thấy tên của dự thảo Luật này cũng đã hướng dẫn và cũng rất mong muốn dự thảo Luật này sẽ nhanh chóng được ban hành. Vì nó cũng ảnh hưởng và đụng chạm đến quyền lợi, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hết dự án Luật này thì cá nhân tôi cũng như nhiều đại biểu đã phát biểu trước thì không rõ ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho mình, bảo vệ như thế nào và chế tài để xử lý những đối tượng không đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đây là những điều chúng tôi rất suy nghĩ. Chúng tôi cũng thấy rằng có một số ví dụ mà các đại biểu trước tôi nêu như các cơ quan được cấp phép quảng cáo các sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy quảng cáo như vậy, nhưng thực tế người dân sử dụng các sản phẩm đó không được như vậy, chất lượng không đảm bảo và nhiều vấn đề khác không được như quảng cáo, vậy khi ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tính mạng, đến những điều mong ước của người dân, tốn kém về tiền bạc thì lúc đó cơ quan này có phải chịu trách nhiệm không v.v....

Chúng tôi cũng thấy rằng trong thời gian vừa qua có không ít người dân của chúng ta "dị ứng" với một số quy định của Chính phủ. Những quy định này chúng ta đưa ra nhưng chúng ta không thể thực hiện được, ví dụ như quy định về việc cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng. Điều đó chúng tôi nhận thấy Chính phủ mong muốn những điều tốt đẹp cho người dân và mong muốn đưa đến cho người dân, người tiêu dùng của chúng ta không bị ngửi khói thuốc. Nhưng nếu quy định như vậy thì quả thực là không thể thực hiện được.

Tôi xin đưa ra một số ví dụ như khi tìm hiểu về luật của một số nước, quyền của nhà nước có thể chia bớt cho người dân, sau đó người dân thực hiện những quyền đó và được quyền xử phạt. Ví dụ như một số nước người ta giao quyền rất rõ cho những đối tượng thay mặt nhà nước xử phạt, như ở Latvia không được uống rượu sau 22h, thì người ta giao quyền cho các cửa hàng bán rượu đó để được xử phạt, còn khi những cảnh sát đã đi xử phạt phải cửa hàng có người uống rượu thì người ta phạt rất nặng, thậm chí thu cả giấy phép. Vậy việc chia quyền của Chính phủ cho những người dân bây giờ quyền lợi của người tiêu dùng thì ở mọi chỗ, mọi nơi dù là tổ chức nào đó tôi cho cũng rất khó. Ở đây chúng ta sẽ giao quyền cho tổ chức xã hội, chúng tôi thấy điều này cũng chưa thể thực hiện được. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng đây là dự thảo luật tham gia vòng đầu, vì vậy tôi xin làm rõ một số vấn đề thể hiện vai trò, trách nhiệm quyền hạn của Uỷ ban nhân dân các cấp trong đó nhấn mạnh đến vai trò của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường vì đây là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp với người dân. Ở đây Chính phủ cũng có quy định ở trong dự thảo luật, vì luật tham gia vòng đầu nên không tham gia vào các điều một cách cụ thể. Tôi thấy hầu như các dự án luật của chúng ta đều nói rất nhiều về trách nhiệm của chính quyền các cấp và cũng yêu cầu rất nhiều chính quyền các cấp tạo điều kiện để cho chính quyền các cấp hoàn thành trách nhiệm của mình thì chúng ta chưa nghĩ nhiều đến điều kiện tháo gỡ cho Uỷ ban nhân dân các cấp trong đó có cấp xã, phường.

Chúng tôi xin đặt vấn đề nếu như hiện nay cấp xã, phường cũng đang có rất nhiều khó khăn, nếu chúng ta giao quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường được thu tiền phạt để xử lý các đối tượng vi phạm đối với những người tiêu dùng này thì có nguồn và chính nguồn đó cũng được người tiêu dùng khi mà chúng ta xử phạt thì Uỷ ban nhân dân các cấp được sử dụng khoản tiền này, và phạt theo hướng sau này sử dụng nguồn này như thế nào thì do Chính phủ quy định và giao quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã cũng được mở đường dây nóng để thu thập, xử lý các thông tin. Hiện nay, việc thu thập, xử lý các thông tin của chúng ta nhiều nơi, nhiều lúc rất khó khăn. Việc xử lý thông tin như thế nào và bảo mật thông tin của những người mở đường dây nóng, cung cấp cho chúng ta như thế nào, theo tôi là rất quan trọng và quy định rõ trách nhiệm của những người phản ánh, cung cấp thông tin phải chuẩn mực. Nếu như cung cấp thông tin không đúng thì người cung cấp tin sẽ chịu như thế nào. Khi cấp xã kinh phí đang khó khăn mà người ta được sử dụng nguồn ngân sách này thì người ta cũng được quyền tổ chức để người ta tổ chức phạt. Tôi nghĩ rằng từ quyền thụ động, bây giờ Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền chủ động để tổ chức việc xử phạt mà có đường dây nóng như vậy theo tôi rất là thuận. Nếu như quyền lợi của người tiêu dùng mà người tố cáo không đúng thì người tố cáo cũng phải chịu trách nhiệm và quy định rõ cơ chế của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường có đường dây nóng đó quan hệ với thanh tra của các lĩnh vực như thế nào và thanh tra của các lĩnh vực cũng có đường dây nóng như vậy. Tôi lấy ví dụ như cảnh sát cơ động 113, hay là những đối tượng mà cảnh sát giao thông được xử phạt trực tiếp như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên nghiên cứu. Như vậy trong thời gian tới sửa luật về thanh tra thì cũng cần phải nói rõ hơn tính độc lập. Độc lập ở mức tương đối và như vậy thì thanh tra chuyên ngành sẽ có mối quan hệ với các xã phường để tổ chức, nhưng khi đi xử phạt thì chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cũng không nên cứng nhắc quá mà chúng ta cũng có thể sử dụng nhiều bộ máy để chúng ta đến, chúng ta đừng có lấy những chứng cứ gì nhiều mà chúng ta trực tiếp đặt mình vào những người đi mua hàng. Ví dụ muốn mua một băng đĩa hình, băng đĩa lậu ngoài luồng thì chúng ta là người dân thì chúng ta mua rất dễ và như vậy chúng ta có ngay chứng cứ tại đó và chúng ta rút thẻ xử phạt được. Tôi rất quan tâm đến cách tổ chức, làm thế nào đó để nâng thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, để cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường có thể thực hiện được quyền xử phạt và có thể sử dụng bộ máy công quyền của mình và có mối quan hệ với bộ máy thanh tra chuyên ngành của nhiều lĩnh vực khác nữa để có đường dây nóng của các lĩnh vực khác nữa thì tôi nghĩ rằng quyền lợi của người tiêu dùng có thể đảm bảo được một cách tốt hơn, muốn vậy thì trong luật tôi nghĩ rằng luật này ta có thể đưa ra chế tài và ta quy định mức phạt tiền một cách phù hợp, tất cả những hành vi ta có thể phạt tiền được phạt mức nào, tôi nghĩ rằng nếu mà chặn ngay từ tư tưởng, hệ tư tưởng từ đầu thì sẽ tốt hơn là chúng ta cứ chặt tay này những người có ý đồ xấu người ta sẽ mọc cái tay khác. Chính vì như vậy để cho mình rơi vào thế chủ động và những người ta cố tình làm những hàng giả, hàng nhái rơi vào thế bị động thì tôi nghĩ rằng cần phải giao thẩm quyền mạnh hơn, như tôi gợi ý một số ý đó cũng là tư tưởng tâm huyết mà tôi cũng xin đặt vấn đề để xin cung cấp cho Ban soạn thảo, xin trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan