Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc – Bình Thuận

Thứ Tư 16:03 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội!

Trong thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội ở tổ chúng tôi thể hiện quan điểm chưa tán thành lắm việc lần này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là cách sửa để thực hiện chính sách hỗ trợ sinh viên, hộ nghèo, mặc dù các đại biểu Quốc hội rất ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải tìm cách hỗ trợ sinh viên của chúng ta cũng như các hộ nghèo, công nhân có thể có nhà ở.

Trước khi đi vào nội dung, tôi xin phản ánh một kiến nghị của cử tri khi chúng tôi tiếp xúc và thông báo về chương trình của kỳ họp Quốc hội là tại kỳ họp Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số luật. Các cử tri qua chúng tôi đề nghị báo cáo với Quốc hội là phải xem lại cách làm luật của chúng ta. Trong một thời gian rất ngắn cứ gặp vấn đề gì bức xúc là lại đưa các luật ra để sửa đổi, bổ sung. Làm cho tính ổn định của hệ thống pháp luật của chúng ta không bảo đảm. Việc này không chỉ cử tri, mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng phản ánh như vậy. Vậy có phải tất cả những vấn đề cứ bức xúc là chúng ta cứ nhằm vào việc sửa đổi luật không? Trước khi chúng ta trình Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung một luật có lẽ chúng ta phải bàn nhau, các Uỷ ban của Quốc hội cũng như các bộ tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ, chúng ta phải áp dụng các giải pháp nào, trước trước khi dùng giải pháp về lập pháp. Có thể bằng các chính sách cụ thể khác của Chính phủ, ví dụ khi cần thiết hỗ trợ lãi suất 4% thì Chính phủ có thể quyết định được mà không cần trình Quốc hội thông qua chẳng hạn hoặc cần thiết, một số điều quy định của luật mà thấy là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể dùng thẩm quyền giải thích luật của mình để hướng tới một chính sách thông thoáng hơn, thuận tiện hơn cho doanh nghiệp chúng ta cũng có thể sử dụng, thay vì chúng ta sửa luật một cách nhanh chóng như thế này. Kể cả Luật giáo dục quan điểm của chúng tôi trong việc đưa Luật giáo dục ra sửa đổi trong một thời gian rất ngắn như vậy có lẽ cũng không hay.

Đi vào nội dung cụ thể chúng tôi tán thành với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm với cách sửa chúng tôi tán thành, đặc biệt với ý kiến của anh Học ở Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tôi biết anh Học trước là Hiệu trưởng một trường đại học và nguyên là Vụ trưởng Vụ tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, anh nắm rất rõ về nhu cầu đầu tư nhà ở cho sinh viên như thế nào. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cân nhắc ý kiến của anh Học.

Vừa rồi Quốc hội của chúng ta đã cho phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, trong đó có 3.500 tỷ dành để xây dựng nhà ở cho sinh viên, nhưng khi chúng tôi làm việc với các Bộ và Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tâm tư và đề nghị nhưng không được, là lẽ ra 3.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ này nên giao về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để phân bổ về cho các trường xây dựng nhà ở cho sinh viên trực tiếp như anh Luật nêu, nhưng cũng không được, không biết hiện nay được chưa, nhưng lại do Bộ khác quản lý, không trực tiếp cho ngành giáo dục, tôi thấy cần phải xem lại.

Trong lúc đó các trường đại học của chúng ta diện tích rất rộng, có thể xây nhà. Đặc biệt hiện nay chúng ta hỗ trợ cho các tỉnh thành lập các trường đại học cũng để cho con em nghèo chúng ta học tại chỗ lại thiếu ký túc xá, các em phải đi thuê nhà dân, chỗ này cũng phải cân nhắc là hỗ trợ này nên trực tiếp như thế nào. Hỗ trợ này như nhiều đại biểu băn khoăn về cơ chế có trực tiếp đến với sinh viên và người nghèo hay không, thì cũng chưa được giải trình. Chúng ta thấy lý do để hỗ trợ thì đúng rồi, nhưng chúng ta phải có trình tổng thể, như đồng chí Trần Du Lịch nêu với giá nhà hiện nay cao, không phải chỉ người nghèo, chỉ sinh viên, công nhân mà cán bộ ở trên mức nghèo cũng khó mua được nhà ở do đẩy giá lên và giá ảo. Nhiều khi có nhóm lợi ích, có tác động qua thị trường chứng khoán, qua các kênh khác làm cho giá bất động sản tăng lên, làm cho cán bộ của chúng ta không mua được nhà ở, người nghèo lại càng không mua được nhà ở. Vậy trước hết phải giải trình trước Quốc hội là giá cao như vậy chúng ta phải tìm cách lôi giá xuống là ở chỗ nào, rồi chúng ta mới tính đến thuế, bởi vì tôi cũng chia sẻ với Bộ trưởng Vũ Văn Ninh và anh em bên Bộ Tài chính là miễn, giảm thuế là anh em cũng ngại bởi vì đấy là nguồn thu, bởi vì còn phải chi bao nhiêu công việc. Cho nên chúng tôi đề nghị phải có cái trình tổng thể cùng chính sách rất tốt của Đảng và Nhà nước và của Chính phủ, của Quốc hội nhưng mà chúng ta trình tổng thể, chúng ta có thể trình các giải pháp khác được không. Còn tôi cũng thấy là để cho trực tiếp cho sinh viên thì có nhiều cách như các vị đã nêu, qua các kênh khác mà không cần phải sửa luật.

Tôi nhớ là khi chúng tôi đi học có thẻ sinh viên thì chỉ cần một cái thẻ sinh viên đấy là khi mình vào máy bay ở quốc tế người ta cũng giảm giá, và chuyến bay đấy giá nó là chung cho tất cả mọi người nhưng mà sinh viên có thẻ sinh viên quốc tế chẳng hạn người ta cũng sẽ bán cho mình giá khác. Hoặc là nhiều hình thức hỗ trợ khác vào các ngân hàng được hưởng các lãi suất thì cũng là cách để hỗ trợ sinh viên.

Vấn đề nhà ở cho sinh viên nên tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, thì vấn đề là Nhà nước và kể cả các doanh nghiệp cũng không thể bảo đảm đầy đủ nhà ở cho sinh viên mà chính là sinh viên sẽ thuê nhà ở các hộ gia đình có dư thừa những diện tích và đấy là hình thức xã hội hóa để giải quyết nhà ở cho sinh viên. Mà hiện nay sinh viên ở Hà Nội và các thành phố khác người ta cũng đi theo hướng đấy. Tôi xin phép kiến nghị một số ý kiến như vậy. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan