Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phát – Thanh Hoá

Thứ Tư 10:04 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin được tham gia một số ý kiến vào trong Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ nhất, tôi thấy phạm vi điều chỉnh được trình bày trong dự thảo còn mang tính chất chung, chưa phù hợp với nội dung về mặt kỹ thuật văn bản pháp luật điều này đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Sự tồn tại này có lẽ xuất phát từ việc giải thích khái niệm về năng lượng, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để chuẩn hóa khái niệm này. Theo tôi năng lượng là sự tồn tại tiềm tàng trong tài nguyên khoáng sản như than, dầu mỏ, khí tự nhiên và các nguồn tài nguyên khác như gió, ánh sáng mặt trời. Tài nguyên nói trên có loại tạo ra năng lượng trực tiếp khi có các đối tượng tiếp nhận năng lượng. Tuy nhiên, một số loại tài nguyên phải qua một quá trình tác động và thông qua một chu trình công nghệ thì tài nguyên đó mới tạo ra được năng lượng được sử dụng.

Từ đây tôi thấy cần phải xem xét lại khái niệm về nội hàm của năng lượng, năng lượng là sản phẩm thu được thông qua quá trình chế biến tài nguyên và áp dụng công nghệ biến than, dầu mỏ, khí tự nhiên, tài nguyên sinh học thành các dạng năng lượng khác nhau, năng lượng có dạng điện năng, thủy năng, nhiệt năng và công năng. Để sử dụng nguồn tài nguyên như than, dầu mỏ, khí tự nhiên, năng lượng nước có hiệu quả thì cần phải được điều chỉnh ở trong nhiều bộ luật khác nhau. Vì vậy, đối với luật này không thể điều chỉnh được tất cả các loại năng lượng như Báo cáo của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường, tôi thống nhất với ý kiến này.

Về mặt quản lý, từ khai thác và chế biến sử dụng với những mục đích khác nhau nhằm để phục vụ cho phát triển kinh tế bền vững và sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Từ các vấn đề trên, tôi thấy cần phải ghép Điều 1 và Điều 2 thành một điều quy định về đối tượng và phạm vi sử dụng. Luật này quy định về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và diều chỉnh một giai đoạn trong quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên sau khi đã được chuyển hóa thành năng lượng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Tôi thống nhất với những đề nghị sửa đổi trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường là phạm vi điều chỉnh luật này, luật này quy định cách thức sử dụng năng lượng để mang lại hiệu quả và tiết kiệm. Quy định quyền và nghĩa vụ các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân trong việc sử dụng năng lượng nhằm mục đích tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ hai, tôi thấy nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề cần được Ban soạn thảo nghiên cứu để điều chỉnh làm sao những khái niệm, bổ sung những nội hàm về khái niệm trong luật cho xác đáng. Ví dụ: Như khái niệm về năng lượng, về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, về cơ sở sản xuất. Không nên để trong luật giải thích những khái niệm thông thường mà nội hàm của nó đã được rõ như công trình xây dựng dân dụng và hoạt động giao thông vận tải.

Thứ ba, chính sách Nhà nước trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, thực tế hiện nay cho thấy rằng hầu hết các cơ quan, tổ chức và có những quy định trong việc sử dụng năng lượng ở trong cơ quan tổ chức theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Nhưng thực tế việc sử dụng không đạt được yêu cầu đề ra, có nhiều trường hợp quy định đã trở thành hình thức. Việc sử dụng các loại năng lượng trên vẫn còn tùy tiện, phụ thuộc nhiều vào nhận thức và trách nhiệm của người quản lý và thiết bị phương tiện sử dụng năng lượng. Tôi thấy các quy định dù chặt chẽ đến đâu nếu các thiết bị phương tiện sử dụng năng lượng không thực sự thuộc loại tiết kiệm năng lượng thì quy định như thế nào và các giải pháp cụ thể ra sao, thì việc sử dụng này cũng không thể hiệu quả được. Thực tế cho thấy hai chiếc ôtô có cùng chức năng tương tự, có chiếc có thể sử dụng 7 đến 10 lít xăng trên 100 km, loại khác thì 20 lít trên 100 km, loại khác nữa thì còn sử dụng mức xăng lớn hơn. Như vậy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả chính là việc chúng ta lựa chọn các thiết bị, phương tiện mà bản thân nó là sử dụng tiết kiệm năng lượng. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 4, Nhà nước có chính sách hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng các thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Điều 5, tôi nhận thấy việc quy định về trách nhiệm của Chính phủ các cơ quan Nhà nước về chương trình kế họach sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình kế hoạch sử dụng năng lượng đã đề ra và một số quy dịnh khác. Tôi đề nghị bổ sung làm rõ thêm nội dung và trách nhiệm cụ thể và thực hiện kế hoạch quy định về việc giám sát, kiểm tra nhằm đảm bảo kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các cấp, cơ sở chính quyền các cấp và bộ, ngành cũng như cấp Quốc gia. Việc quy định đảm bảo quyền của mọi công dân trong việc giám sát, phát giác, phát hiện các cơ quan tổ chức sử dụng năng lượng không tiết kiệm và hiệu quả trên cơ sở công khai các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hiệu suất định mức năng lượng để dễ kiểm tra và giám sát.

Thứ tư, về trách nhiệm sử dụng năng lượng hiệu quả, thực tế cho thấy đối tượng sử dụng năng lượng ở nước ta bao gồm các cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình và năng lượng được sử sụng chung phục vụ cộng đồng có tính chất công cộng. Với những quy định trong dự thảo mới chỉ quy định về nguyên tắc, do đó khó thực hiện và gặp nhiều khó khăn trong thực tế. Đối tượng sử dụng năng lượng có đối tượng sử dụng năng lượng mà các chi phí từ nguồn ngân sách Nhà nước, có đối tượng sử dụng không phải từ nguồn ngân sách Nhà nước, vì vậy tránh quy định chung chung và trách nhiệm không rõ ràng thì rất khó thực hiện.

Tôi thống nhất với những ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường có nêu là đối tượng sử dụng ngân sách Nhà nước cần phải quy định bắt buộc thực hiện các trách nhiệm trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, còn các đối tượng khác chỉ cần quy định khuyến khích. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thực hiện có hiệu quả có liên quan đến việc đầu tư trang thiết bị, hệ thống, phương tiện sử dụng năng lượng ở các công trình xây dựng, công trình công cộng, công trình văn hóa, liên quan đến trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc thực hiện chính sách, định mức và quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng và hiệu quả phụ thuộc vào việc ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các cơ quan Nhà nước đối với các công trình, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Thứ năm, là vấn đề sử dụng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải, Dự thảo quy định ở Điều 19, 20, 21. Tuy nhiên, chúng tôi thấy hiện nay việc sử dụng năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải và một số lĩnh vực, sử dụng năng lượng đang bị lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Việc để cho quá nhiều phương tiện và người tham gia giao thông gây ra ùn tắc, số lượng tham gia giao thông nhiều nhưng công năng của phương tiện vận chuyển hiệu ích thấp theo thiết kế. Bên cạnh việc điều hành giao thông hiệu quả thấp làm cho việc sử dụng năng lượng ngày càng không được tiết kiệm và không được hiệu quả.

Từ hiện tượng trên chúng tôi đề nghị luật cũng cần quy định bổ sung những điều mà Luật giao thông đường bộ và các luật khác chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ nhằm đảm bảo và tạo ra một hành lang pháp lý, tạo ra sự thay đổi thực sự về giao thông đường bộ, làm tăng cường sự biến đổi thực sự trong việc sử dụng các phương tiện công cộng, giảm tối thiểu các phương tiện sử dụng năng lượng vừa không hiệu quả, đồng thời gây tắc nghẽn giao thông như hiện nay. Cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình để góp phần giảm sự tắc nghẽn giao thông gây ta lãng phí về năng lượng. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan