Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Hiền – Quảng Ngãi

Thứ Tư 10:04 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa các vị khách quý,

Tôi xin được phát biểu ý kiến về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Về cơ bản tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội về dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tôi cho rằng việc sớm ban hành luật này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển năng lượng của đất nước. Nếu thực hiện tốt các quy định của luật sau khi được ban hành và có hiệu lực sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một cao hơn của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, tiết kiệm ngoại tệ do không phải nhập nhiều năng lượng của nước ngoài. Phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Xuất phát từ sự cần thiết đó tôi cho rằng dự án Luật trình Quốc hội lần này đã phần nào cố gắng thể hiện bao quát phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng và các quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng dân dụng, giao thông vận tải v.v... là những lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng ở nước ta.

Tuy nhiên, với 8 chương 46 điều của dự thảo tôi cho rằng còn dài và chưa nói là có những điều, khoản như nhiều đại biểu đã phát biểu là còn chung chung mang tính kêu gọi, khuyến khích, chưa mang tính bắt buộc đối với tính chất là quy định của pháp luật. Vì lẽ đó sẽ khó có tính khả thi trong cuộc sống, vì vậy sẽ khó đạt được mục đích yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả khi luật ban hành. Để góp phần công cuộc hoàn chỉnh dự án tôi xin đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất là cần có những quy định trong luật về công tác quy hoạch phát triển năng lượng gắn với sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Bởi lẽ công tác quy hoạch là khâu rất quan trọng làm căn cứ cho đầu tư xây dựng và sử dụng. Quy hoạch đúng phù hợp sẽ góp phần quan trọng và phát triển năng lượng, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, quy hoạch sai sẽ dẫn đến lãng phí và thất thoát. Với tinh thần đó các quy định trong luật về nội dung này cần làm rõ quy hoạch về cơ cấu thủy điện, nhiệt điện, phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện nhỏ, năng lượng điạ nhiệt, năng lượng sinh khối, năng lượng sinh học và năng lượng biển v.v... làm được như vậy sẽ tạo thành tổng thể phát triển nguồn năng lượng tận dụng tiềm năng thế mạnh của đất nước và cũng từ đó hạn chế sự cạn kiệt năng lượng không tái tạo. Đồng thời có quy hoạch bố trí hợp lý không gian lãnh thổ trong đó có việc chuyển tiếp điện từ sản xuất đến sử dụng để thực hiện tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về năng lượng. Tôi nghĩ nên có những quy định về quy hoạch.

Vấn đề thứ hai là cần phân tích làm rõ nguyên nhân tình hình sử dụng năng lượng của đất nước ta để đưa vào luật những quy định đúng và trúng nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo tôi trước hết đó là cơ cấu năng lượng ở nước ta vẫn còn bất hợp lý và lãng phí, trong khi ở các nước năng lượng chủ yếu dành cho sản xuất sản phẩm dịch vụ thì ở Việt Nam chúng ta năng lượng chủ yếu lại dành cho nhà ở, sinh hoạt mà lại không có khả năng sinh lợi nhiều.

Về tỷ lệ tổn thất điện năng là rất cao. Năm 2006 khoảng 13 - 14% do chất lượng điện chưa tốt, chênh lệch cao giữa điện áp đầu và cuối nguồn, chế độ sử dụng điện là không hợp lý, nhiều mô hình quản lý kinh doanh không phù hợp và còn một bộ phận người sử dụng năng lượng chưa hiểu biết hết về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần rút ra những nguyên nhân, bài học của những vấn đề đó để có thể đưa những quy định về vấn đề này cho hợp và trúng trong quy định của pháp luật.

Thứ ba, về một số vấn đề cụ thể, tôi rất tán thành nhiều ý kiến của các đại biểu đã nói. Tôi xin đóng góp một vài ý kiến cụ thể, còn về các chương, điều tôi xin đóng góp tiếp tục.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1. Tôi đề nghị thể hiện lại là luật này quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Như vậy ở đây tôi nghĩ nên bỏ từ "bao gồm các quy định" và nên bỏ cả "thúc đẩy tiết kiệm năng lượng toàn xã hội". Bởi vì ở trong đây đã nói là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ là "bảo đảm an sinh xã hội".

Thứ hai, là giải thích từ ngữ quy định ở Điều 3, tôi rất tán thành nhiều ý kiến ở điều này có rất nhiều câu khó hiểu mà đặc biệt ở Khoản 3 của điều này, tôi cho rằng giải thích rất dài mà rất khó hiểu, nếu đưa vào trong luật để thì dễ hiểu, dễ thực hiện thì sẽ rất khó. Cho nên tôi đề nghị thể hiện lại vấn đề này.

Thứ ba, về nghĩa vụ đối với sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả quy định tại Điều 6, tôi đề nghị nên bỏ cụm từ "tố giác các hành vi lãng phí năng lượng", tôi cho cách thể hiện như thế này không rõ, khi nói đây là nghĩa vụ thì mình lại nói là có quyền tố giác, vì thường người ta nghĩ tố giác là tố giác tội phạm. Ở đây sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm hiệu quả thì có đến mức độ phải tốt giác hay không? thì tôi thấy có vẻ cũng chưa hợp lý lắm.

Thứ ba về báo cáo thông tin sử dụng năng lượng quy định tại Điều 8, thì tôi thực sự chưa hiểu ý nghĩa của điều này như thế nào. Vấn đề ở đây là vấn đề thông tin và xử lý thông tin như thế nào và vấn đề có thể thực hiện được hay không, tôi nghĩ nếu có được những quy định, nội hàm cụ thể thì nên đưa vào, nếu đưa như thế này thì tôi đề nghị bỏ điều này trong dự thảo. Còn các điều khác tôi xin được đóng góp sau. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan