Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hảo – Hải Dương

Thứ Ba 10:02 17-11-2009

Kính thưa Đoàn chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi bày tỏ sự đồng tình với bản báo cáo của Uỷ ban Kinh tế và tôi đánh giá cao ý kiến vừa phát biểu của đại biểu Cao Sĩ Kiêm, tỉnh Thái Bình.

Dự thảo luật lần này gồm 10 chương, 162 điều kèm theo nhiều tài liệu liên quan thể hiện sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo, mặc dù được đánh giá là có nhiều đổi mới nhưng dự thảo luật lần này vẫn còn một số điều chồng chéo, trùng lắp và mâu thuẫn với luật khác. Một số quy định trong dự thảo luật có vẻ mở rộng nhưng thực chất là thắt chặt một cách thái quá khiến nhiều người cảm tưởng những gì mà Ngân hàng Nhà nước không quản được thì cấm cho an toàn, gây nên sự bất ổn từ chính sách và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư. Một số điều trong dự thảo luật chưa thỏa mãn được sự cần thiết như bản thuyết minh của Chính phủ. Sự bất cập đó thể hiện ở những điểm sau.

Thứ nhất, dự thảo luật chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách trong lĩnh vực ngân hàng theo nguyên tắc đổi mới các quy định về quản lý Nhà nước với hoạt động của tổ chức tín dụng, còn nặng về hành chính, việc cấp phép mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn bộc lộ cơ chế xin cho, nhiều quy định mang tính kiểm tra, giám sát, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng mà chưa thể hiện được tư tưởng đổi mới theo tinh thần Quyết định 112. Với bộ máy cồng kềnh và quản lý theo kiểu mệnh lệnh hành chính của hệ thống Ngân hàng Nhà nước như hiện nay tôi e rằng điều bất cập này ít được khắc phục.

Thứ hai, thắt chặt quyền tự chủ đầu tư kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, Khoản 6, Điều 103 quy định: Ngân hàng thương mại không được mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác. Quy định như vậy là quá chặt chẽ, gây nhiều tranh cãi và ít sự đồng thuận trong tổ chức tín dụng. Việc Ngân hàng thương mại cổ phần được mua của ngân hàng khác đã và đang được thực hiện, phát huy tính ưu việt của nó. Ngân hàng thương mại nắm giữ cổ phần của tín dụng khác là sự hỗ trợ hữu ích cho nhau về chuyển giao công nghệ, về vốn, về kinh nghiệm quản lý điều hành, về liên kết mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường vốn, đáp ứng kịp thời với nhu cầu của thị trường.

Một minh chứng cụ thể khác là từ khi Ngân hàng thương mại nắm giữ cổ phần của ngân hàng khác thì một loạt các ngân hàng nông thôn quy mô nhỏ được nâng lên thành ngân hàng đô thị với quy mô, chất lượng và hiệu quả tốt hơn, tạo đà cho sự hoàn thiện của hệ thống ngân hàng theo xu hướng hiện đại hoá góp phần phát triển kinh tế đất nước. Với yếu tố tích cực đó, tôi đề nghị Ủy ban Kinh tế vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành, chỉ nên khống chế số lượng tổ chức tín dụng và số lượng cổ phần mà một ngân hàng thương mại được nắm giữ. Tương tự như vậy, Khoản 7, Điều 126 không nên cấm ngân hàng thương mại cho vay đầu tư chứng khoán trong khi ngân hàng Nhà nước vẫn có công cụ kiểm soát và khống chế được mà chỉ nên quy định chặt chẽ hơn với điều kiện cho vạy và giới hạn tỷ lệ vay là phù hợp với giai đoạn thị trường chứng khoán còn nhiều khó khăn hiện nay.

Thứ ba, dự thảo luật không đảm bảo sự đồng nhất với luật khác, đây là một điều bất cập cho luật hiện hành, mặc dù đã được sửa đổi nhưng dự thảo luật chưa khắc phục một cách triệt để. Cụ thể là Khoản 2, Điều 8 quy định cấm các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng được hoạt động ngân hàng. Nếu quy định như vậy khi luật có hiệu lực thì hoặc các hoạt động có yếu tố ngân hàng như Ripo, Margin của công ty chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán đang hoạt động theo Luật Chứng khoán sẽ bị cấm vì luật này. Khoản 2, Điều 59 về điều kiện tiến hành Đại hội cổ đông, quy định như vậy là không đồng nhất với Luật doanh nghiệp. Ngoài ra có một số điều, khoản đã được quy định trong Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp được quy định trong điều lệ của ngân hàng rồi, không cần phải quy định lại như trong dự thảo của luật.

Bốn, không công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Điều 55 quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa 5% đối với cá nhân và 10% đối với tổ chức. Nhưng tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài lại do Chính phủ quy định. Theo cam kết của WTO thì tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài có thể lên đến 30%. Theo tôi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cần phải được quy định ngay trong luật, thể hiện sự công khai bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Nếu tại thời điểm này chưa quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tạm thời chưa sửa điều này và giữ nguyên theo quy định hiện hành như ý kiến của Ủy ban Kinh tế là hợp lý.

Các tổ chức tín dụng mặc dù có tính đặc thù khác biệt nhưng bản chất vẫn là một doanh nghiệp, việc thắt chặt, nhiêu khê trong quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước như dự thảo luật khiến cho các ngân hàng thương mại phải tăng chi phí vận hành. Vì vậy việc tăng lãi suất vay là điều khó tránh khỏi, điều đó sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và người dân có nhu cầu vay vốn, tác động xấu đến tác động chung của kinh tế, xã hội.

Từ phân tích nêu trên tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét để dự thảo luật phải kế thừa được tính ưu việt, tính ổn định của luật hiện hành, đảm bảo tính toàn diện, tính thực tiễn, tính cụ thể của các điều luật, hạn chế thấp nhất lợi ích cục bộ, cơ chế xin-cho, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả quản lý Nhà nước với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật với từng đối tượng, từng loại hình tổ chức tín dụng để khi luật có hiệu lực luật thực sự là công cụ hữu ích trong việc đổi mới tư duy quản lý điều hành như tinh thần Đề án hiện đại hóa ngành ngân hàng trong tương lai. Xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan