Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phú Thọ

Thứ Tư 15:54 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Tham gia dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế giá trị gia tăng và luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Tôi xin có một số ý kiến chung như sau trước khi bày tỏ quan điểm đồng ý hay không đồng ý thông qua Luật này.

Trước hết tôi đồng tình với quan điểm việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho nhà ở như dự thảo nhằm góp phần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên và nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, công nhân, những người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với nhà giá rẻ. Và góp phần giải quyết được các vấn đề xã hội bức xúc hiện nay. Theo tôi nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thu nhập doanh nghiệp được thông qua thì người có thu nhập thấp sẽ được hưởng lợi nhưng với điều kiện Chính phủ phải đánh giá được những tác động của thị trường nhà ở đến người thu nhập thấp. Muốn làm được việc đó thì nhìn nhận và đánh giá thực chất những vấn đề còn vướng mắc hiện nay.

Thứ nhất là vấn đề giảm thiểu các thủ tục, rút ngắn thời gian để Luật dễ đi vào cuộc sống và người dân dễ tiếp cận.

Thứ hai là việc sửa một số điều của 2 luật này sẽ tác động như thế nào với giá thành sản phẩm nhà cho người thu nhập thấp.

Thứ ba là vấn đề giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa chủ đầu tư với doanh nghiệp cũng như là những người hưởng lợi. Nếu không có lợi nhuận chắc chắn doanh nghiệp sẽ không đầu tư và nếu giá thành không phù hợp thì người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên cũng không thể mua hoặc thuê ở được.

Như chúng ta đã biết đa số người có thu nhập thấp thì không có đủ nguồn tài chính và làm thế nào để hạ giá thành nhà ở để giúp cho họ tiếp cận dễ dàng hơn, thuế là một trong những công cụ mà nhà nước ta cần sử dụng hiệu quả và cần phải có tính toán cụ thể. Tôi đồng ý với mức thuế suất ưu đãi như Tờ trình của Chính phủ bởi nếu giảm thuế mà giá sản phẩm giảm không đáng kể thì đối tượng thụ hưởng cũng sẽ không có điều kiện để tiếp cận. Có một vấn đề khác nữa cần quan tâm đó là trên thực tế không chỉ có doanh nghiệp mà nhiều cá nhân cũng đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp thuê, tại các khu công nghiệp phần lớn doanh nghiệp chưa xây dựng được nhà cho công nhân cho nên người lao động phải đi thuê nhà trọ các khu vực lân cận do người dân xây dựng và chính các hộ dân đó mới là những người đang giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Nhu cầu nhà ở trong tương lai còn rất lớn và doanh nghiệp nhà nước chúng ta thấy không có khả năng làm hết được mà phải đẩy mạnh việc xã hội hóa trong vấn đề này, cần có cơ chế khuyến khích người dân tự đầu tư và sẽ rất nhanh. Nếu người dân tự đầu tư thì thủ tục không phiền hà linh hoạt trong thỏa thuận.

Vì vậy, theo tôi bên cạnh việc giảm thuế thì cần có những chính sách ưu đãi về đất đai đối với các dự án thuộc lĩnh vực này, đồng thời bên cạnh chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thì cũng nên xem xét cơ chế khuyến khích người dân đầu tư bởi đây mới là vấn đề mấu chốt để hạ giá thành sản phẩm. Song song với vấn đề này tôi đề nghị Chính phủ cần tính toán dự báo và làm rõ tổng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách trong các năm tới, dự kiến số giảm thu trong ngân sách nhà nước nếu áp dụng thuế suất ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án chính sách và từ đó mới có thể đưa ra được những phương án hiệu quả khi chúng ta áp dụng Luật thuế sửa đổi này. Hơn nữa trên thực tế nếu áp dụng như điều sửa đổi trong hai luật thì tôi thấy việc giám sát kiểm tra vô cùng khó khăn và cần phải nâng cao hơn nữa năng lực quản lý của Nhà nước ta hiện nay. Đi đôi với việc áp dụng thuế suất ưu đãi thì dự thảo luật cũng cần bổ sung quy định nhằm xác định tiêu chí về nhà ở được hưởng thuế suất ưu đãi, thế nào là nhà ở dành cho học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp, rồi tránh lợi dụng pháp luật để trốn thuế, có cơ chế kiểm soát về việc áp dụng và thực hiện. Trên thực tế chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nhằm bảo đảm lợi ích đến được đúng đối tượng. Đồng thời Chính phủ cũng phải quy định rõ biện pháp kiểm tra giám sát để đảm bảo thực thi pháp luật nghiêm minh, chống hành vi gian lận, trốn thuế, lợi dụng ưu đãi để vụ lợi và đảm bảo được thụ hưởng đúng đối tượng.

Với những lập luận trên tôi chưa tán thành với việc sửa đổi hai luật trên, nên có thời gian chuẩn bị thêm và bổ sung các nội dung để tháo gỡ những bất cập của luật hiện hành. Tôi thấy luật sửa đổi lần này vẫn chưa giải quyết được những vấn đề vướng mắc hiện nay, đó là: năng lực quản lý hiện nay còn hạn chế như việc kiểm soát giá mua, giá bán nhà thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy cho dù Nhà nước có áp dụng các chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế để doanh nghiệp hạ giá thành chưa chắc giá bán, giá thuê nhà được giảm. Điều thứ hai là đối tượng là người thu nhập thấp, công nhân, học sinh, sinh viên sẽ khó tiếp cận để mua nhà, thậm chí những người thuộc đối tượng này sẽ không được hưởng lợi còn ngân sách thì thất thu. Và việc căn cứ vào đối tượng mua nhà để áp dụng hai mức thuế suất là 5% và 10% rất phức tạp dễ bị doanh nghiệp lợi dụng. Chúng ta thấy sẽ có hiện tượng sinh viên và nhiều đối tượng khác cũng không thể hưởng và khó tiếp cận với loại nhà này.

Thứ ba là thuế ưu đãi doanh nghiệp cho cả dự án đầu tư mở rộng sẽ dẫn đến tình trạng dàn trải. Hơn nữa qua thực tế thi hành luật đã có trường hợp lợi dụng quy định này để hưởng ưu đãi, trốn thuế, gây thất thoát cho nguồn thu ngân sách. Vì vậy, tôi đề nghị một mặt nên tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hai luật này chúng ta phải trên cơ sở thực tế để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay và một mặt nên tính đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng, như vậy sẽ có hiệu quả và thiết thực hơn. Vì vậy tôi xin đề nghị Quốc hội và Chính phủ nên xem xét lại chưa nên sửa đổi, bổ sung hai luật này trong thời kỳ này. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan