Góp ý của đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hảo – Hải Dương

Thứ Tư 15:55 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Trước tiên, tôi xin bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, ngân sách và đồng tình với ý kiến phát biểu của một số đại biểu trước tôi. Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp với giá cả hợp lý và thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề an sinh xã hội mang tính dài hạn và đây cũng là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Điều tôi quan tâm là việc tổ chức thực hiện như thế nào, để ưu đãi này đến đúng với đối tượng được thụ hưởng. Thực tế những chủ trương rất đúng, rất tốt nhưng khi triển khai thực hiện thì rất ít tác dụng, thậm chí tác dụng ngược. Theo tinh thần của dự thảo luật việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc giảm giá thành tạo điều kiện cho sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp thuê hoặc mua nhà với giá rẻ, từng bước nâng cao chất lượng sống cho họ. Đây là một tin vui cho sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp nhưng lại là một thách thức lớn đối với cơ quan quản lý. Trong thực tế doanh nghiệp xây nhà ở bán và cho thuê cho nhiều thành phần trong xã hội. Việc phân chia đối tượng để áp dụng ở đây rất khó chính xác, dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để trốn thuế và gian lận thuế. Theo bản Báo cáo hàng năm của Chính phủ về việc thực hiện chính sách Nhà nước vẫn luôn tồn tại thất thu thuế khá lớn, trong đó có thất thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Với tình trạng quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo, năng lực quản lý của cán bộ ngành thuế còn hạn chế, một bộ phận cán bộ thuế thoái hóa, tiếp tay cho trốn thuế diễn ra ở nhiều nơi thì việc thất thu cho ngân sách Nhà nước là điều khó tránh khỏi. Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay nếu không có quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật, kết hợp với việc thanh tra, kiểm tra chặt chẽ thì dù có ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, các đối tượng khó khăn về nhà ở cũng khó tiếp cận một cách thực chất. Và hiệu quả của chủ trương này khó đạt được như mong muốn. Ví dụ như ký túc xá Thăng Long ban đầu xây cho sinh viên, nhưng thực tế hiện nay phần lớn diện tích trong ký túc xá là người dân bên ngoài vào mua, chỉ còn một phần rất nhỏ dành cho sinh viên thuê. Vì khi bán nhà cho người dân doanh nghiệp thu được nhiều lợi nhuận hơn và còn nhiều ký túc xá tương tự như vậy.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao nhu cầu nhà ở giá rẻ rất lớn mặc dù thời gian qua Chính phủ đã ưu đãi nhất định mà vẫn không thu hút được nhà đầu tư. Phải chăng vì đầu tư vào khu chung cư, căn hộ trung, cao cấp lợi nhuận của doanh nghiệp là rất lớn, khiến cho doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào phân khúc thị trường này. Như vậy muốn mở rộng phân khúc thị trường nhà giá rẻ phải đồng thời thu hẹp phân khúc nhà chung cư trung, cao cấp.

Với bản chất cốt lõi của doanh nghiệp là lợi ích, lợi nhuận, việc doanh nghiệp lợi dụng ưu đãi để tăng lợi nhuận là điều dễ hiểu. Theo tôi không nên đổ lỗi hết cho doanh nghiệp, cần nghiêm túc nhìn nhận phần trách nhiệm của những người vô tình hay cố tình tạo ra những kẽ hở pháp luật, thậm chí câu kết với doanh nghiệp để trục lợi bất chính.

Từ những phân tích nêu trên tôi xin đề xuất một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc cấp phép xây dựng, tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra đối với những dự án chung cư cao cấp, căn hộ cao cấp, nghiêm khắc hơn trong công tác thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư, giảm thiểu được ưu đãi tràn lan, kém hiệu quả, tránh tình trạng nhiều khu xây dựng xong không có người ở hoặc người mua mang tính chất đầu cơ gây lãng phí tài nguyên đất và làm cho thị trường nhà ở méo mó, sai lệch.

Thứ hai, Nhà nước đóng vai trò kiến trúc sư trưởng trong việc lập quy hoạch tổng thể, hợp lý để căn cứ vào quy hoạch đó phân định sự ưu đãi theo vùng, nâng cao tính hiệu quả của dự án.

Thứ ba, song hành với chính sách ưu đãi các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa năng lực quản lý và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngành thuế, tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, đề cao vai trò giám sát của nhân dân, đồng thời ban hành những chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, ngăn chặn những tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện.

Cuối cùng, nếu luật này được thông qua thì việc quy định đối tượng chịu thuế và những tiêu chí của những đối tượng được thụ hưởng cần phải được quy định ngay trong luật là phù hợp với Luật tổ chức Quốc hội hoặc nếu không thì phải được quy định ngay trong Nghị định của Chính phủ chứ không nên quy định cho Chính phủ bằng một văn bản khác giống như dự thảo nghị định. Quy định như vậy thể hiện tính kịp thời, công khai, minh bạch, đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo nhân dân. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan