Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường – TP Hà Nội

Thứ Tư 15:57 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách và lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cho phép tôi có một số ý kiến cụ thể cho dự án này như sau:

Thứ nhất, là về mức thuế suất Thuế giá trị gia tăng, Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu và người tiêu dùng cuối cùng là người phải trả thuế này. Nếu quy định như trong dự thảo Luật thì giảm mức thuế suất này từ 10% xuống 5% cũng là một điều kiện để giúp giảm giá bán nhà và cho thuê nhà. Về nguyên tắc thì sẽ có lợi cho người lao động. Tuy nhiên tôi cho rằng mức thuế là do Quốc hội chúng ta quy định, cho nên nếu chỉ hướng tới mục tiêu giảm giá thì cũng có thể áp dụng mức thuế 0% như hàng xuất khẩu.

Dự thảo khoanh vùng đối tượng là học sinh, sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp và điều này được hiểu là chỉ những đối tượng khoanh vùng mới được áp dụng thuế suất 5%, các đối tượng khác thì áp dụng thuế suất 10%. Trên thực tế khi bán, cho thuê sản phẩm của mình chủ đầu tư không thể biết được và cũng không có cơ sở nào để phân biệt được khách hàng của mình có đúng đối tượng được áp thuế 5% hay không. Do đó hoàn toàn có khả năng xảy ra việc áp thuế thiếu chính xác, làm phức tạp thêm quá trình khấu trừ và hoàn thuế cho cả người đầu tư lẫn cơ quan thuế. Tôi cho rằng nếu quy định như vậy thì một mặt sẽ hạn chế quyền kinh doanh của chủ đầu tư do không được phục vụ các đối tượng khác, làm giảm đi tính hấp dẫn của phân khúc thị trường này. Mặt khác có thể làm phức tạp thêm thủ tục hành chính, nếu người mua nhà, thuê nhà phải có xác nhận đúng đối tượng của các cấp có thẩm quyền và điều này sẽ trở thành một rào cản làm cho họ khó tiếp cận hơn với sản phẩm.

Thứ hai, là ngoài ra quy định mức thuế 5% với khoanh vùng đối tượng như trên cũng là thiếu công bằng bởi những đối tượng khác như giáo viên, công an, quân đội, thậm chí kể cả nông dân nữa và công nhân ngoài khu công nghiệp có nhu cầu mua nhà, thuê nhà thì có thuộc đối tượng hay không. Tham gia vào phân khúc thị trường này không chỉ có các doanh nghiệp mà còn có rất nhiều hộ gia đình tự bỏ vốn đầu tư để cho thuê, điều mà trên thực tế chúng ta thấy rất phổ biến xung quanh nhiều khu công nghiệp và trường đại học. Sự đầu tư này của nhân dân đang giúp giải quyết tới 80% nhu cầu về chỗ trọ, do đó việc giảm thuế suất giá trị gia tăng xuống 5% chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cũng là thiếu công bằng, đặt trong sự so sánh với những gia đình hiện đã và sẽ tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào nhà ở để cho các đối tượng thuê khi họ đang phải đóng đầy đủ thuế thu nhập cá nhân cũng như là thuế khoán.

Do tất cả những nguyên nhân trên cho nên tôi đề nghị giữ nguyên mức thuế suất 10% và thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng được thụ hưởng thông qua việc cho vay vốn hỗ trợ lãi suất hoặc áp dụng cơ chế mà cho vay lãi suất không phần trăm.

Thứ hai, việc sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, tôi cho rằng để hiện thực hóa được chủ trương giúp học sinh, sinh viên người lao động có thu nhập thấp có nhà ở, có chỗ thuê, tôi cho rằng có 3 việc cần được làm: Thứ nhất, phải tạo được quĩ nhà. Thứ hai quĩ nhà này phải có giá hợp lý. Thứ ba phải tạo ra sức mua cho các đối tượng được mua, được thuê.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ quy định về lợi nhuận định mức tối đa 10%, thời hạn thu hồi vốn tối thiểu 20 năm. Tôi cho rằng quy định như vậy chưa đủ sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Bởi vì quy định này chỉ có thể khả thi trong điều kiện nhà đầu tư đầu tư nhà ở để bán và phải bán được ngay lập tức, tức là người mua phải có đủ khả năng để thanh toán. Với mức lương trung bình khoảng 3 triệu đến 5 triệu đồng / tháng và khoản tiền 250 triệu đến 300 triệu đồng cần có để mua một căn hộ khoảng 40-50m2 cũng là một khoản tiền không nhỏ đối với người lao động. Nếu mà dự án cho thuê thì quy định như trên các chủ đầu tư sẽ hoàn toàn không có lợi nhuận. Từ thực tế này tôi nhất trí với dự thảo về việc có thể xem xét áp dụng ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê, cho các đối tượng được quy định ở mọi địa bàn trong nước và cho rằng đây sẽ là một cơ chế tốt, ổn định có tác động khuyến khích các chủ đầu tư. Ngoài công cụ thuế, tôi cũng đề nghị cần có cơ chế chính sách vay vốn ưu đãi cho chủ đầu tư miễn giảm tối đa các lĩnh vực tài chính liên quan đến đất và tiền thuê đất, các thủ tục hành chính đầu tư xây dựng cơ bản có mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để tạo quỹ nhà ở và giảm giá thành, bên cạnh đó cho hình thành vốn phát triển nhà ở, chính sách nơi người lao động tiếp cận để vay vốn với lãi suất ưu đãi trong dài hạn để tạo ra sức mua.

Thứ ba, về ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư mở rộng như dự án đầu tư thành lập pháp nhân mới tại các địa bàn lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Về cơ bản tôi có thể bày tỏ sự nhất trí với nội dung này và cho rằng quy định như vậy cũng là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, bởi vì việc bắt buộc thành lập pháp nhân mới mới được hưởng ưu đãi đầu tư cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải có thêm thủ tục tăng thêm chi phí cho bộ máy quản lý điều hành và làm phức tạp thêm công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên để đảm bảo trong việc được hưởng ưu đãi đầu tư tôi đề nghị quy định chi tiết về hình thưc hạch toán, về điều kiện và tiêu chí thực hiện ưu đãi và có xét đến yếu tố vùng, miền.

Hôm nay tại diễn đàn Quốc hội tôi cũng xin được phản ánh hiện thực là khó khăn trong viêc thi hành thuế với Bộ trưởng và Quốc hội. Tôi thấy rằng quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như luật hiện hành đang thực sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư phát triển ở các khu công nghiệp, bởi vì toàn bộ ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư mới vào khu công nghiệp đã bị bãi bỏ, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được áp dụng từ ngày mùng 1 tháng 1 năm 2009 lại đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và các dự án đầu tư công nghiệp. Nguồn vốn đầu tư FDI đã sụt giảm một cách đáng kể vào năm 2009 và số vốn thu hút được chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vão lĩnh vực khu công nghiệp đều mong muốn điều này được sửa đổi và cho rằng quy định như hiện hành đang làm giảm đi sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam so với các quốc gia xung quanh. Về dài hạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách cũng như cán cân thanh toán. Tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể.

Hiện tại chúng ta có 228 khu công nghiệp, 70% các khu công nghiệp này đã được triển khai ở các khu vực được đánh giá là bình thường, đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp đầu tư và đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho việc mở rộng các dự án. Tuy nhiên quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã xóa bỏ các ưu đãi nên đương nhiên các dự án mở rộng cũng không được hưởng ưu đãi này. Như vậy, việc sưa đổi nội dung ưu đãi lần này sẽ chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ có dự án mở rộng. Vì vậy việc sửa đổi này sẽ không mang lại ý nghĩa cho đa số các doanh nghiệp, không mang lại lợi ích lớn hơn, dài hạn hơn cho quốc gia. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng như Bộ trưởng có thể xem xét, cân nhắc để khôi phục lại ưu đãi cho các doanh nghiệp được thành lập mới trong các khu công nghiệp. Và việc sửa đổi cần được đáp ứng đúng mục tiêu là chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung quan trọng để giải quyết những vấn đề bức thiết nhất, trong đó việc tạo ra sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư quốc gia thể hiện cụ thể qua chính sách thuế nên được coi là một vấn đề quan trọng. Chính vì thế tôi cũng đề nghị rằng khi chúng ta sửa đổi luật thì sửa đổi một cách căn cơ để giải quyết những vấn đề hết sức bức xúc và bức thiết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan