Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường – TP Hà Nội

Thứ Hai 09:25 23-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự thảo luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách, tôi xin có một số ý kiến đóng góp cho dự thảo luật như sau:

Tôi bày tỏ sự đồng tình rất cao đối với cách đặt vấn đề của đại biểu Trần Du Lịch, cũng như phân tích của đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương. Tôi cho rằng sự phân tích, cách đặt vấn đề này rất trúng và đúng.

Về đối tượng chịu thuế, Điều 2 dự thảo luật quy định 3 đối tượng chịu thuế là nhà ở, đất ở và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Theo tôi chúng ta nên xem xét cân nhắc kỹ lưỡng lại việc đưa nhà ở thành đối tượng chịu thuế tại thời điểm này, bởi vì quyền có nhà ở, có nơi trú ngụ là quyền cơ bản của mỗi công dân và chúng ta nên tạo mọi điều kiện để công dân thực hiện các quyền cơ bản này.

Thứ hai là xuất phát từ văn hóa tiêu dùng của dân, thì việc mua và sở hữu một căn nhà, người dân chúng ta phải chắt chiu, tiết kiệm trong rất nhiều năm. Và trong nhiều trường hợp thì phải vay mượn của bạn bè, họ hàng, trường hợp có vay mượn ngân hàng thì cũng phải trả lãi. Mặt khác chúng ta đã đưa vào áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân với mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng trở lên. Nên tiền mua nhà sẽ là tiền công, tiền lương, tiền thu nhập sau thuế, do đó tiếp tục đánh thuế thì rõ ràng là thuế sẽ chồng lên thuế và như vậy là bất bình đẳng. Mặt khác nếu coi thuế nhà là một loại thuế đánh vào tài sản thì sự không công bằng càng thể hiện rõ, bằng nhiều loại tài sản khác như máy bay, du thuyền, các tư trang có giá trị lớn lại không phải đánh thuế. Theo báo cáo của Chính phủ thì hiện nay 1/3 cán bộ, công chức của chúng ta chưa có chỗ ở ổn định. Hơn nữa thu nhập bình quân đầu người cũng đang phấn đấu để đạt mức 1.200 USD tính theo GDP là mức thu nhập tương đối thấp so với khu vực và trên thế giới. Vì vậy thêm một suất thuế cũng đồng thời thêm nghĩa vụ cho cuộc sống còn đang eo hẹp của người dân. Tôi cho rằng quy định việc nhà ở thuộc diện chịu thuế sẽ ảnh hưởng đến nhiều triệu hộ gia đình và quy định này sẽ gây phát sinh tâm lý không đòng thuận trong dân chúng. Vì thế tôi xin có 3 đề nghị.

Thứ nhất, trước hết chưa áp dụng thu thuế đối với nhà ở.

Thứ hai, nếu trong trường hợp áp dụng thu thuế đối với nhà ở thì nên xác định một lộ trình bắt đầu tính thuế nhà ở phù hợp với mức thu nhập trung bình của người dân. Đồng thời công tác tuyên truyền đi trước một bước, tránh gây sốc hoặc bất đồng trong xã hội.

Thứ ba là chúng ta nên quy định một hạn mức về diện tích nhà ở tối thiểu cho một đầu người và hạn mức này sẽ không phải chịu thuế. Còn diện tích vượt hạn mức sẽ tính thuế dựa trên nguyên tắc sở hữu diện tích càng lớn, sẽ càng phải trả nhiều tiền thông qua việc áp dụng biểu thuế suất lũy tiến. Điều kiện để thực hiện việc này là chúng ta phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở, đất ở trên toàn quốc. Thông qua việc hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất mà Bộ tài nguyên và môi trường đang tiến hành.

Về người nộp thuế như tại Điều 4, ngoài các đối tượng là người nộp thuế nêu tại Điều 4 của dự thảo Luật, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần xác định cụ thể đối tượng nào là người nộp thuế đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Cụ thể là đối với khu công nghiệp thì ai sẽ là người nộp thuế đất này, là chủ đầu tư hay là người đầu tư thứ pháp. Theo quy trình thì chủ đầu tư là người ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước và trả tiền thuê đất hàng năm, được cấp sổ đỏ cho toàn bộ diện tích thuê. Khi chủ đầu tư cho thuê lại thì diện tích cho thuê lại sẽ bị trừ lùi trong tổng diện tích được thuê, các nhà đầu tư thứ pháp sẽ được cấp sổ đỏ cho từng lô đất thuê lại này. Như vậy các nhà đầu tư thứ pháp sẽ là người sử dụng cuối cùng đối với lô đất thuê lại. Do đó tôi đề nghị đối với trường hợp khu công nghiệp thì đối tượng nộp tiền thuê đất nếu có sẽ là nhà đầu tư thứ pháp là những người trực tiếp sử dụng và được cấp sổ đỏ.

Hai là, đối với đất sử dụng để xây dựng nhà chung cư cao tầng, căn hộ tôi đề nghị dự thảo Luật cần chỉ rõ đối tượng nộp tiền thuế đất là chủ đầu tư hay các hộ gia đình mua căn hộ để giải quyết những khúc mắc mà nhiều chủ đầu tư hay các hộ gia đình mua căn hộ đang gặp phải. Những tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ về tiền thuê đất tại Phú Mỹ Hưng vừa qua là một ví dụ rất điển hình cần được nhanh chóng tháo gỡ bằng những quy định của pháp luật.

Ba là, Tờ trình của Chính phủ có đưa ra lý do cần phải đưa đất thuê của Nhà nước vào diện chịu thuế đất để đảm bảo công bằng với hình thức Nhà nước giao đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tôi thấy phần giải thích này là thiếu tính thuyết phục và nếu cứ theo hướng này thì sẽ tạo nên sự bất bình đẳng rất lớn, đồng thời không giải quyết đúng bản chất của vấn đề. Đối với những trường hợp đất thuê của Nhà nước thì người sử dụng đất phải trả tiền thuê đất hàng năm. Về bản chất tiền thuê đất chính là một loại thuế mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước. Ngoài ra do trả tiền thuê đất hàng năm nên họ sẽ bị hạn chế số quyền, không giống như quyền được Nhà nước giao đất. Nếu tính thêm thuế đất cho phần đất thuê thì thuế sẽ lại chồng lên thuế. Do quy định trong dự thảo luật lần này có liên quan đến Luật đất đai, nhất là phần đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, nên nhân đây tôi xin đề nghị cho xem xét để điều chỉnh lại quy định tính tiền thuê đất đối với đất thuê của Nhà nước áp dụng cho hai đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư là người Việt Nam.

Theo Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì nhà đầu tư nước ngoài được quyền nộp tiền thuế đất 1 lần cho cả thời gian thuê, tức là 50 năm hoặc 70 năm, nhưng chủ đầu tư là người Việt Nam thì lại nộp tiền thuê đất hàng năm, tiền thuê hàng năm này lại thay đổi theo xu hướng ngày càng tăng lên, nên quy định như hiện hành đang gây ra sự phân biệt đối xử rất lớn giữa các hình thái đầu tư. Theo đó các doanh nghiệp Việt Nam chịu bất lợi hơn các đối tác nước ngoài. Quy định như vậy làm cho các nhà đầu tư khu công nghiệp là người nước ngoài tận dụng làm lợi thế trong cạnh tranh các doanh nghiệp Việt Nam. Do doanh nghiệp Việt Nam không thể xác định được chính xác giá thành vì chi phí liên quan đến tiền thuê đất luôn luôn là một biến số. Do đó tôi đề nghị xem xét để có chỉnh sửa kịp thời nhằm tháo gỡ vướng mắc cho khối doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất và đảm bảo sự bình đẳng cho các đối tượng kinh doanh khi cùng tham gia một ngành hàng, một lĩnh vực và trên cùng thị trường.

Về thuế suất, Điều 7, thuế suất đối với đất ở. Tôi cho rằng quy định như dự thảo luật có lẽ việc hạn chế đầu cơ đất đai chỉ dừng lại ở mức độ mong muốn mà thôi. Nếu áp dụng mức thuế suất như dự thảo với ý nghĩa là sự tập dượt thì tôi cho rằng dự luật này nếu có được các đại biểu Quốc hội chúng ta thông qua thì chắc chắn sẽ nhanh chóng phải sửa đổi và điều chỉnh và có lẽ đây là một điều mà Quốc hội cũng như cá nhân tôi không hề mong muốn.

Về thuế suất đối với nhà ở. Tờ trình diễn giải dự luật nêu rõ lý do tại sao lại lấy giá khởi điểm áp với nhà ở là 500 triệu. Theo tôi việc lấy một con số tuyệt đối như vậy trong dự án luật là điều không nên. Bởi vì quy định như vậy có thể đúng tại thời điểm hiện nay nhưng chỉ trong một tương lai rất gần, rất gần nữa thôi sẽ không còn đúng nữa. Cụ thể, với mức trượt giá là 8 - 10%/năm thì các ngôi nhà có giá trị nhỏ hơn 500 triệu sẽ nhanh chóng trở thành đối tượng nộp thuế nhà ở. Như vậy chính sách của chúng ta chỉ trong một thời gian rất hữu hạn sẽ đưa rất nhiều đối tượng nghèo vào diện đóng thuế nhà ở. Điều này đưa dự luật đi chệch mục tiêu cần định hướng. Vì thời gian đã hết, cho nên tôi sẽ gửi bài phát biểu của mình cho Đòan thư ký kỳ họp. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan