Góp ý của đại biểu Quốc hội H’ Luộc Ntơr – Đắc Lắk

Thứ Hai 09:24 23-11-2009

Kính thưa Đoàn chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Qua 2-3 đồng chí đại biểu phát biểu trước tôi, về quan điểm mà nói tôi cũng có những quan điểm tương tự như thế nhưng qua quá trình trong thực tế ở địa phương thì tôi cũng muốn thể hiện quan điểm của mình trong luật này. Từ trước đến giờ chưa bao giờ tôi thấy có luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình với Quốc hội mà số chương, số điều ít như thế này. Chỉ có 4 chương và 12 điều, cho nên tranh luận từng điều khoản của luật thì cũng chỉ dành cho các vị ở trong chuyên môn, trực tiếp xây dựng luật và các đồng chí có liên quan sẽ nói với đại biểu Quốc hội có tính thuyết phục hơn. Bản thân tôi tôi xin tham gia nói về quan điểm của mình. Riêng tôi đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế, tính hợp lý của việc bổ sung nhà ở vào đối tượng chịu thuế, tôi đồng ý với dự thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách, nhưng tôi thấy trong thời điểm hiện nay tôi cảm thấy khó thực thi. Theo tôi nghĩ rằng Ban soạn thảo cần chuẩn bị kỹ hơn, dành thời gian nhiều hơn để kiểm tra đánh giá nhu cầu nhà ở hiện nay của người dân, tâm tư nguyện vọng của người dân hiện nay như thế nào, có tán thành với dự án của luật mà Ban soạn thảo đưa ra chưa.

Tôi thấy lâu nay chúng ta đã thực hiện thu thuế đất thổ cư, nhưng trong mỗi người dân và bản thân tôi nghĩ rằng thu thuế đất có nghĩa là thuế nhà, đất. Cho nên mỗi người dân cứ nghĩ rằng mình đã làm tốt nghĩa vụ của công dân đối với đất nước là đóng thuế nhà, đất đều trong năm. Để làm được một nhà người dân cũng như ý kiến đại biểu đã phát biểu, người dân nhất là người lao động chân tay người ta đã chắt chiu, tiết kiệm, với thời gian rất lâu dài, khi đủ số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân, có thuế thuê người xây dựng công trình nhà đó và xin phép làm nhà trên đất đó.

Tôi thấy rằng việc đánh thuế như quy định trong dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế mà dân chưa hiểu và chưa thể đồng tình với chúng ta khi luật này chúng ta ban hành. Nhà, đất sẽ là vấn đề rất nhạy cảm vì như đại biểu Điểu K'ré đã phát biểu, nhất là đối với đồng bào dân tộc hiện nay sống ở thành phố và thị xã. Trong điều kiện hiện nay dù ở thành phố đô thị hay ở miền núi, miền xuôi nhưng người dân vẫn còn đang khó khăn về đời sống. Việc áp dụng thêm một sắc thuế khi ta chưa giải thích cho người dân hiểu thì người dân sẽ không đồng tình và người ta sẽ có phản ứng, như lâu nay tôi thấy thực tế ở tỉnh chúng tôi đường nhựa lớn thì đóng thuế rất nhiều, cho nên đồng bào chúng tôi phải bán nhà, bán vườn trên mặt tiền đường nhựa đó để người ta ở lùi về phía sau, đó cũng là phản ứng, tôi nghĩ mà chúng ta cho đóng thuế nhà ở mà người ta chỉ có một nhà ở thôi thì chúng ta đóng thuế, nếu chúng ta không có một thời gian giải thích để làm tư tưởng cho người dân thì tôi e rằng người dân sẽ không làm nhà. Mục tiêu của chúng ta là tất cả mọi người phải phấn đấu làm nhà khang trang ở,. xóa đói giảm nghèo. Tôi nghĩ sẽ không thực thi trong thực tế.

Tôi cũng đồng ý với dự thảo luật là đưa nhà vào diện chịu thuế nhưng tôi chưa đồng tình trong lúc này vì lý do tôi đã trình bày ở trên, cần chuẩn bị lộ trình hợp lý hơn, giả sử thực hiện thu thuế nhà từ ngày 1 tháng 1 năm 2012 thì đối với nhà ở đô thị, thị xã, thị trấn. Còn đối với nông thôn thì chúng ta có lộ trình dài hơn vào năm 2020 chẳng hạn. Tôi cũng đề nghị nên thu thuế đối với người sở hữu nhiều nhà và nhà quá lớn vượt hạn mức nhà cho thuê, không nên thu thuế đối với nhà ở của một người dân chỉ có một nhà và những người làm công ăn lương, người nghèo, nhất là người nghèo mua nhà chung cư, còn người thương binh, con em của họ hiện nay chưa được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, tôi nghĩ không nên thu.

Về giá nhà để áp thuế cũng căn cứ vào giá trị thị trường ở mỗi vùng, miền khác nhau, nó không giống nhau về giá đất, nguyên vật liệu phải chuyên chở cũng không giống nhau. Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng phân tích kỹ vấn đề này, do đó chúng ta áp giá cùng một mức như thế này tôi nghĩ khó thực hiện trong thực tế.

Điều 12, về thời điểm có hiệu lực của văn bản, tôi đề nghị nên kéo dài thời gian, hợp lý nhất là vào ngày 1/1/2012. Xin hết.

Các văn bản liên quan