Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nga – Hải Dương

Thứ Năm 11:03 17-06-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản, tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Bên cạnh đó, tôi xin có thêm một số ý kiến sau góp ý vào dự thảo luật thanh tra (sửa đổi).

Thứ nhất, về cấu trúc Luật thanh tra (sửa đổi). Theo tôi nên giữ nguyên chương quy định về thanh tra nhân dân trong dự thảo luật thanh tra sửa đổi. Để đảm bảo tính ổn định tổ chức và hoạt động của thanh tra nhân dân để không tổ chức thanh tra cấp xã, phường, thị trấn.

Hai là về tổ chức và hoạt động của thanh tra từ Điều 22 đến Điều 31. Trong việc cấu trúc lại tổ chức thanh tra, việc thành lập thanh tra chuyên ngành là vấn đề lớn cần được quan tâm nhất đối với dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi). Tôi thấy việc xuất hiện thêm nhiều cấp thanh tra có thể sẽ làm cho hiệu lực thanh tra giảm đi. Theo tờ trình của Chính phủ sau hơn 6 năm thi hành Luật thanh tra đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn của hoạt động thanh tra hiện nay. Luật thanh tra hiện hành chỉ quy định có thanh tra Bộ, thanh tra sở, trong khi đó, hiện nay nhiều bộ được giao cho quản lý đa ngành, đa lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo phân cấp, do đó xuất hiện thanh tra Tổng cục, cục thuộc bộ. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động thanh tra còn nhiều lúng túng vì thiếu thống nhất.

Thực tiễn cho thấy, tổ chức, hoạt động nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành đang được quy định rất khác nhau ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật cho 30 đạo luật, 8 nghị định, 20 quyết định và 4 thông tư của Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ.

Có nhiều ý kiến cho là việc quy định thành lập thanh tra chuyên ngành trong dự thảo luật nhằm hợp thức hóa thanh tra chuyên ngành đang hoạt động ở một số cơ quan cấp Tổng cục, Cục thuộc bộ. Tôi nghĩ, về vấn đề này, cơ quan soạn thảo nên giải trình rõ thêm. Thiết nghĩ, thanh tra chuyên ngành chỉ tổ chức ở cấp Bộ, cấp Tổng cục, Cục thuộc Bộ chứ không nên thành lập thanh tra chuyên ngành ở chi cục thuộc sở.

Cần phải hạn chế tối đa việc tăng cường đầu mối, tạo nhiều tầng nấc chồng chéo trong tổ chức hoạt động thanh tra, vì trong các cuộc thanh tra chuyên ngành cùng với các thanh tra viên, chúng ta hoàn toàn có thể trưng tập các cộng tác viên thanh tra là cán bộ, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực đó tham gia vào đoàn thanh tra. Do đó, tôi đề nghị bỏ các điều khoản trong dự thảo luật sửa đổi có nội dung liên quan tới tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của thanh tra chi cục thuộc sở.

Thứ ba, về tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra. Theo tôi, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra Nhà nước, các thanh tra viên được quyền xử lý vi phạm hành chính để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra. dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) được thiết kế theo hướng Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ thanh tranh những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Trong vấn đề này, tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật là nếu giữ địa vị pháp lý của Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ thì chức năng, nhiệm vụ quyền hạn phải mang tính độc lập chủ động rõ nét hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động của thanh tra. Thêm vào đó tôi thấy phải đề cao việc hiện đại hóa ngành thanh tra, đặc biệt trong vấn đề áp dụng công nghệ mới nhất là công nghệ thông tin. Từ đó bộ máy sẽ đơn giản, hiệu lực của thanh tra sẽ được nâng cao hơn.

Thứ tư, về thời hạn thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra chuyên ngành, về vấn đề này tôi đề nghị giữ nguyên các quy định như của Luật thanh tra năm 2004. Ngoài ra tôi thấy tại Khoản 1, Điều 51 về thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành chưa đầy đủ và chặt chẽ vì thiếu chánh thanh tra Sở. Tôi đề nghị bổ sung Khoản 1 Điều 51 sẽ được viết lại như sau: Chánh thanh tra Bộ, Chánh thanh tra Tổng cục, Chánh thanh tra cục thuộc bộ, Chánh thanh tra Sở ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra hoặc phân công thanh tra viên chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Cuối cùng tôi đề nghị cần phải tổng kết đánh giá kỹ hơn, sâu sắc hơn kết quả của Luật thanh tra năm 2004, cần phải nêu lên được những điều nào, khoản nào của Luật thanh tra năm 2004 không còn phù hợp, để từ đó đề xuất hướng giải quyết như thế nào và tại sao lại như vậy. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan