Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào – TP Hà Nội

Thứ Hai 11:13 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội,

Tôi có 2 ý kiến nhỏ khi chúng ta bàn về Luật tố tụng, lẽ tất yếu là chúng ta thừa nhận chúng ta bàn về sự can dự của Nhà nước vào các tranh chấp dân sự. Nếu nói về tranh chấp dân sự lại khác khi nói tố tụng, tức là chúng ta thừa nhận sự can dự của Nhà nước. Về lý thuyết chúng ta thường nói việc dân sự cốt ở hai bên nhưng nếu cốt ở hai bên hòa giải thì khỏi cần tố tụng. Khi đã tố tụng thì dứt khoát không thể thiếu sự can dự của nhà nước. Với lý thuyết như vậy tôi rất đồng ý và tán thành sự can dự của Viện kiểm sát với tư cách là cơ quan giữ quyền công tố.

Trình độ của các quan tòa Việt Nam hiện nay đang ở mức không thể phó mặc cho họ phán xử, tôi nói nghiêm túc. Điều này có nghĩa là nhân dân chúng ta luôn có nguy cơ bị thiệt thòi, bị lợi dụng. Vậy cớ gì chúng ta lại không cho một cơ quan nhà nước được giữ quyền công tố can dự vào việc giám sát việc thực hiện tố tụng dân sự này, tôi thấy các vị đại biểu băn khoăn. Ở phương tây người ta đưa khẩu hiệu "Việc dân sự cốt ở đôi bên" nhưng cuối cùng người ta vẫn phải can dự. Tôi nghĩ lý do thứ nhất chúng ta không nên tranh cãi nhiều, vấn đề ở đây là chúng ta can dự như thế nào. Can dự có tính chất can thiệp hay can dự có tính chất giải thích, bổ sung thêm hay ngăn ngừa thì đó là việc của anh Vượng. Cho nên tôi quan niệm đây chưa phải là cụ thể và chi tiết, cũng chỉ là khung thôi về việc Viện kiểm sát tham dự vào tố tụng dân sự. Tôi đề nghị phải cụ thể hơn nữa là tham dự như thế nào. Tham dự phát biểu ý kiến hay tham dự ngồi xem xét, tham dự lật lại vụ án v. v.... vấn đề này phải rõ.

Với 2 lý do đó tôi hoàn toàn ủng hộ việc can dự của cơ quan nhà nước trong tố tụng dân sự và phải làm rõ việc can dự ấy không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên đầu chứ không phải đặt mục tiêu là xem xét hoạt động của tòa án. Xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan