Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng – Thái Nguyên

Thứ Sáu 10:53 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phát biểu 3 ý kiến. Thứ nhất là sự cần thiết, thứ hai là vấn đề quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các cơ quan tổ chức và cá nhân, thứ ba là vấn đề xã hội hóa hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước hết về sự cần thiết, tôi cho rằng luật nào cũng cần thiết nhưng mà riêng luật này rất cần thiết. Bởi vì là chúng ta đang xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, hơn nữa chúng ta vừa mới tiến hành giám sát tối cao của Quốc hội về lĩnh vực này và thấy rằng tình trạng mất an toàn thực phẩm đang là nguy cơ đe dọa đối với mọi cá nhân, mọi gia đình, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, trường học ở Việt Nam. Mà theo như kết quả giám sát vừa rồi thì cứ 10% số lần kiểm tra là có vi phạm về an toàn thực phẩm. Nếu mà tính ra số dân thì ta ước tính khoảng trên 8 triệu người có nguy cơ trực tiếp về mặt an toàn thực phẩm.

Thứ hai là sự vi phạm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Có những vụ không thể nào chấp nhận được cả về mặt đạo lý và pháp lý. Đúng là theo kiểu là "sống chết mặc bay còn tiền tao bỏ túi", xin lỗi Quốc hội tôi dùng từ như vậy. Tôi nghĩ đây là luật cần ưu tiên ban hành.

Thứ hai, về một nội dung được đề cập trong dự thảo và qua thảo luận, qua giám sát nhiều ý kiến phát biểu nhưng chưa được rõ lắm, đó là vấn đề quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Chúng ta nhớ giám sát lần trước Bộ trưởng Bộ Y tế có nói "con đường từ thức ăn đến mỗi mâm cơm của gia đình có trách nhiệm của nhiều bộ", chúng tôi thấy đúng là như vậy. Nếu không có sự quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thì luật vẫn chỉ là luật khung và khó có hiệu quả thực tế trong cuộc sống.

Tôi đề nghị cần dựa trên quy trình lưu thông của hàng hóa và thực phẩm để từ đó nghiên cứu quy định trách nhiệm của các bộ, ngành. Chúng ta hình dung quy trình giao thông của hàng hóa là thực phẩm như sau: trước hết là nguồn gốc có thể là nơi sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, rồi đến lưu thông, chế biến, kinh doanh rồi có thể quay trở lại lưu thông, đến người tiêu dùng. Quy trình trực tiếp hơn là nơi sản xuất, lưu thông rồi đến người tiêu dùng. Trực tiếp hơn nữa là sản xuất rồi đến tiêu dùng.

Từ quy trình như vậy, trong mỗi khâu ta xem xét kỹ đến các yếu tố có liên quan đến an toàn thực phẩm. Ví dụ trong sản xuất nông nghiệp, những khâu liên quan đến an toàn thực phẩm bao gồm giống, tình trạng miễn dịch, việc sử dụng thuốc kháng sinh hay các chế phẩm bảo vệ thực vật. Nếu nghiên cứu từ khía cạnh đó thì ta sẽ quy định được trách nhiệm của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn. Ví dụ việc thanh tra thường xuyên, phát hiện vi phạm để tùy theo mức độ để xử lý, có thể là cảnh cáo răn đe, phạt tiền, kiến nghị xử lý hình sự. Mức độ phạt của chúng ta vừa rồi quá nhẹ, như kết quả giám sát của Thái Nguyên chúng tôi tính tổng số tiền thu phạt trên số vụ phạt tiền bình quân chỉ có 180.000đ tiền phạt một vụ, như vậy là quá nhẹ và không có tác dụng răn đe, không có giáo dục mấy. Vì vậy tôi đề nghị cũng phải có chế tài rõ trong luật hoặc trong nghị định.

Một ý nữa trong quy định trách nhiệm của các bộ, ngành và các địa phương, ngoài trách nhiệm quản lý Nhà nước còn có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Chúng tôi đi giám sát thấy một đồng chí hiệu trưởng trường mầm non rất thiếu văn bản,chúng tôi hỏi pháp lệnh có không? không có, nghị định có không, không có, chỉ có hướng dẫn của Sở giáo dục và đào tạo. Chúng tôi nghĩ trách nhiệm của người quản lý như vậy là không hoàn thành, vì thế phải làm rõ trách nhiệm không những ở góc độ quản lý Nhà nước mà cả ở góc độ tổ chức thực hiện pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vấn đề thứ ba là vấn đề xã hội hóa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, có thể nói an toàn thực phẩm trước hết có trách nhiệm quản lý của Nhà nước nhưng lại là một vấn đề xã hội hết sức rộng lớn liên quan đến từng người, từng gia đình. Để đảm bảo an toàn thực phẩm thì một con đường vô cùng quan trọng là xã hội hóa hoạt động này, đặc biệt là việc tổ chức và phát huy vai trò của các hội, các hiệp hội trong lĩnh vực sản xuất lưu thông, chế biến kinh doanh, tiêu dùng. Các hội và hiệp hội này hoạt động theo quy định của pháp luật, tự họ sẽ có những quy định để quản lý, giáo dục, động viên, hỗ trợ trong thực hiện pháp luật, giữ gìn và chữ tín trong kinh doanh, trong sản xuất và đấu tranh đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng cho mỗi hội viên, thành viên, kể cả trong tình huống ngược, tức là tình huống thực ra thực phẩm rất an toàn nhưng lại bị cơ quan báo chí hay một luồng thông tin nào đó nói rằng mất an toàn cho nên bị thiệt hại rất nghiêm trọng về thương hiệu, về kinh tế. Các hội và hiệp hội này sẽ phát huy vai trò trong những trường hợp như vậy.

Xem lại trong dự thảo tôi thấy chưa đề cập đến vấn đề về việc tổ chức và phát huy vai trò của các hội, hiệp hội cho nên tôi xin đề nghị trong luật nên có một chương riêng về vấn đề này, có thể gọi là chương về việc tổ chức các hội, hiệp hội hay chương về xã hội hóa đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu không chí ít thì cũng quy định thành một số điều, tôi đề xuất quy định vào Chương VIII là chương thông tin giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm để tăng cường hơn nữa, xã hội hơn nữa hoạt động về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời cũng quy định bổ sung trách nhiệm quản lý Nhà nước về việc quản lý đối với hoạt động của các hội và hiệp hội này trong phần quản lý Nhà nước. Tôi xin có mấy ý kiến như vậy, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan