Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

Thứ Tư 09:49 26-05-2010

Kính thưa các vị Chủ tọa,

Kính thưa các vị đại biểu.

Trước hết chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Hội Luật gia Việt Nam đã tự gánh lấy trách nhiệm soạn thảo Luật trọng tài thương mại để trình Quốc hội và cũng đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một bản Báo cáo rất kỹ dài tới 14 trang. Tuy nhiên, khi nghiên cứu luật này, tôi có một số thắc mắc như sau và xin trình bày với Quốc hội.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh theo bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tên của luật này chúng ta hiểu đây là luật quy định về việc giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực thương mại. Nhưng đọc Điều 3 giải thích từ ngữ thì chúng tôi thấy không biết suy nghĩ của mình có đúng hay không, bởi vì chúng ta giải thích trọng tài thương mại là phương thức giải quyết các tranh chấp, tranh chấp này không nói là tranh chấp trong lĩnh vực thương mại. Khoản 3 là tranh chấp yếu tố nước ngoài cũng nói là tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài chứ không nói là thương mại. Theo tôi cần phải giải thích rõ, nếu không cần phải sửa lại cách trình bày này để làm sao chúng ta hiểu một cách thống nhất.

Thứ hai, chúng tôi muốn nói về đối tượng áp dụng. Luật này không có điều khoản nào nói về đối tượng áp dụng cho nên người đọc luật, nhất là người dân bình thường đọc thì rất khó theo dõi. Tôi nghĩ phải quy định ngay trong luật này đối tượng áp dụng là gì và áp dụng đối với các doanh nghiệp, đối tượng áp dụng cả đối với người tiêu dùng, cũng cần phải quy định là người tiêu dùng Việt Nam hay doanh nghiệp Việt Nam có thể thoả thuận đưa ra trọng tài xử lý tranh chấp với ai, với doanh nghiệp nước ngoài đóng trên lãnh thổ Việt Nam đã đành rồi, nhưng có thể giải quyết tranh chấp với doanh nghiệp nước ngoài đóng trên lãnh thổ nước ngoài có hoạt động liên quan đến người Việt chúng ta hay không, theo chúng tôi là cần phải nói cho rõ. Bây giờ khi đã tham gia vào hội nhập quốc tế thì chắc rằng trọng tài của mình cũng như các cơ quan tư pháp của mình phải vươn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của người dân Việt Nam, nhất là trong trường hợp người dân Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài người ta có thoả thuận  là giải quyết bằng trọng tài Việt Nam. Theo tôi phần đối tượng áp dụng cần phải có nếu không rất khó theo dõi.

Thứ ba, chúng tôi muốn nói đến thuật ngữ. Thật ra khi nói đến thuật ngữ và giải thích thuật ngữ mọi người đều cho là chuyện nhỏ và không muốn bàn nhiều. Tôi cũng đồng ý như thế, nhưng riêng ở lĩnh vực này thuật ngữ có nhiều vấn đề, giải thích từ ngữ có nhiều vấn đề. Tôi xin chỉ lấy 1, 2 dẫn chứng vì nó quá nhiều. Dẫn chứng trọng tài thương mại ở đây được giải thích là gì? Là phương thức giải quyết  tranh chấp do các bên thỏa thuận. Thế thì chúng ta hiểu là đọc lên Điều 1 phạm vi điều chỉnh nói luật này quy định về thẩm quyền của trọng tài thương mại, trọng tài thương mại ở đây được hiểu là gì? Thẩm quyền của phương thức giải quyết tranh chấp, nếu mà theo đúng giải thích từ ngữ như thế này thì phải hiểu như thế. Chúng tôi xin nói có hàng loạt giải thích từ ngữ ở dưới này nó đều có bất ổn như vậy. Ví dụ trọng tài quy chế, trọng tài vụ việc đó là hai loại trọng tài nhưng giải nghĩa lập tức khác nhau. Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp, còn trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài, tôi cho thuật ngữ cũng cần phải soát lại cho rõ. Hoặc là có thuật ngữ hết sức quan trọng mà trong Báo cáo tiếp thu, giải trình Uỷ ban thường vụ cũng nói phán quyết không có mục riêng để giải thích. Trong khi đó phán quyết của trọng tài nước ngoài thì lại được giải thích. Khi ta đã giải thích được phán quyết rồi thì không cần phải có mục phán quyết của trọng tài nước ngoài. Mà trọng tài nước ngoài là gì theo tôi có thể hoàn toàn hiểu được không nhất thiết phải đưa vào mục giải thích từ ngữ ở đây. Chúng tôi cho rằng nếu bây giờ luật là luật chuyên ngành khó như thế này mà mình không làm tốt công tác giải thích từ ngữ thì có thể nói người dân rất khó hiểu, khó vận dụng, khó thi hành.

Vấn đề thứ tư, chúng tôi muốn nói qua luật này chúng tôi thấy băn khoăn về tính chất tự nguyện trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tức là hai bên phải tự nguyện thỏa thuận với nhau. Nhưng trong này trọng tài lại đưa cả tòa án vào đây, ví dụ Điều 48 quy định tòa án phải gửi giấy triệu tập đến nhân chứng, nhân chứng không có mặt, rồi đưa cả thi hành án vào đây, cả áp dụng biện pháp khẩn cấp vào đây, theo tôi chỗ này cần phải tính lại. Bởi vì nếu chúng ta giải quyết theo phương thức như thế thà để Tòa án và để thi hành án người ta giải quyết còn hơn là mình giải quyết bằng trọng tài. Ở đây phải phân biệt hai chuyện, một chuyện hoàn toàn giải quyết theo thỏa luận giữa các bên dân sự. Chuyện thứ hai là giải quyết bằng Tòa án và hệ thống chính quyền. Hai chuyện đó phải khác nhau, nếu bây giờ mình để lẫn lộn hai chuyện như thế này thì chúng tôi thấy giải quyết bằng trọng tài rất ít ý nghĩa. Cho nên chúng tôi đề nghị phải cân nhắc.

Mặt khác, hiện nay chúng tôi xin nói Tòa án và thi hành án ngập đầu với các công việc, ngay thực hiện những nhiệm vụ chính của mình cũng không xong, chúng tôi không biết sẽ giải quyết như thế nào. Về lý mà nói ông trọng tài thu tiền dịch vụ của người ta, bây giờ ông lại bắt Tòa án, thi hành án phải đứng ra giải quyết giúp cho ông, như thế có hợp lý hay không?

Vấn đề thứ năm, chúng tôi xin nói hàng loạt các điều khác chúng tôi thấy rất thắc mắc. Ví dụ, bây giờ nguyên đơn người ta nộp đơn ở Trung tâm trọng tài rồi, bây giờ bị đơn không đồng ý, lại phải chuyển đến một trung tâm khác hay sao? Hay hai bên phải thỏa thuận với nhau cùng đến một trung tâm nào đó. Chúng tôi cho rằng chỗ này phải có quy định rõ. Hoặc Điều 10 nói về ngôn ngữ thì nói áp dụng tiếng Việt. Nếu xử giữa người Việt với nhau, nhưng nếu người Việt là người dân tộc, nhất là người tiêu dùng là đồng bào dân tộc người ta không thạo tiếng Việt lắm thì có dịch hay không? Chỗ này theo tôi cũng phải căn cứ vào quy định của Luật dân dự để quy định cho rõ.

Điều 14 về việc luật áp dụng để xử lý. Chúng tôi rất băn khoăn, ở đây mặc dù đã đưa ra đến 3 trường hợp rồi, nhưng trường hợp thứ 3 là trường hợp chúng tôi băn khoăn, là trong trường hợp mà luật pháp Việt Nam, luật pháp nước ngoài đều không có quy định thì phải áp dụng tập quán quốc tế, nhưng lại không được trái với nguyên tắc của luật Việt Nam. Giả sử tập quán quốc tế trái với nguyên tắc Việt Nam thì ta dựa vào đâu ta xử? Điều này cũng phải có quy định rõ, không thể nói buông như thế được. Bởi vì nếu gặp trường hợp đấy là trọng tài chịu, không biết dựa vào đâu mà xử theo hướng dẫn của luật hoặc Điều 21 nói đến quyền, nghĩa vụ của trọng tài viên thì có quyền được nhận thù lao cái đó là chính đáng, nhưng mà chúng ta phải quy định như thế nào để nó đừng biến thành thù lao, đừng biến thành các khoản tiêu cực phí làm lệch lạc các vụ việc mà giải quyết bằng trọng tài. Chúng tôi xin có một số ý kiến vắn tắt sau khi đã nghiên cứu dự thảo mới của luật mà chúng tôi cho rằng là luật này cần thiết, nhưng mà chắc phải sửa chữa một cách hết sức là cẩn trọng, hết sức kỹ càng thì mới có thể thông qua trong kỳ họp này được, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan