Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu – Đắc Lắk
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin có một số ý kiến xoay quanh dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) như sau:
Trước hết có thể nói bản thân tôi là đại biểu rất hài lòng về dự thảo này, bởi một lẽ dự thảo luật được chuẩn bị hết sức công phu, tỉ mỉ. Có một điều chỉ mang tính chất kỹ thuật thôi, tuy rất nhỏ nhưng lại có một ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Đó là việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự rất dễ đọc, rõ ràng, dễ hiểu và cách sửa đổi dù chỉ là một, hai chữ trong một khoản cũng được coi là sửa đổi một điều. Như vậy khi ta đọc đến một điều rõ ràng ta không cần phải tra cứu lại, đối chiếu lại đối với luật cũ, rất thuận lợi, giúp cho đại biểu khi nghiên cứu dự thảo luật không mất nhiều thời gian. Trong khi đó cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua một số luật, có những luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều như Luật Chứng khoán có khi sửa đổi đến 4, 5 khoản nhưng chưa được coi sửa đổi 1 điều, như vậy khi áp dụng chúng ta lại phải tra cứu, dẫn đến tình trạng nhầm lẫn. Tôi nghĩ đây cũng là một trong những điều chúng ta đề nghị với các cơ quan chức năng của Quốc hội, của Chính phủ cần nghiên cứu về mặt kỹ thuật để chúng ta có thể sửa đổi ở những luật khác được tốt hơn. Về mặt kỹ thuật tôi xin có ý kiến như vậy.
Về mặt nội dung, tôi hoàn toàn ủng hộ và đánh giá cao với ý kiến của đại biểu Loan và đại biểu Hương, trong thực tế hiện nay khi giải quyết các vụ án đương sự hàng ngày chúng ta thấy việc tham gia của Viện kiểm sát chúng tôi không phủ nhận, chúng tôi đánh giá rất cao tính khách quan, tính chính xác của Viện kiểm sát khi tham gia giải quyết các vụ án dân sự. Chúng tôi thấy giữ như hiện tại là phù hợp, bởi lẽ nếu Viện kiểm sát tham gia vào việc giải quyết các vụ án dân sự phải thông qua việc phát biểu quan điểm, việc phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát rõ ràng ít hoặc nhiều cũng tác động vào ý chí chủ quan của các đương sự cũng như ý chí chủ quan của Hội đồng xét xử. Trong khi các đồng chí thừa nhận Hội thẩm nhân dân thì không phải ai cũng qua cử nhân luật, thế mà khi thấy ông kiểm sát viên ông ấy nói như vậy thì rõ ràng cũng có tác động vào ý chí. Cho nên tôi thấy việc Viện kiểm sát nói rằng không có hồ sơ để xem xét, để kháng nghị này khác thì tôi thấy là không phải. Bởi vì trong thực tế hiện nay sau khi xét xử khi có yêu cầu của kiểm sát viên thì các thẩm phán phải chuyển hồ sơ cho kiểm sát viên nghiên cứu. Nếu thấy đúng thì thôi, còn nếu không thì vẫn kháng nghị theo con đường giám đốc thẩm. Tôi thấy con đường đó hiện nay phù hợp hơn và để đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh. Nếu Viện kiểm sát vẫn cứ tham gia vào thì như vậy tòa án cũng đi điều tra, đi xác minh, thu thập chứng cứ trong một số trường hợp cần thiết và Viện kiểm sát cũng làm việc đó, như vậy vô tình chúng ta thấy rõ ràng có 2 cơ quan cùng làm một việc và sẽ gây rắc rối cho vụ án. Tôi thấy rằng để đảm bảo tính khách quan của vụ án, không có nghĩa phải tham gia phát biểu quan điểm, hoặc phải tham gia về việc giải quyết vụ án mà hoàn toàn viện kiểm sát có thể đứng ngoài. Anh phải đứng ngoài thì anh mới thấy được sự đúng, sai của các bên thì anh mới có thể giải quyết được. Nếu anh tham gia vào vụ đó nữa thì tôi thấy việc giải quyết không thể mang tính khách quan được và cũng không đảm bảo tính đúng đắn của vụ án được.
Thứ hai là tôi cũng xin có ý kiến đó là việc Hội đồng định giá tài sản. Báo cáo các đồng chí đây là một trong những vấn đề rất vướng mắc hiện nay của Tòa án nhân dân các cấp vì gặp rất nhiều khó khăn. Điều kiện, cơ sở vật chất cũng như các cơ chế hiện nay tôi thấy rằng nếu theo như dự thảo mà chúng ta giao cho cơ quan tài chính thì cũng là biện pháp để giúp cho Tòa án nhân dân định giá tài sản được nhanh hơn, đảm bảo tính khách quan hơn, còn nhanh hơn thì tôi chưa dám nói, nhưng đảm bảo tính khách quan hơn. Tuy nhiên, đây có một điều đặt ra tôi thấy chúng ta cũng cần phải có nghiên cứu để bổ sung cho nó phù hợp hơn đó là trong thời hạn chung của việc giải quyết vụ án dân sự thì thời hạn để định giá cũng phải được nghiên cứu và ghi rõ vào trong luật. Bởi một lẽ cơ quan tài chính là thuộc cơ quan hành pháp, tức là thuộc Ủy ban nhân dân, còn cơ quan tòa án là cơ quan tư pháp. Vì vậy, khi thực hiện quyết định này thì vấn đề đặt ra là có cơ quan tài chính người ta sẽ gây khó khăn hoặc người ta không thực hiện thì chúng ta xử lý như thế nào. Đây là một việc cũng cần phải đặt ra và suy nghĩ tới để khi hiệu lực, quyết định của Tòa án được ban hành thì cũng phải được thực hiện. Cũng có những đại biểu có ý kiến cho rằng đề nghị cơ quan thẩm định giá để làm việc này thì tôi lại nghĩ khác bởi vì cơ quan thẩm định giá nó là thẩm định giá, chứ không phải định giá. Tức là trên cơ sở có giá nó mới thẩm định là cao hay thấp hoặc như thế nào, cho nên tôi thấy rằng cơ chế thì có thể giao cho cơ quan tài chính làm nằm trong chỗ đó. Nhưng cũng phải quy định cho rõ ràng thời hạn thực hiện quyết định này như thế nào để đảm bảo trong bối cảnh chung để giải quyết vụ án nếu không thì tình trạng án dân sự sẽ kéo dài do chưa được định giá. Vì vậy, việc sửa đổi đó tôi cũng thống nhất tuy nhiên cũng cần nghiên cứu thêm về thời hạn để định giá đối với trách nhiệm của Hội đồng định giá. Qua nghiên cứu tôi xin có một số ý kiến. Xin hết.