Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đặng Văn Khanh – TP Hà Nội
Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi cũng thể hiện một quan điểm là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự rất cần thiết và đã được Ban soạn thảo chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ và rất đầy đủ. Tôi cũng thể hiện sự nhất trí cao về những vấn đề mà tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về những nội dung đã được nêu trong dự thảo. Tôi xin phát biểu một vấn đề hiện nay vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, kể cả thảo luận ở tổ cũng như trên hội trường này, đó là vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng dân sự.
Trước hết, tôi cũng thể hiện ủng hộ quan điểm cho rằng việc dân sự cốt ở hai bên, điều này cũng được quán triệt từ khi xây dựng Luật tố tụng dân sự hiện hành và đến nay tôi cho là quan điểm đấy vẫn là quan điểm then chốt. Nhưng thực tế mà nói khi Bộ luật tố tụng dân sự này có hiệu lực pháp luật từ ngày mùng 1 tháng 1 năm 2005 đến nay đã 5 năm thì qua hoạt động thực tế chúng tôi cũng thấy bộc lộ lên rất nhiều vấn đề bất cập mà cần thiết phải sửa đổi bổ sung. Đó là về vai trò của Viện kiểm sát tham gia trong quá trình tố tụng dân sự theo Điều 21 của Luật tố tụng dân sự hiện hành thì Viện kiểm sát chỉ tham gia các phiên tòa đối với những vụ án do tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay là rất nhiều trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập xuất trình chứng cứ cho tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Điều này là một thực tế rất rõ, thậm chí có những trường hợp mà đương sự không tự thu thập được chứng cứ ngay ở trong giai đoạn là sơ thẩm và như vậy tòa tham gia vào đề nghị cơ quan này, cơ quan khác cung cấp hồ sơ, cung cấp tư liệu cũng không có. Chính vì vậy mà những đương sự này không thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, như vậy dẫn đến tình trạng lên đến cấp phúc thẩm người ta mới tìm được thì lại dẫn đến tình tiết mới.
Thứ hai, rất nhiều trường hợp đương sự không thật sự am hiểu pháp luật để tự mình đưa ra lý lẽ, lập luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong khi đó cũng không phải đương sự nào cũng có thể thuê luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều này cũng được chứng minh rất rõ về mặt thực tế. Có đại biểu thì nói trình độ hiểu biết pháp luật của dân, trình độ dân trí v.v... nhưng thực tế trong các vụ án dân sự thì không phải đương sự nào, có thể nói là rất nhiều đương sự không thể có đủ lý lẽ, không có đủ trình độ, khả năng cũng như hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi đó việc thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình của nhiều đương sự cũng không được đảm bảo.
Vấn đề thứ ba, không phải trường hợp nào đương sự cũng có thể phát hiện được sự thiếu khách quan của thẩm phán trong quá trình thu thập chứng cứ để khiếu nại và đề nghị Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, điều này thể hiện rất rõ qua quá trình giải quyết thực tế cho thấy như vậy. Cũng như ý kiến của đại biểu Hồ Văn Năm nói là kể cả thẩm phán thu thập chứng cứ làm cho việc xem xét giải quyết một vụ án dân sự được khép kín.
Chính vì những điều trên đã và đang dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự không được bảo vệ ngay từ cấp sơ thẩm và cũng là hệ quả của việc kháng cáo các vụ án dân sự ngày một nhiều như đại biểu Hoa, đoàn Nam Định đã nêu, tôi cũng không tiện nêu ra những con số ở đây. Đồng thời do không tham gia vào các vụ việc dân sự ngay từ khâu thu thập chứng cứ, ngay từ khâu thụ lý và cũng không tham gia các phiên tòa, phiên họp mà Viện kiểm sát chỉ tham gia kiểm sát bản án quyết định của Tòa án nên hầu như Viện kiểm sát không có thể phát hiện ra những sai lầm, thiếu sót của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự về kháng nghị nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của đương sự thì đây là một cái thể hiện rất rõ trong quá trình này. Cho nên, thực tế chúng tôi thấy nhiều bản án dân sự ở cấp sơ thẩm thì bị kháng cáo lên phúc thẩm hoặc chính bên Tòa án cấp trên phát hiện và kháng nghị bản án của Tòa án cấp dưới, bởi vì kiểm sát chỉ có kiểm sát bản án và quyết định thôi trừ trường hợp nào thấy đương sự người ta khiếu nại đến rút hồ sơ để kháng nghị thì lúc bấy giờ thời gian không còn. Hai nữa nếu chỉ có xem xét về bản án và quyết định của Tòa án thì sẽ không thể phát hiện được những cái thiếu sót trong quá trình giải quyết của Tòa án, cho nên không kháng nghị được, cho nên tỷ lệ kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án dân sự là rất ít, rất thấp. Chính vì vậy cũng ảnh hưởng đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, tôi hoàn toàn tán thành với việc sửa đổi Điều 21 về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự của Viện kiểm sát đó là Viện kiểm sát tham gia vào tất cả các phiên tòa, phiên họp về giải quyết các vụ án dân sự, vụ việc dân sự.
Vấn đề thứ hai, Điều 234 về phát biểu của kiểm sát viên. Tôi hoàn toàn nhất trí với việc sửa đổi Điều 234 về phát biểu của kiểm sát viên như trong dự thảo luật với những lý do sau:
Thứ nhất, Điều 234 mới chỉ bỏ đi cụm từ "trong trường hợp kiểm sát viên tham gia phiên tòa thì", bỏ đi như vậy bởi vì trước đây Viện kiểm sát chỉ tham gia một số trường hợp thôi, bây giờ Điều 21 đã quy định Viện kiểm sát tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp thì bỏ cụm từ đó là đương nhiên.
Thứ hai, sau khi các đương sự tranh luận rồi thì Chủ tọa phiên tòa hỏi kiểm sát viên phát biểu quan điểm của mình về vấn đề giải quyết vấn đề đó. Chúng tôi cho rằng đây không phải kiểm sát viên tranh luận với đương sự mà phát biểu của kiểm sát viên giúp cho phiên tòa, giúp cho Hội đồng xét xử thấy được sự việc khách quan hơn, đầy đủ hơn để khi phán quyết tốt hơn. Chính vì vậy tôi ủng hộ như sửa đổi tại Điều 234. Xin cám ơn.